Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị về giải phóng miền Nam, tháng 1-1975, Thường trực Quân ủy Trung ương họp quán triệt và quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên, nhằm tiêu diệt bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng các tỉnh Nam Tây Nguyên. Trung tướng Hoàng Minh Thảo được giao nhiệm vụ làm Tư lệnh chiến dịch. Ông là vị tướng không chỉ được đánh giá là "Khổng Minh tái thế" của Quân giải phóng mà còn là một chiến tướng thực thụ trên chiến trường. Khi đồng chí Hoàng Minh Thảo được triệu tập ra Hà Nội để tham khảo ý kiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi: “Nếu đánh Tây Nguyên thì đánh ở đâu trước?”. Đồng chí Hoàng Minh Thảo trả lời: “Khi đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên thì trước hết nên đánh vào Buôn Ma Thuột, vì đây là thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi địch sơ hở nhất. Khó khăn phải vượt qua để tiến công trên hướng này là thiếu đường hành quân và thiếu nước”.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, trên cương vị Tư lệnh chiến dịch, đồng chí Hoàng Minh Thảo triệu tập và chủ trì Hội nghị Bộ tư lệnh chiến dịch mở rộng (từ ngày 17 đến 19-2-1975) để bàn phương án tác chiến. Sau khi đánh giá tình hình ngụy quân Sài Gòn trên địa bàn, hội nghị thống nhất: Hướng và khu vực tác chiến chủ yếu là thị xã Buôn Ma Thuột-Đức Lập. Mục tiêu quyết định là thị xã Buôn Ma Thuột. Hướng và mục tiêu quan trọng là khu vực Cẩm Ga (Thuần Mẫn) để cắt đứt Đường 14, chia cắt các lực lượng đối phương ở Bắc Tây Nguyên và Nam Tây Nguyên, ngăn chặn cánh quân ở khu vực Kon Tum-Pleiku xuống ứng cứu cho Buôn Ma Thuột...
Thực tiễn trên chiến trường đã diễn ra đúng như hội nghị xác định. Dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Hoàng Minh Thảo, trong trận Buôn Ma Thuột, ta có điều kiện triển khai binh lực và thực hiện tiến công bằng sức mạnh binh chủng hợp thành với quy mô lớn, giành thắng lợi oanh liệt, làm đảo lộn thế phòng thủ của địch, buộc chúng phải rút bỏ Kon Tum, Pleiku, tạo điều kiện cho chiến dịch phát triển tiến tới thắng lợi.
Tư lệnh Hoàng Minh Thảo (thứ hai, từ trái sang) tại cuộc họp thông qua phương án tác chiến của Chiến dịch Tây Nguyên, tháng 2-1975. Ảnh tư liệu
Một trong những dấu ấn nổi bật của đồng chí Hoàng Minh Thảo trong Chiến dịch Tây Nguyên là nghệ thuật tổ chức nghi binh, lừa địch, giấu hướng tiến công chủ yếu khiến địch bị bất ngờ, mất quyền chủ động trên chiến trường, bị động đối phó với những đòn tiến công của ta. Hội nghị Bộ tư lệnh chiến dịch do đồng chí Hoàng Minh Thảo chủ trì đã xác định hướng nghi binh chiến dịch là Pleiku và Kon Tum. Thực hiện kế hoạch nghi binh này, trên hướng Kon Tum, Pleiku, Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng Sư đoàn 968 và lực lượng vũ trang địa phương hoạt động nghi binh, tổ chức trinh sát, bắn tỉa, pháo kích, đánh địch lấn ra ngoài; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động chuẩn bị chiến trường như làm đường cơ động, tung các toán trinh sát vào Kon Tum, tăng thêm lực lượng ra phía trước, củng cố công sự, làm trận địa pháo, dùng xe vận chuyển gạo, đạn dược…
Trước các hoạt động này, đầu tháng 2-1975, địch phải điều Liên đoàn 6 biệt động quân từ phía sau lên Bắc Kon Tum, nống ra Bắc điểm cao 751, nhưng bị ta đánh trả quyết liệt phải lùi lại. Trung đoàn 19 phối hợp với dân quân và nhân dân các làng phía Tây Pleiku sửa lại các tuyến đường cơ động cho xe, pháo, mở mới những đoạn đường ở gần các mục tiêu địch trên Quốc lộ 19, Đường 5A, 5B. Công binh nổ bộc phá san đường ngầm qua các suối cạn, cố tình để lộ ý định. Các trận địa phòng ngự ở tuyến phía Tây Gia Lai như Chư Tan Kra, điểm cao 631 trên Đường 5A, 5B, Quốc lộ 19 được lệnh sửa chữa gấp để làm bàn đạp cho các lực lượng phía sau lên tiến công. Các tổ trinh sát tăng cường trinh sát thị xã Pleiku, trục Đường 14 đoạn Pleiku-Hàm Rồng và đột nhập vào Bàu Cạn, Chư Gôi, bắt được một tù binh địch để khai thác thông tin… Các hành động trên khiến địch tin rằng ta đã tăng cường bố phòng chặt chẽ ở phía Tây Pleiku, chuẩn bị cho chiến dịch quân sự sắp xảy ra ở Bắc Tây Nguyên nên chúng đã tập trung một lực lượng lớn khối chủ lực cơ động tại đây. Do vậy, khi ta tập trung mở cuộc tiến công ở Nam Tây Nguyên, địch hoàn toàn bị bất ngờ, dẫn đến hậu quả nhanh chóng thất bại.
