Dây chuyền sản xuất ô tô xuất khẩu tại Công ty TNHH Kaiyi Auto, thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Ảnh: Công Tuyên - PV TTXVN tại Trung Quốc
Nền kinh tế Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đã cho thấy sự tăng trưởng đáng chú ý, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5,2% trong quý II/2025 và tăng 5,3% trong nửa đầu năm, vượt dự báo của thị trường. Tuy nhiên, đằng sau con số ấn tượng này là những thách thức không nhỏ, đặc biệt là sự yếu kém của nhu cầu nội địa và những bất ổn từ môi trường thương mại toàn cầu, đòi hỏi Bắc Kinh phải tiếp tục đưa ra các chính sách kích thích kinh tế. Các chuyên gia kinh tế nhìn chung dự đoán đà tăng trưởng này có thể chậm lại đáng kể trong nửa cuối năm 2025.
Những điểm sáng từ lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu
Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 15/7, GDP của đất nước này đã tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước trong quý II/2025, dù thấp hơn một chút so với mức 5,4% của quý I/2025 nhưng lại cao hơn dự báo của các hãng tin như Reuters và Bloomberg. Ông Thịnh Lai Vận, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia, mô tả rằng nền kinh tế Trung Quốc đã "vượt qua sức ép và vượt khó tiến lên, nhìn chung vận hành ổn định và có chiều hướng tốt" trong nửa đầu năm. Bài viết của tờ New York Times cũng ghi nhận rằng kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng ổn định trong quý II/2025, được củng cố bởi đầu tư trong nước vào các nhà máy và các dự án lớn, cùng với dòng chảy xuất khẩu liên tục ra toàn cầu. Một số nhà phân tích đã bắt đầu nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong cả năm 2025.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc vẫn duy trì được đà tăng trưởng tích cực. Giá trị gia tăng công nghiệp trong tháng 6/2025 đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo của các nhà kinh tế. Xuất khẩu và thương mại được coi là những yếu tố cốt lõi thúc đẩy GDP của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay. Mặc dù xuất khẩu sang Mỹ có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn ở mức thấp sau khi hai nước đạt được thỏa thuận "đình chiến". Trung Quốc đã tăng cường xuất khẩu sang các quốc gia khác, đặc biệt là Đông Nam Á, châu Âu và châu Phi. Điều này cho thấy khả năng linh hoạt của các nhà sản xuất Trung Quốc trong việc tìm kiếm thị trường mới. Đầu tư vào các nhà máy cũng đang bùng nổ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, và việc xây dựng nhanh chóng các nhà máy cùng tuyến đường sắt cao tốc đã bù đắp cho sự sụt giảm trong phát triển bất động sản.
Thách thức từ sức mua nội địa và thị trường bất động sản
Mặc dù có những điểm sáng, nhu cầu nội địa yếu kém vẫn là một gánh nặng lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc. Tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng trong tháng 6/2025 chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, chậm hơn đáng kể so với tháng 5/2025, cho thấy đà tiêu dùng đang chậm lại vượt quá dự đoán của thị trường. Tiêu dùng là động lực chính cho tăng trưởng GDP của Trung Quốc, với chi tiêu tiêu dùng cuối cùng đóng góp 52% vào tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm nay. Doanh số bán một số mặt hàng như đồ uống, thuốc lá, rượu bia và mỹ phẩm đã giảm trong tháng 6/2025, và tốc độ tăng trưởng của dịch vụ ăn uống cũng chậm lại. Ông Thịnh Lai Vận cũng thừa nhận rằng "nhu cầu hiệu quả trong nước chưa đủ, và nền tảng cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế cần được củng cố thêm".
Thị trường bất động sản tiếp tục là một điểm yếu khác. Đầu tư phát triển bất động sản đã giảm 11,2% trong nửa đầu năm nay, cho thấy thị trường này tiếp tục thu hẹp. Sự sụt giảm của thị trường nhà đất ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu tiêu dùng. Ông Tommy Xie từ ngân hàng OCBC lưu ý rằng sự phục hồi yếu của bất động sản đang trở thành lực cản đối với nền kinh tế. Tình trạng giá cả giảm trên diện rộng, hay còn gọi là giảm phát, cũng đang diễn ra. Giá các căn hộ, ô tô điện và nhiều mặt hàng lớn khác đều trở nên ít tốn kém hơn. Việc giá cả giảm làm giảm lợi nhuận của công ty và có thể gây áp lực giảm lương, khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp khó kiếm đủ tiền để trả nợ.Đối phó với bất ổn thương mại và định hướng chính sách
Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ tiếp tục là một yếu tố bất ổn lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc. Mặc dù hai bên đang trong giai đoạn đình chiến tạm thời, nguy cơ leo thang thuế quan vẫn không thể loại trừ. Ông Tống Lâm, nhà kinh tế trưởng của Greater China tại ngân hàng ING cho rằng mặc dù khó có khả năng thuế quan giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ quay trở lại mức đỉnh điểm vào tháng 4/2025, nhưng không thể loại trừ nguy cơ leo thang hơn nữa. Sự bất ổn này có thể sẽ tiếp tục kìm hãm đầu tư doanh nghiệp và làm suy yếu niềm tin chung của thị trường.
Để đối phó với những thách thức này, Bắc Kinh đã và đang tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ và cung cấp trợ cấp tiêu dùng. Ví dụ, chính phủ đã trợ cấp cho các hộ gia đình mua ô tô điện, máy điều hòa không khí và các mặt hàng sản xuất khác. Tuy nhiên, chương trình trợ cấp này đôi khi phổ biến đến mức một số chính quyền thành phố đã phải cắt giảm vì cạn tiền. Các nhà kinh tế khuyến nghị chính phủ nên bỏ thêm tiền vào túi người dân để kích thích tiêu dùng, nhưng chính phủ trung ương vẫn nhấn mạnh tính tiết kiệm. Lương hưu ở Trung Quốc vốn đã thấp – chỉ khoảng 20 USD một tháng đối với cư dân nông thôn – và dự kiến chỉ tăng 2% trong năm nay.Vào cuối tháng 7/2025, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp để phân tích tình hình kinh tế và triển khai công tác cho nửa cuối năm. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng do đà xuất khẩu suy yếu, giá cả tiếp tục giảm và niềm tin tiêu dùng vẫn ở mức thấp, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm và việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế chính thức khoảng 5% cho cả năm 2025 sẽ là một thách thức. Cách các nhà chức trách diễn giải tình hình kinh tế hiện tại và đưa ra các quyết sách sẽ là trọng tâm chính của cuộc họp sắp tới.
Mạc Luyện-Lê Hoàng/BNEWS/Vnanet.Vn