Cùng với đó, xu hướng chuyển sang chạy xe điện hiện cũng khá phổ biến. Chính vì vậy, các cửa hàng bán xe đang trong tình trạng “ế dài”. Nếu sức mua không sớm phục hồi, tình trạng bán lỗ, tồn kho lớn và cuộc đua giảm giá dự báo sẽ còn tiếp diễn đến cuối năm.
Chị Nguyễn Thu Hương, nhân viên bán hàng tại một đại lý ô tô Ford ở Hà Nội cho biết, khách vào xem xe thì nhiều, nhưng đa phần chỉ hỏi rồi… về với hy vọng giá sẽ giảm thêm hoặc e ngại sự hạn chế của xe chạy xăng trong thời gian tới nên chưa dám mua.
Nhiều đại lý bán ô tô vắng bóng khách hàng
Thực tế, tâm lý e dè không phải không có lý khi Hà Nội đang tính đến lộ trình hạn chế xe cá nhân sử dụng xăng, dầu. TP. Hồ Chí Minh cũng đang nghiên cứu giải pháp tương tự nhằm giảm ô nhiễm và ùn tắc giao thông.
Ông Lê Văn Thành, Giám đốc đại lý Toyota chia sẻ, điều này khiến nhiều người tiêu dùng trì hoãn quyết định mua xe hoặc chuyển hướng sang xe điện. Nhưng xe điện hiện vẫn chưa đủ rẻ, hạ tầng trạm sạc còn rất thiếu. Thị trường vì thế bị kéo chậm lại. Không chỉ doanh số giảm, các showroom ô tô hiện cũng đang chịu áp lực chi phí lớn. Mỗi tháng, một đại lý tầm trung có thể tốn hàng trăm triệu đồng tiền thuê mặt bằng, nhân sự, bảo trì hệ thống. Trong khi lượng xe bán ra thấp, lãi gộp mỏng do các đợt giảm giá sâu dẫn đến không bù nổi chi phí vận hành.
Trong khi đó, các doanh nghiệp phân phối lớn cũng không mấy khả quan. Theo một số nguồn tin, nhiều đơn vị đang tái cơ cấu danh mục sản phẩm, giảm tỷ trọng xe xăng, đẩy mạnh xe hybrid và xe điện song kết quả vẫn chưa như kỳ vọng do chi phí đầu tư cho chuyển đổi rất lớn.
Lộ trình cấm hoặc hạn chế xe sử dụng động cơ đốt trong tại các thành phố lớn đang tạo ra tác động kép: ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng và buộc các đại lý phải tái cơ cấu sớm mặc dù thị trường chưa thật sự sẵn sàng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đây là xu hướng không thể đảo ngược, nhưng cần có sự chuẩn bị rõ ràng và phù hợp, nếu không, thị trường sẽ rơi vào thế kẹt. Để tránh tình trạng gián đoạn thị trường và đổ vỡ chuỗi phân phối, cần có lộ trình chuyển đổi ít nhất 5-7 năm với các mốc rõ ràng, đi kèm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, người dân tiếp cận xe điện dễ dàng hơn.
Dù xe điện đang là kỳ vọng mới của ngành ô tô nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản. Giá xe điện vẫn cao so với thu nhập trung bình của người dân. Hạ tầng sạc tại các chung cư, khu dân cư đô thị hầu như chưa phát triển. Ngoài ra, tâm lý ngại thay đổi và lo lắng về tuổi thọ pin, chi phí thay thế cũng là trở ngại khiến xe điện chưa thể tăng tốc mạnh mẽ.
Trước thực trạng khó khăn chồng chất, các doanh nghiệp ô tô đang mong mỏi chính sách hỗ trợ cụ thể từ phía Nhà nước. Đó có thể là các gói kích cầu tiêu dùng, ưu đãi thuế trước bạ, hỗ trợ vay vốn mua xe trả góp, hay đặc biệt là ưu đãi đầu tư cho các đại lý chuyển đổi sang xe điện.
Để phục hồi và phát triển bền vững, ngành ô tô Việt Nam cần có sự kết hợp giữa chiến lược chuyển đổi dài hạn từ doanh nghiệp và sự đồng hành của chính sách. Trong đó, xây dựng hạ tầng xe điện, thiết lập tiêu chuẩn sạc thống nhất, đào tạo nhân lực kỹ thuật và tạo ra các mô hình hỗ trợ tiêu dùng mới (thuê xe, chia sẻ xe…) là những giải pháp khả thi. Thị trường ô tô đang bước vào giai đoạn “tái thiết” nên sự linh hoạt, chủ động và thích ứng nhanh sẽ quyết định ai là người trụ lại được. Tuy nhiên, nếu thiếu sự “tiếp sức” kịp thời từ cơ quan quản lý, ngành này có nguy cơ rơi vào suy thoái kéo dài trong những năm tới.
Đức Hiền