Tạo thế và lực ở Tây Nguyên mùa xuân năm 1975

Tạo thế và lực ở Tây Nguyên mùa xuân năm 1975
13 giờ trướcBài gốc
Trước đó ở Tây Nguyên, địch có 1 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn không quân, 7 liên đoàn biệt động quân và các trung đoàn pháo binh, tăng thiết giáp, sở chỉ huy Quân khu 2-Quân đoàn 2 đóng ở Pleiku; cơ cấu chính quyền của 5 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Quảng Đức, Phú Bổn có bộ máy, cảnh sát, đảng phái, dân vệ... từ cấp thôn, xã đến huyện, tỉnh; khi tác chiến còn có các lực lượng bộ binh, không quân, xe tăng từ các nơi khác chi viện.
Trước khi mở Chiến dịch Tây Nguyên, ta chỉ có 2 sư đoàn bộ binh và các trung đoàn: Xe tăng, pháo binh, phòng không, công binh thuộc biên chế của Mặt trận B3. Để bảo đảm chắc thắng cho trận mở màn, nhiệm vụ của chiến dịch phải giải quyết được hai vấn đề hết sức quan trọng là tạo ra thế có lợi và lực mạnh hơn địch; trong đó, tạo thế có lợi là yếu tố số 1. Nếu tạo được thế có lợi thì sẽ sinh ra lực, ngược lại lực lớn mà không có thế thì không phát huy được sức mạnh của lực lượng.
Đồng chí Nguyễn Như Huyền (ngoài cùng, bên trái) cùng đồng đội sau Đại thắng mùa Xuân 1975. Ảnh do tác giả cung cấp
Để tạo thế chiến dịch, kế hoạch tác chiến của ta là chủ trương bố trí lực lượng và thực hành các thế, làm sao để trước khi nổ súng đánh chiếm mục tiêu then chốt Buôn Ma Thuột sẽ tổ chức các trận đánh để cắt và chia cắt các trục đường cơ động trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, nhằm cô lập Tây Nguyên với đồng bằng ven biển và Đông Nam Bộ, khiến địch khi bị đánh thì đầu đuôi không cứu được nhau, trong ngoài không có đường cơ động để chi viện khi cần thiết.
Để tạo thế “trói địch lại mà đánh”, ta dùng Trung đoàn 95 đánh và cắt đứt Đường 19 từ đồng bằng lên ở đoạn từ Mang Yang đến Lệ Trung, không cho địch từ Quy Nhơn lên Pleiku. Trung đoàn 25 đánh và cắt Đường 21 để địch không thể cơ động chi viện cho Buôn Ma Thuột. Sư đoàn 968 sử dụng Trung đoàn 39 giữ chặt 4 liên đoàn biệt động quân ở Bắc Kon Tum; Trung đoàn 19 giam chân Trung đoàn 45 và Trung đoàn 53 của Sư đoàn 23 ngụy ở các trục Đường 19, Tây 5A, 5B.
Sau khi bị tiến công ở Tây Thanh An, ngày 3-3-1975, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân khu 2-Quân đoàn 2 ngụy tức tốc điều động Trung đoàn 45 từ Ea H'leo về Tây Pleiku bảo vệ Sở chỉ huy Quân khu 2-Quân đoàn 2 ngụy ở Pleiku đề phòng bị ta tấn công. Tức là trước khi ta nổ súng tiến công Buôn Ma Thuột, toàn bộ Sư đoàn chủ lực 23 của địch đã bị giam chân ở Bắc Tây Nguyên, làm cho Buôn Ma Thuột vốn là mục tiêu hiểm yếu trở thành yếu, “phơi mình” trước mũi súng của quân ta. Ngày 8 và 9-3-1975, ta chốt chặn nốt hai vị trí Thuần Mẫn (Bắc Buôn Ma Thuột) và Đức Lập (Nam Buôn Ma Thuột) thì toàn bộ đội hình của Quân khu 2-Quân đoàn 2 ngụy đã hoàn toàn bị bao vây cả 4 hướng.
Binh pháp cổ kỵ nhất là để thế trận lâm vào cảnh “lưỡng đầu thọ địch”. Vậy mà quân địch ở Tây Nguyên năm 1975 trước khi bị đánh đã rơi vào cảnh “lưỡng đầu thọ địch”, “tứ hướng lâm nguy” nên việc mất Buôn Ma Thuột, dẫn đến vỡ thế trận và đội hình tan rã là không thể tránh khỏi.
