Ảnh minh họa INT.
Sau 5 năm, Bộ GD&ĐT nhận định, cơ chế dần đi vào thực chất, tác động tích cực đến cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Mạng lưới tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học được mở rộng, đa dạng hóa với 7 tổ chức trong nước; ngoài ra còn có 10 tổ chức nước ngoài được Bộ GD&ĐT công nhận hoạt động ở Việt Nam. Đội ngũ kiểm định viên tăng cường cả về lượng và chất (hơn 600 người được Bộ GD&ĐT cấp thẻ). Hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đại học được tăng cường; công tác kiểm định chất lượng ngày càng hiệu quả, từng bước hội nhập quốc tế.
Tính đến 30/6, trong số hơn 8.000 chương trình đào tạo của toàn bộ hệ thống giáo dục đại học (bao gồm cả đại học, thạc sĩ và tiến sĩ), có 2.585 chương trình được kiểm định và cấp giấy chứng nhận của các tổ chức kiểm định trong nước và nước ngoài; trong đó 694 chương trình được đánh giá và công nhận bởi các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín. Công tác kiểm định, đánh giá ngoài chương trình đào tạo giúp cơ sở giáo dục đại học nâng cao uy tín, minh bạch hóa các hoạt động và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động.
Bên cạnh kết quả, tác động tích cực đến hệ thống, quy định về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học nói chung, kiểm định chương trình nói chung cũng nảy sinh bất cập. Luật Giáo dục đại học 2018 giao quyền cho các tổ chức kiểm định thực hiện việc tổ chức đánh giá ngoài và thành lập hội đồng để xem xét, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học.
Các nội dung trong kiểm định chất lượng đại học nhiều khi mới dừng lại ở bề ngoài, mang tính liệt kê công việc, các thứ cần có mà chưa đi vào thực chất, hiệu quả của quản lý đào tạo. Kết quả kiểm định chất lượng đại học đâu đó chưa được sử dụng hiệu quả; dẫn đến việc làm chiếu lệ, có thành tích báo cáo, mà không vì sự thay đổi về chất lượng đào tạo.
Mặc dù đã có những quy định về kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá hoạt động của các tổ chức kiểm định; nhưng thực tế cho thấy chưa có cơ chế quản lý Nhà nước hữu hiệu để bảo đảm mức độ tin cậy của các kết quả đánh giá, công nhận tiêu chuẩn chất lượng.
Về kiểm định chương trình, việc bắt buộc kiểm định tất cả số lượng lớn các chương trình đào tạo tạo sức ép lớn và chi phí tốn kém đối với các cơ sở giáo dục đại học và gây quá tải cho hệ thống tổ chức kiểm định. Sự mất cân đối giữa năng lực của các tổ chức kiểm định với nhu cầu kiểm định của cơ sở giáo dục đại học cũng dẫn đến hệ lụy, như tính hình thức, đối phó, làm mất đi hiệu quả tích cực của công tác kiểm định chất lượng. Những khó khăn, hạn chế này cần được nhận diện một cách đầy đủ, toàn diện.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai nhiệm vụ sửa đổi Luật Giáo dục đại học; trong đó, một trong những chính sách lớn là đổi mới cách tiếp cận, bảo đảm thực chất trong công tác đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.
Liên quan đến kiểm định chương trình, Bộ GD&ĐT đề xuất bổ sung cơ chế, tiêu chuẩn kiểm định hệ thống đối với các cơ sở giáo dục đại học; quy định phân quyền tự chủ đánh giá, kiểm định chương trình đào tạo cho cơ sở giáo dục đại học đủ năng lực, đã đạt kiểm định hệ thống. Đồng thời, khắc phục việc xem nhẹ hoạt động tự đánh giá (đảm bảo chất lượng bên trong); bước tháo gỡ bất cập quá tải, lãng phí khi bắt buộc kiểm định, đánh giá ngoài tất cả chương trình đào tạo.
Thảo Đan