Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Cần đánh thức khối di sản đang 'ngủ yên'

Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Cần đánh thức khối di sản đang 'ngủ yên'
3 giờ trướcBài gốc
Những công trình “vừa hào hùng, vừa bi tráng”
Hà Nội được nhận diện là một trong số ít các thành phố trên thế giới còn giữ được nhiều kiến trúc thời kỳ đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa (XHCN), hay còn gọi là thời bao cấp. Những công trình kiến trúc đó có thể là một trung tâm công nghiệp sản xuất quy mô lớn, tiêu biểu như cụm công nghiệp Cao - Xà - Lá, có thể là trung tâm văn hóa như Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, Cung Thiếu nhi Hà Nội, trụ sở một số Bộ, ngành và cả các khu tập thể như: Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Trung Tự, Thành Công…
KTS Vũ Hiệp - một người đang nghiên cứu về kiến trúc XHCN tại Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, theo nghiên cứu của anh, kiến trúc thời bao cấp có thể phân kỳ thành ba giai đoạn. Tương ứng với các giai đoạn này, phong cách kiến trúc cũng có sự khác biệt, từ kiểu thiết kế mặt bằng, mặt đứng đối xứng ngay ngắn, sử dụng phân vị ngang dọc giai đoạn đầu đến kiến trúc hiện đại với mặt bằng, hình khối đa dạng, sinh động; sử dụng nhiều mảng lớn tường hoa gió và lam chắn nắng trên mặt đứng ở giai đoạn sau. Vật liệu từ sử dụng gạch xây đến bê tông, cho phép giải phóng không gian tầng 1; phong cách từ ảnh hưởng bởi kiến trúc Trung Quốc đương thời đến mối liên hệ với kiến trúc XHCN Đông Âu những năm sau đó…
Công trình Cung Thiếu nhi Hà Nội, do KTS Lê Văn Lân thiết kế năm 1974, hoàn thành xây dựng năm 1976.
Đánh giá về giá trị di sản kiến trúc thời kỳ 1954-1986, KTS Vũ Hiệp cho rằng, dưới góc nhìn văn hóa sinh thái, kiến trúc giai đoạn này thể hiện rõ bản sắc kiến trúc Việt Nam, cũng như cách kiến trúc truyền thống thích ứng với khí hậu địa phương.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng, các công trình kiến trúc thời bao cấp phản ánh một giai đoạn của đất nước, với những nguyên tắc định hình hiện đại, tiến bộ, có giá trị lịch sử, khoa học, xã hội và kinh tế. Khối di sản kiến trúc giai đoạn này là một phần tạo dựng nên bản sắc Hà Nội và có nhiều tiềm năng để phát huy giá trị, đóng góp vào công cuộc đổi mới tiếp theo của đất nước cũng như phục vụ cho chiến lược phát triển Hà Nội trong tương lai.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, kiến trúc thời bao cấp “vừa hào hùng, vừa bi tráng”. Các kiến trúc sư Việt Nam đã lấy nguồn cảm hứng từ cuộc sống của người dân Hà Nội để thể hiện mơ ước, khát vọng của nhân dân và cũng là ước mơ, khát vọng của chính bản thân họ để vượt lên những khó khăn, rào cản, xây dựng được những công trình kiến trúc tốt nhất cho xã hội.
Thách thức bài toán bảo tồn
Tuy nhiên, dù kiến trúc thời bao cấp khẳng định những giá trị to lớn, Hà Nội cũng đang đứng trước thách thức lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản này. Câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập toàn cầu, Hà Nội có thể phát huy các giá trị của di sản kiến trúc này trong chiến lược xây dựng thương hiệu đô thị hay không?
Theo một khảo sát tiến hành gần đây của KTS Vũ Hiệp, phần lớn người dân Hà Nội không có cảm nhận gì nhiều về kiến trúc thời kỳ bao cấp. Khi được hỏi kiến trúc nào đại diện cho bản sắc Hà Nội, có tới 56% số người được hỏi cho rằng đó là kiến trúc truyền thống. Tiếp theo, có 18% cho rằng đó là kiến trúc Pháp, 17% chọn kiến trúc đương đại. Chỉ có 9% cho rằng kiến trúc thời bao cấp đại diện cho bản sắc Hà Nội. Đồng thời, KTS Vũ Hiệp cũng cho rằng, kiến trúc giai đoạn 1954-1986 ít được quảng bá đến công chúng. Khảo sát các sách lịch sử kiến trúc trong 10 năm trở lại đây, nhóm nghiên cứu nhận thấy sự thống trị của các cuốn sách về kiến trúc thuộc địa Pháp và sự vắng bóng của kiến trúc giai đoạn 1954-1986.
