Kinh doanh nền tảng: Động lực cho tăng trưởng kinh tế số Việt Nam

Kinh doanh nền tảng: Động lực cho tăng trưởng kinh tế số Việt Nam
2 ngày trướcBài gốc
Sáng 19.2, Viện Nghiên cứu quản lý kinh Trung ương tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh doanh nền tảng: Động lực cho tăng trưởng kinh tế số Việt Nam” với mục tiêu nhận diện vai trò và các tác động kinh tế của hoạt động kinh doanh nền tảng tới nền kinh tế Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: V.A
Phát biểu về kinh doanh nền tảng ở Việt Nam, TS. Nguyễn Minh Thảo đại diện CIEM cho biết, báo cáo của Google, Temasek, Bain & Company đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp. Báo cáo của Bộ Công thương (Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023) dự báo trong giai đoạn 2022-2025 kinh tế Internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực đạt khoảng 31%/năm. Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng sẽ là quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong khu vực.
Báo cáo của CIEM cũng phân tích trường hợp điển hình về phát triển kinh doanh nền tảng, ví dụ như Grab trong lĩnh vực vận tải. Đây là một mô hình tiên phong trong ứng dụng công nghệ, là nền tảng phổ biến được ưa chuộng ở Việt Nam. Với sự tham gia của Grab đã thúc đẩy tăng trưởng của ngành vận tải cũng như các lĩnh vực kinh doanh khác dựa trên nền tảng, từ đó đóng góp có ý nghĩa cho phát triển kinh tế Việt Nam.
Năm 2022, Grab đóng góp 7,8% về giá trị tăng thêm đối với ngành Nền tảng lĩnh vực vận tải; 1,31% giá trị tăng thêm của ngành Nền tảng và 0,13% trong GDP của nền kinh tế. Đáng chú ý là, Grab đã đóng góp khoảng 0,23% GRDP của vùng Đồng bằng sông Hồng (trong đó có Hà Nội); 0,17% GRDP của vùng Đông Nam Bộ (trong đó có thành phố Hồ Chí Minh). Kết quả này cho thấy Grab đã đóng góp có ý nghĩa cho các cực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
TS. Nguyễn Minh Thảo phát biểu tại hội thảo. Ảnh: V.A
Bên cạnh đó, Grab là một mô hình tiên phong về kinh doanh dựa vào công nghệ, tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT Bộ Giao thông vận tải ngày 7.1.2016 ban hành Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, Grab là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia thí điểm.
Đánh giá chung về vai trò của kinh tế số, kinh tế nền tảng, báo cáo của CIEM nhấn mạnh kinh tế số, kinh tế nền tảng đã trực tiếp đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước tạo ra nhiều kết quả tích cực; liên tục đạt mức tăng trưởng cao trong những năm qua.
Kinh tế số nói chung và kinh tế nền tảng nói riêng sẽ tiếp tục là ngành chủ chốt đóng góp vào việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, và 2 con số trong những năm tiếp theo. Để tạo động lực phát triển mạnh mẽ các dịch vụ kinh doanh nền tảng và kinh tế số, báo cáo cũng đề xuất cần có hệ thống chính sách và pháp luật về kinh tế số, trong đó có thương mại điện tử cần hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới,..
Phát biểu tại hội thảo, ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam cho biết, trong 10 năm qua, Grab đã không ngừng mở rộng và phát triển tại Việt Nam, khẳng định niềm tin mạnh mẽ vào chuyển đổi số và tạo ra nhiều tác động tích cực đối với người và nền kinh tế. Từ những ngày đầu có mặt tại Việt Nam, bắt đầu từ việc hỗ trợ các tài xế taxi và xe ôm lên nền tảng số, Grab đã góp phần nâng cao hiệu suất di chuyển, hỗ trợ ngành du lịch, gia tăng tính an toàn và thúc đẩy phát triển đô thị.
Ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam cho biết. Ảnh: V.A
Không dừng lại ở lĩnh vực vận tải, Grab mở rộng sang lĩnh vực vận tải (logistics) với dịch vụ GrabExpress, giúp tối ưu hóa giao nhận và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Trong đại dịch và cả giai đoạn hậu Covid-19, GrabFood và GrabMart đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà hàng, cửa hàng tiếp cận nhiều khách hàng hơn, đồng thời tạo thêm cơ hội thu nhập cho các đối tác tài xế.
Hệ sinh thái của Grab vận hành theo một vòng tuần hoàn bền vững: càng nhiều dịch vụ, người dùng càng có nhiều lý do để lựa chọn Grab, từ đó mang đến thêm nhiều cơ hội thu nhập cho đối tác tài xế, đồng thời đảm bảo sự an toàn và tiện lợi cho cả đối tác và khách hàng. Ngày nay, Grab đã trở thành nền tảng được hàng triệu người Việt Nam tin dùng, không chỉ trong lĩnh vực di chuyển mà còn ở nhiều dịch vụ khác, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số phát triển nhanh. Sự phát triển của các nền tảng số như Grab không chỉ giúp gia tăng năng suất lao động mà còn tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa nền kinh tế và thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững.
Ông Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương. Ảnh: V.A
Theo ông Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, người tiêu dùng sẵn sàng tiêu dùng nhiều hơn với sự thuận tiện do kinh tế số, kinh tế nền tảng đem lại. Khi nhu cầu tiêu dùng tăng, sẽ tiếp tục góp phần tăng trưởng GDP. Nêu ví dụ về Grab, ông Khánh cho rằng, Grab lúc đầu chỉ là ứng dụng kết nối giữa người có nhu cầu đi lại và người có phương tiện, sau đó mở rộng ra rất nhiều nền tảng khác trên ứng dụng.
Theo ông Khánh, kinh tế nền tảng tạo ra nhiều cơ hội việc làm, bởi nó có khả năng kết nối cung cầu vô hạn, không hạn chế về quy mô khách hàng, địa lý với chi phí cận biên thấp. Chính vì vậy kinh tế nền tảng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.
Văn Anh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/kinh-doanh-nen-tang-dong-luc-cho-tang-truong-kinh-te-so-viet-nam-post404985.html