Từ 547 xuống còn 166 đơn vị hành chính cấp xã
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên phát biểu khai mạc. Ảnh: Quốc Hương
Phát biểu tại kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên khẳng định: thực hiện các Nghị quyết, kế hoạch, quyết định của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương, UBTVQH và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với quyết tâm chính trị rất cao của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh đã Thanh Hóa hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ, bao gồm: Thành lập BCĐ các cấp; xây dựng và ban hành các văn bản tổ chức thực hiện; xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; báo cáo và xin ý kiến Ban thường vụ, BCH cấp ủy các cấp về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và nhiều công việc liên quan.
Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ. Ảnh: Quốc Hương
Qua quá trình tổ chức thực hiện cho thấy, việc lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh được cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo nghiêm túc, bài bản, công khai, dân chủ, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Việc phân chia địa giới để hình thành các xã mới cơ bản bảo đảm các tiêu chí theo quy định của Trung ương, phù hợp với tình hình thực tế, tạo không gian phát triển cho các xã sau này; vấn đề trung tâm hành chính của các xã mới, quản lý sử dụng trụ sở, tài sản công được tính toán hợp lý; phương án tên gọi các xã được Nhân dân đồng tình cao.
Tờ trình của UBND tỉnh Thanh Hóa về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Thanh Hóa năm 2025 đã phân tích kỹ lưỡng sự cần thiết và các căn cứ thực tiễn để xây dựng đề án, trong đó khẳng định: “Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là phù hợp với tình hình thực tiễn, khắc phục những bất hợp lý về tổ chức đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh; mở rộng hợp lý không gian, dư địa phát triển, có tầm nhìn hàng trăm năm; bảo đảm yêu cầu sát dân, gần dân và phục vụ Nhân dân; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quản lý hành chính lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, nhằm đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương trong kỷ nguyên mới của đất nước, của dân tộc, phù hợp với xu thế chung của thế giới”.
Các đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: Quốc Hương
Tại kỳ họp, các đại biểu cũng tập trung phân tích, làm rõ một số nội dung trọng tâm, như: tính hợp lý, tính khả thi của phương án sắp xếp đơn vị hành chính; phân tích đầy đủ những tác động có thể phát sinh đối với đời sống người dân và hoạt động của các thiết chế dân sinh tại địa phương; đồng thời, làm rõ phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp; kế hoạch sử dụng trụ sở làm việc, xử lý tài sản công, công nợ, cũng như các dự án đang triển khai dở dang sau sắp xếp... Đây là những vấn đề then chốt được các đại biểu HĐND tỉnh xem xét kỹ lưỡng để bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình triển khai thực hiện.
Trên cơ sở tờ trình của UBND tỉnh, các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và thảo luận dân chủ, trách nhiệm, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua các nghị quyết với tỷ lệ 100%. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã từ 547 xã, phường, thị trấn, xuống còn 166 xã, phường; trong đó có 147 xã, 19 phường (giảm 381 đơn vị xã, phường, thị trấn; tương đương giảm 69,65%).
Khẩn trương triển khai nghị quyết để bộ máy mới hoạt động ổn định, hiệu quả
Có thể khẳng định, việc HĐND tỉnh Thanh Hóa gấp rút tổ chức kỳ họp chuyên đề để thông qua chủ trương về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh là bước đi mang tính chiến lược, thể hiện vai trò, trách nhiệm chính trị cao của HĐND tỉnh - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của địa phương trước vận mệnh, tương lai phát triển của tỉnh. Bởi, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Đây không chỉ là việc tinh gọn bộ máy, điều chỉnh địa giới, mà là thiết kế lại không gian kinh tế, nguồn lực và quản trị xã hội theo hướng đổi mới và hiện đại hóa”. Do đó, việc tổ chức kỳ họp chuyên đề để xem xét, thảo luận và quyết nghị nội dung này không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của HĐND tỉnh, mà còn khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong việc thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có tác động sâu rộng đến tổ chức bộ máy và đời sống Nhân dân.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp. Ảnh: Quốc Hương
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh; sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong tỉnh đã góp phần tạo nên sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn xã hội đối với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, quá trình hoàn thiện Đề án được thực hiện công khai, dân chủ, có sự tham gia rộng rãi của Nhân dân, bảo đảm tính hợp lý, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đơn vị. Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân được triển khai tại 547 xã, phường, thị trấn và 26 huyện, thị xã, thành phố, với tỷ lệ đồng thuận rất cao, đạt 95,55% số cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng nêu rõ: Sau khi Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được HĐND tỉnh thông qua, nhiệm vụ đặt ra đối với cả hệ thống chính trị là phải khẩn trương, nghiêm túc tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ. Ngay từ bây giờ, phải xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết với yêu cầu cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ và rõ trách nhiệm. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban, các Tổ đại biểu và từng đại biểu HĐND tỉnh cần tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhất là những vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật và tổ chức bộ máy. Đồng thời, tích cực bám sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; phát huy vai trò đại diện dân cử trong việc truyền tải tiếng nói của Nhân dân đến các cơ quan có thẩm quyền, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần bảo đảm ổn định tình hình và củng cố niềm tin của Nhân dân.
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Quốc Hương
Để bộ máy chính quyền các xã, phường mới sớm đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị UBND tỉnh ngay sau kỳ họp sớm hoàn chỉnh hồ sơ, Đề án, trình Bộ Nội vụ thẩm định báo cáo Chính phủ, gửi Ủy ban Pháp luật thẩm tra, trình UBTVQH quyết nghị.
“Sau khi có Nghị quyết của UBTVQH về việc thành lập các đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Thanh Hóa, nhiều việc tiếp theo cần thực hiện như: Xây dựng phương án tổ chức bộ máy của chính quyền cấp xã; phương án bố trí đội ngũ cán bộ, công chức; chuyển giao công việc từ cấp huyện cho các xã; vấn đề tài chính, tài sản, các dự án đầu tư, các thủ tục hành chính đang giải quyết cho tổ chức, cá nhân... Do vậy, đề nghị UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các Ban của Tỉnh ủy, MTTQ và các đoàn thể để triển khai công việc được thông suốt. Bắt đầu từ ngày 1.7.2025, kết thúc hoạt động của chính quyền cấp huyện, chính quyền cấp xã mới đi vào hoạt động, theo đúng quy định của pháp luật và kế hoạch của Trung ương” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên khẳng định.
“Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là một nhiệm vụ rất lớn, có tác động sâu rộng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội; đây không phải là đích đến, mà chỉ là điểm khởi đầu cho một chặng đường đổi mới căn bản tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Sau khi hoàn tất việc sắp xếp, các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị cần tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, tăng cường kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, hướng tới xây dựng nền hành chính hiện đại, dân chủ, chuyên nghiệp, phục vụ phát triển nhanh và bền vững”
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh
Đào Cảnh