Tòa nhà Bưu điện Hà Nội được xây dựng năm 1976, kiến trúc hiện đại 5 tầng, quy mô bề thế chạy dọc mặt phố Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Đình Trung
“Hỏi kỹ hơn thì hầu hết các bạn trẻ không có kiến thức gì nhiều về kiến trúc thời bao cấp. Vì không có hiểu biết, không có tài liệu để đọc, các bạn không hiểu về nó và không biết đến vai trò lịch sử của kiến trúc thời bao cấp”, KTS Vũ Hiệp nói.
Tuy nhiên, điều mà KTS Vũ Hiệp cho rằng “đáng báo động” là giờ đây, nhiều di sản kiến trúc thời bao cấp đã xuống cấp, nhiều công trình đã bị phá đi để xây dựng những khu chung cư, văn phòng cao cấp; một số khác thì bị cải tạo sai lệch so với vẻ đẹp ban đầu. Dẫn ra công trình của Tân Hoàng Minh tại số 24 phố Quang Trung, được xây trên nền của Nhà xuất bản Sự thật trước đây, ông Hiệp cho rằng hiện tượng cải tạo, xây mới các di sản kiến trúc thời bao cấp theo kiểu “giả Pháp” như vậy rất tiêu biểu cho lối thẩm mỹ phổ biến hiện nay.
KTS Lê Thành Vinh - nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cũng cho rằng, kiến trúc thời bao cấp là một nhóm đối tượng đang bị mờ, nếu so với di tích phong kiến, di tích Pháp thuộc hay các công trình mới. Đáng mừng là hiện nay, kiến trúc thời bao cấp bắt đầu được nhìn nhận đúng hơn, được định lượng ở mức độ phù hợp để gìn giữ nó trong sự phát triển. Ông Vinh cho rằng, câu hỏi ứng xử như thế nào đối với các di tích kiến trúc thời bao cấp không chỉ nằm ở chỗ các nhà nghiên cứu và cộng đồng quan tâm mà cần được các nhà quản lý định hướng, giải quyết.
“Khi mà chuyển các di sản công nghiệp ra khỏi thành phố thì những khoảnh đất đó sẽ sử dụng để làm gì? Những vấn đề đó đặt ra và rất cần nhà chuyên môn và những người quan tâm đưa ra ý kiến với các nhà quản lý xã hội, để làm sao chúng ta có một cách ứng xử tốt nhất đối với di sản”, ông Vinh nói.
Trong khi đó, KTS Vũ Hiệp cho rằng, di sản kiến trúc XHCN là lợi thế cạnh tranh của Hà Nội trên bình diện quốc tế. Hiện nay, ở các nước Đông Âu đang diễn ra xu hướng khai thác các công trình kiến trúc thời bao cấp để phục vụ trải nghiệm “du lịch đỏ”, song đã gây rất nhiều tranh cãi. Dù vậy, KTS Vũ Hiệp khẳng định Hà Nội rất tự tin sẽ không xảy ra tình trạng này, bởi những công trình kiến trúc thời bao cấp vẫn là một phần lịch sử phát triển của đất nước.
Về phần mình, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy cho rằng việc khai thác các kiến trúc thời bao cấp là vấn đề nóng hổi cần được quan tâm. Ông Huy gợi ý, các khu tập thể thời bao cấp có rất nhiều chuyện để kể, vì vậy, chúng ta có thể bảo tồn một số khu tập thể như một “kiến trúc sống” ngay trong xã hội hiện đại.
“Có những tòa nhà đã thay đổi công năng, đặc biệt là công năng dưới tầng 1. Trước kia là nơi ở, bây giờ nó đã biến thành cửa hàng. Điều đó cho thấy sức sống của những tòa nhà ở khu tập thể rất tốt. Chúng ta có thể biến nó thành nơi sinh hoạt, cửa hàng, những tầng trên là người ở, còn Nhà nước hoặc tư nhân có thể mua và biến 1 tầng thành bảo tàng để nói câu chuyện về thời kỳ bao cấp... Chúng ta có thể sử dụng những tòa nhà đó để vừa giới thiệu những di sản quá khứ vừa tiếp tục cuộc sống ở trong những khu tập thể ấy. Phá bỏ thì rất dễ, giữ lại rất là khó, rất phức tạp nhưng chúng ta phải giữ”, ông Huy nói.
T.Toàn
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/kien-truc-ha-noi-thoi-bao-cap-can-danh-thuc-khoi-di-san-dang-ngu-yen-post317168.html