Để tạo nên sức mạnh tiến công áp đảo mục tiêu then chốt của chiến dịch, Tổng hành dinh đã điều động tăng thêm lực lượng cho Mặt trận Tây Nguyên Sư đoàn 968 từ Nam Lào về và Sư đoàn 316 ở miền Bắc vào cùng với Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 đang chiến đấu ở Tây Nguyên, tạo nên tỷ lệ so sánh có lợi rất lớn cho ta (tỷ lệ 4/1 về sư đoàn bộ binh).
Nhằm giữ bí mật lực lượng và nghi binh lừa địch, làm cho chúng phán đoán sai ý đồ tác chiến của ta, đầu tháng 2-1975, đồng chí Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 968: “Các đồng chí phải kìm chân hai trung đoàn của Sư đoàn 23 ngụy ở hướng Pleiku, không cho địch tăng thêm chủ lực xuống Buôn Ma Thuột. Nếu giam chân được toàn bộ Sư đoàn 23 ngụy ở đây trước khi ta nổ súng thì các đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Thực hiện chỉ thị này, Sư đoàn 968 đã tiến hành các hoạt động nghi binh. Mạng thông tin chỉ huy của Sư đoàn đã biến thành mạng thông tin của Mặt trận B3; mạng thông tin của Trung đoàn 19 và Trung đoàn 39 thành mạng thông tin của Sư đoàn 320 và Sư đoàn 10. Các chiến sĩ thông tin ngày cũng như đêm mồ hôi nhễ nhại quay máy phát “đầu bò”, còn các báo vụ thì mỏi nhừ ba đầu ngón tay để phát các bức điện “vô thưởng vô phạt” lên không trung. Các phiên liên lạc tăng đột ngột cả về thời gian và tần suất, làm cho địch rối trí. Các báo cáo tình báo dồn dập đưa về sở chỉ huy của tướng Phú đều khẳng định: “Việt cộng đã tăng rất nhiều đơn vị mới ở xung quanh Pleiku và Kon Tum”; máy bay trinh sát điện tử của địch ngày đêm quần thảo trên không định vị các trung tâm thông tin chỉ huy. Máy bay B-57 đã có lần đánh trúng Sở chỉ huy Sư đoàn 968 ở khu vực Đức Cơ, may mà không gây thiệt hại lớn.
Trên mặt đất, lực lượng công binh công khai nổ mìn phá đá, san ngầm, mở đường từ vùng giải phóng vào gần các trận địa của địch, vừa để nghi binh vừa làm đường kéo pháo vào trận địa khi tác chiến. Phi công máy bay L-19 và các toán thám báo, biệt kích địch đều báo cáo nhìn thấy rất rõ các con đường mới ở cả phía Pleiku và Bắc Kon Tum. Các thông tin cả trên mạng, trên trời, dưới đất càng củng cố thêm nhận định của tướng Phạm Văn Phú: Mùa xuân năm 1975, hướng hoạt động chính của Việt cộng là phía Bắc Tây Nguyên. Và khi ta bất ngờ tiến công 3 căn cứ ngụy ở Tây Pleiku, chỉ trong một buổi chiều (28-2-1975) đã giải phóng một khu vực dài 5km trên Quốc lộ 19 kéo dài ở Tây huyện lỵ Thanh An thì địch hoàn toàn tin rằng chiến cục mùa xuân năm 1975 đã bắt đầu ở Bắc Tây Nguyên. Thế là ta đã hoàn toàn đánh lừa được các tướng ngụy ở Pleiku và Sài Gòn, lừa được cả tình báo ngụy và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Khi xe tăng và bộ binh ta tiến vào Buôn Ma Thuột, Đại tá Lê Khắc Lý, Tham mưu trưởng Quân khu 2-Quân đoàn 2 ngụy chạy vào phòng ngủ đánh thức, tướng Phú mới muộn màng nhận ra: Buôn Ma Thuột là mục tiêu chính của ta.
Nhờ tạo ra thế trận bao vây chia cắt và tập trung lực lượng áp đảo ở mục tiêu then chốt, Chiến dịch Tây Nguyên mùa xuân năm 1975 đã giành thắng lợi trọn vẹn. Lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, ta đã thực hiện đánh tiêu diệt chiến lược một quân khu-quân đoàn địch, tạo bước ngoặt quyết định làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của địch từ Nam vĩ tuyến 17 đến Nam Bộ, đẩy địch phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác, tạo đà để ta tiến hành tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thiếu tướng NGUYỄN NHƯ HUYỀN, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/tao-the-va-luc-o-tay-nguyen-mua-xuan-nam-1975-826139