Đồng chí Hoàng Minh Thảo cùng Bộ tư lệnh chiến dịch đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức tác chiến, đánh chốt cắt giao thông, đánh thị xã, căn cứ, đánh địch phản đột kích và đánh địch rút chạy. Mở màn chiến dịch, ngày 4-3-1975, ta sử dụng Trung đoàn 95A tổ chức đánh cắt giao thông trên Quốc lộ 19, đoạn phía Đông thị xã Pleiku. Chưa đầy một ngày, Trung đoàn 95A đã tiêu diệt một loạt vị trí địch, trong đó có căn cứ do một tiểu đoàn bảo an chiếm đóng, làm chủ một đoạn đường dài 20km. Cùng ngày, Sư đoàn 3 (thiếu) của Quân khu 5 đánh cắt Quốc lộ 19 trên đoạn Thượng Giang-Bình Khê, tiêu diệt hàng loạt vị trí địch. Ngày 5-3, Trung đoàn 25 chia cắt Đường 21 trên đoạn Chư Xuê, con đường quan trọng thứ hai nối từ Nha Trang-Ninh Hòa lên Buôn Ma Thuột, đưa Buôn Ma Thuột vào tình thế bị cô lập, gây khó khăn trong việc ứng cứu của địch khi Buôn Ma Thuột bị thất thủ.
Sau khi sử dụng lực lượng đánh chia cắt giao thông, dưới sự chỉ huy của đồng chí Hoàng Minh Thảo, quân ta triển khai lực lượng trên các hướng, các mũi đã xác định trong kế hoạch, tổ chức nghi binh, tạo thế thu hút, giam chân địch trên hướng thứ yếu (Bắc Tây Nguyên); tập trung ưu thế binh hỏa lực trên hướng chủ yếu (Nam Tây Nguyên) và mục tiêu chủ yếu (Buôn Ma Thuột) địch không ngờ tới. Thực hiện bao vây, chia cắt từng cụm cứ điểm, kết hợp đột phá với luồn sâu, thọc sâu, hiệp đồng binh chủng, trong ngoài cùng đánh, phá vỡ hệ thống phòng thủ kiên cố của địch ở Buôn Ma Thuột, tạo điều kiện kéo quân địch còn lại ra ngoài công sự kiên cố để tiếp tục tiêu diệt Sư đoàn 23 địch và cuối cùng vận động tiến công tiêu diệt lực lượng còn lại rút chạy trên Đường 7. Trong quá trình chiến đấu, đồng chí Hoàng Minh Thảo cùng với Bộ tư lệnh chiến dịch luôn theo sát diễn biến tình hình, kịp thời chỉ đạo các đơn vị thay đổi phương pháp tiến công, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, dùng hỏa lực pháo binh bắn phá mãnh liệt vào các vị trí địch. Mặc dù địch tập trung hỏa lực của không quân, pháo binh đánh phá ngăn chặn và bộ binh phản kích quyết liệt nhưng không cản được sức tiến công của ta.
Là người trực tiếp chiến đấu nhiều năm trên chiến trường Tây Nguyên, Tư lệnh Hoàng Minh Thảo nắm chắc địa bàn cũng như lực lượng địch chiếm đóng tại đây. Vì vậy, trong Chiến dịch Tây Nguyên, Tư lệnh Hoàng Minh Thảo cùng với Bộ tư lệnh chiến dịch đã phán đoán đúng ý định của địch là khi thất bại chúng sẽ rút chạy theo Đường 7 nên tổ chức bố trí lực lượng tiến hành truy kích, tiêu diệt lực lượng địch rút chạy khỏi Tây Nguyên. Đêm 16-3-1975, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Minh Thảo, Bộ tư lệnh chiến dịch họp bàn và xác định: Đúng như dự kiến của ta, địch rút chạy khỏi Tây Nguyên là thời cơ rất thuận lợi để ta mở cuộc truy kích tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch. Vì khi rút chạy, đội hình của chúng lộn xộn, chỉ huy rối loạn, tinh thần quân lính hoang mang, sức chiến đấu giảm sút. Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng các lực lượng truy kích đánh địch rút chạy. Sau khi hình thành thế bao vây, tổ chức lực lượng chốt chặn, quân ta tiêu diệt lực lượng lớn quân địch cùng phương tiện, khí tài rút chạy trên Đường 7 từ Cheo Reo đến Củng Sơn, đập tan ý đồ rút khỏi Tây Nguyên về co cụm ở vùng đồng bằng Khu 5 của địch...
Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên tạo ra sự thay đổi căn bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược có lợi cho ta, mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam để quân và dân ta tiếp tục các đòn tiến công quân sự lớn, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên là tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó có vai trò quan trọng của Tư lệnh Hoàng Minh Thảo-"kiến trúc sư trưởng" của chiến dịch.
ĐỖ VĂN HINH - ĐỖ THỊ TUYẾT MAI