PHÓNG VIÊN: - Theo ông, những rào cản lớn nhất KTTN nói chung và doanh nghiệp tư nhân (DNTN) nói riêng đang gặp phải là gì? Chính phủ cần có những giải pháp cụ thể nào để hỗ trợ khu vực KTTN?
PGS.TS VŨ MINH KHƯƠNG: - KTTN Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn phải đối mặt với 3 vấn đề cốt lõi cần được tháo gỡ, đó là thể chế, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực.
Thứ nhất, về thể chế cần phải xác định những “điểm nghẽn” cụ thể trong từng ngành nghề. Chúng ta hiện có khoảng 35 ngành nghề mà khu vực KTTN đang hoạt động. Các DNTN đang chờ đợi một sự thay đổi đột phá về pháp lý, thủ tục hành chính cũng như sự kết nối chặt chẽ giữa các cụm ngành. Muốn vậy, Chính phủ cần lắng nghe trực tiếp từ các hiệp hội ngành nghề để có những quyết sách chính xác và kịp thời.
Tôi lấy một thí dụ cụ thể là ngành vận tải biển. Hiện nay nhiều DN sở hữu hàng triệu tấn hàng hóa nhưng phải đăng kiểm ở nước ngoài, vì thủ tục ở đó thuận lợi hơn. Hệ thống hải quan ở một số cảng lớn như Cái Mép vẫn còn manh mún, thiếu sự đồng bộ. Nếu có thể áp dụng mô hình số hóa thống nhất như Singapore, chúng ta sẽ giải phóng một nguồn lực sản xuất khổng lồ.
Hay trong lĩnh vực logistics, quy định hiện nay chỉ cho phép trung chuyển hàng hóa một lần trong nước, khiến nhiều tuyến vận tải phải chuyển hàng qua Hồng Kông hay Singapore để tối ưu hóa tuyến đường trong Việt Nam. Nếu tháo gỡ những điểm nghẽn này, nhiều ngành có thể tăng trưởng 10 - 20% trong tầm tay.
Thứ hai, về đổi mới sáng tạo, đây là yếu tố then chốt giúp DNTN bứt phá. Ở nhiều nước, khi DN đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới, họ được hỗ trợ tài chính, thậm chí được khấu trừ thuế. Trong khi đó tại Việt Nam cơ chế này chưa rõ ràng, khiến DN e ngại vì có thể bị thanh tra, kiểm tra.
Chính phủ cần xây dựng một hệ thống chính sách khuyến khích đổi mới, chẳng hạn như hỗ trợ vốn, miễn giảm thuế cho những DN đầu tư vào công nghệ và chuyển đổi số. Một số quốc gia như Thái Lan hay Singapore đã làm rất tốt điều này, Việt Nam có thể học hỏi để tạo đà cho sự phát triển của DN trong nước.
Thứ ba, về nguồn nhân lực, đây là nền tảng quan trọng để KTTN vươn xa. Thế nhưng chúng ta vẫn thiếu một cơ chế đào tạo linh hoạt, gắn liền với nhu cầu thực tế của DN. Ở Singapore, Chính phủ có thể hỗ trợ DN đào tạo gấp đôi số nhân lực cần thiết, vừa giúp họ có ngay nguồn nhân lực chất lượng, vừa tạo điều kiện thu hút đầu tư mới.
Trong khi đó ở Việt Nam, việc khảo sát nhu cầu DN chưa đủ sâu sát, nhiều khi vẫn mang tính hình thức. Một chiến lược đào tạo bài bản, thực tiễn sẽ giúp DNTN có được lực lượng lao động phù hợp, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
- Vậy nếu đã “cởi trói” cho KTTN, thì DNTN Việt Nam cần làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số?
- Trước hết DNTN cần thay đổi tư duy phát triển. Hiện nay nhiều DN vẫn có xu hướng chạy theo cơ hội ngắn hạn, tập trung vào những lĩnh vực mang lại lợi nhuận nhanh như bất động sản, xuất khẩu, nhưng lại thiếu một chiến lược dài hơi để phát triển bền vững. Trong môi trường kinh tế toàn cầu đầy biến động, tư duy “ăn xổi” có thể khiến DN rơi vào thế bị động, thậm chí biến cơ hội thành cạm bẫy.
Một trong những điểm yếu lớn nhất của DNTN là chưa thực sự nắm bắt được xu thế thời đại và chưa đầu tư đủ vào năng lực quản trị. Việc chỉ lo trước mắt mà không có chiến lược dài hạn khiến DN dễ rơi vào vòng luẩn quẩn, không thể vươn lên tầm cao hơn. Trong khi đó, điều quan trọng nhất để một nền kinh tế cất cánh không chỉ là tăng trưởng, mà là nâng tầm phát triển.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp để giúp DN phát triển đúng hướng. Một trong những mô hình đáng học hỏi là tại Singapore, nơi DNTN có thể tiếp cận các chương trình tư vấn chiến lược, hỗ trợ công nghệ và chuyển đổi số một cách bài bản. Thí dụ, nếu một DN cần thuê chuyên gia để tư vấn về công nghệ hay số hóa, Chính phủ có thể hỗ trợ một phần chi phí, có thể lên đến 50% tùy theo ngành nghề ưu tiên.
- Ông cảm nhận thế nào về quyết tâm của lãnh đạo cấp cao trong việc thúc đẩy KTTN trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế?
- Tôi nhận thấy một sự chuyển biến rất mạnh mẽ trong hệ thống chính trị Việt Nam, thể hiện qua sự nỗ lực đưa tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong thời gian tới, và đặc biệt chú trọng vào những vấn đề then chốt của công cuộc phát triển KTTN, nắm bắt các xu thế của thời đại.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo quyết liệt, thể hiện tầm nhìn sâu rộng và ý chí kiên định trong việc đưa KTTN trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế đất nước. Những định hướng lớn mà lãnh đạo cấp cao đề ra không chỉ thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc về vai trò của KTTN, mà còn phản ánh tinh thần đổi mới, sáng tạo trong quản lý và điều hành nền kinh tế.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này chúng ta cần một hệ thống thể chế linh hoạt, khuyến khích đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực bài bản. Nếu làm được những điều này, KTTN Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá, tạo ra những bước tiến vang dội trong thời gian tới.
Và để biến tầm nhìn đó thành hiện thực, chúng ta cần có những thiết kế chính sách cụ thể, đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi để khu vực KTTN bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số, ngoài sự hỗ trợ một phần của Nhà nước, thì DNTN cũng cần chủ động đổi mới tư duy, đầu tư vào năng lực quản trị và chiến lược dài hạn.
Thanh Hà (thực hiện)