Nhà máy ô tô VinFast tại Hải Phòng
Mặc dù nhận được nhiều ưu đãi vượt trội hơn so với các thành phần kinh tế khác nhưng kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn chưa thể phát triển đúng như kỳ vọng. Vấn đề nằm ở đâu và làm thế nào để "ươm mầm" những "đại bàng" nội địa, đưa kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực mũi nhọn?
Đó là những trăn trở được TS Nguyễn Đức Kiên nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chia sẻ thẳng thắn trong cuộc phỏng vấn gần đây với Tạp chí Thương gia. Ông Kiên khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một phạm trù rất rộng và nhìn vào thực tế, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã dành cho họ những ưu đãi vô cùng lớn”.
KHÓ KHĂN NỘI TẠI VÀ KỲ VỌNG CHƯA THÀNH HIỆN THỰC
Thưa ông, kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Ông có thể phân tích sâu hơn những ưu đãi mà Nhà nước đã và đang dành cho khu vực kinh tế đầy tiềm năng này?
Có thể khẳng định, kinh tế tư nhân đang nhận được những ưu ái đặc biệt từ Nhà nước, Đảng và Chính phủ. Thậm chí, những ưu đãi này còn vượt trội hơn hẳn so với những gì mà các doanh nghiệp Nhà nước đã nhận được kể từ năm 2007 đến nay, thể hiện rõ nét qua nhiều lĩnh vực then chốt.
TS Nguyễn Đức Kiên
Đầu tiên, trong lĩnh vực tiền tệ, kinh tế tư nhân giữ vai trò chi phối với 37 trên tổng số 42 ngân hàng thương mại cổ phần. Các tên tuổi lớn như Techcombank, VPBank, hay MB Bank đã có những bước phát triển vượt bậc, đáp ứng hiệu quả nhu cầu vốn của nền kinh tế. Tương tự, thị trường chứng khoán gần như là sân chơi độc quyền của các công ty tư nhân, vắng bóng sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước.
Đặc biệt, ngành bất động sản cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ. Từ năm 2005 đến nay, Nhà nước gần như không cấp đất cho doanh nghiệp nhà nước để kinh doanh nhà ở thương mại. Toàn bộ thị trường do các tập đoàn tư nhân hàng đầu như Sun Group, Vingroup, FLC, Novaland, Hưng Thịnh... dẫn dắt, khẳng định vai trò thống lĩnh của khu vực này.
Ngay cả các lĩnh vực từng được xem là truyền thống của Nhà nước, như viễn thông và hàng không, cũng đã mở rộng cửa cho kinh tế tư nhân. Bên cạnh VNPT và Viettel, chúng ta có FPT đang vươn mình mạnh mẽ. Trong ngành hàng không, Vietnam Airlines không còn là đơn vị duy nhất khi Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines cùng góp mặt, tạo nên một thị trường cạnh tranh sôi động.
Những minh chứng trên cho thấy không có rào cản đáng kể nào đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Ngược lại, khu vực này đang được tạo điều kiện tối đa để bứt phá và trở thành động lực quan trọng, góp phần định hình tương lai kinh tế đất nước.
Với những ưu đãi tuyệt đối như vậy, ông đánh giá vị thế hiện tại của kinh tế tư nhân như thế nào? Liệu họ đã đạt được thành tựu tương xứng với những gì họ nhận được chưa?
Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật rằng, hiện tại vẫn chưa thấy những doanh nghiệp tư nhân đủ tầm vóc để tạo ra các đột phá lớn như kỳ vọng. Hầu hết các doanh nghiệp tư nhân lớn ở Việt Nam đang đi theo mô hình “Keiretsu” của Nhật Bản, nơi một tập đoàn kinh tế thường có một ngân hàng đứng sau hỗ trợ.
Tuy nhiên, ngoại trừ VinFast của Vingroup với mũi nhọn là công nghiệp sản xuất ô tô điện, những hỗ trợ của chúng ta dành cho họ lại chưa tương xứng. Chúng ta vẫn chưa đủ mạnh dạn coi ô tô điện là một ngành kinh tế trọng điểm quốc gia, mà vẫn nhìn nhận như một sản phẩm riêng của Vingroup. Đây là một điểm yếu lớn khi chúng ta chưa thực sự thành công trong việc xây dựng thị trường nội địa vững chắc để những doanh nghiệp này phát triển.
Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp tư nhân lớn phát triển từ lĩnh vực bất động sản, nhưng lại có rất ít trường hợp chuyển dịch thành công sang các ngành công nghiệp mũi nhọn khác như kỳ vọng của đất nước, cho thấy một sự thiếu vắng đáng kể trong chiến lược đa dạng hóa và chuyển dịch cơ cấu ngành nghề.
Làm thế nào để chúng ta có thể thúc đẩy sự hình thành và phát triển của những "đại bàng" nội địa để Việt Nam phát triển bền vững và thịnh vượng, thưa ông?
Phải hiểu rằng, khái niệm "dọn tổ cho đại bàng" thường được dùng để nói về việc thu hút vốn đầu tư của FDI, không hẳn là doanh nghiệp tư nhân trong nước. Điều quan trọng khi "dọn tổ" là chúng ta phải hiểu rõ "nguyên liệu" làm tổ chính là "sở thích" của từng "đại bàng". Nói một cách hình tượng, ta cần nắm bắt được tập tính của chúng để tạo ra những chiếc tổ phù hợp nhất mới mong thu hút được.
Đối với từng doanh nghiệp FDI cụ thể, việc này đòi hỏi sự thấu hiểu bản chất và cá thể hóa từng chiếc tổ, bởi mỗi "đại bàng" có một "đặc tính" riêng biệt. Một chiếc tổ cho Nvidia sẽ khác với Microsoft hay Foxconn, và Boeing hay Airbus lại có những yêu cầu đặc thù riêng. Chính sự khác biệt này tạo nên thách thức không nhỏ trong công tác thu hút FDI của chúng ta.
Vậy thay vì kỳ vọng vào việc "dọn tổ" cho những "đại bàng" xa lạ, tại sao chúng ta không tập trung ươm mầm chính những doanh nghiệp dân tộc của Việt Nam trở thành "đại bàng"? Chúng ta có thể đồng hành cùng chúng từ những bước chập chững đầu tiên, quan sát cách chúng học bay, từ những sải cánh ngắn đến những chuyến bay dài. Sự thấu hiểu sâu sắc này sẽ giúp chúng ta xây dựng một môi trường phát triển phù hợp và hiệu quả hơn nhiều so với việc tạo ra một chiếc tổ mà không biết rõ "loài đại bàng" nào sẽ đến ở.
Đấy là tôi đang hình tượng hóa cho việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, phù hợp với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trên chính thị trường nội địa. Vì vậy, trong quá trình phát triển, chúng ta cần nhìn rõ những giới hạn và hạn chế cố hữu của doanh nghiệp Việt, thay vì ảo tưởng rằng mọi doanh nghiệp đều có thể vươn mình trở thành những gã khổng lồ như Microsoft hay Apple. Việc nhận diện đúng điểm yếu sẽ là bước đầu tiên để xây dựng những giải pháp thiết thực, giúp doanh nghiệp nội địa phát triển một cách bền vững và thực chất hơn.
NHỮNG "VÙNG TRỜI" RỘNG MỞ CHO KINH TẾ TƯ NHÂN
Chúng ta đã có “Bộ tứ nghị quyết chiến lược”, nhưng dường như việc cụ thể hóa bằng các giải pháp thực thi hiệu quả vẫn còn là một thách thức. Nhìn sang các quốc gia khác, ví dụ như Trung Quốc với kế hoạch "Made in China 2025" đã đạt được những thành công đáng kể. Liệu Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm từ Trung Quốc để thúc đẩy các ngành công nghiệp mũi nhọn và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia?
Trong vòng 20 năm Trung Quốc đã xây dựng gần 50.000 km đường sắt cao tốc với 26.000 km đạt tốc độ trên 300 km/h. Ban đầu, họ nhập công nghệ từ Đức, Nhật Bản, Tây Ban Nha và sau đó mới từng bước nội địa hóa, làm chủ công nghệ. Trước đó, vào năm 1995, Trung Quốc đã mua thiết kế tàu điện chạy 400 km/h cho đoạn Phố Đông - Thượng Hải và cho đến năm 2025, họ mới nghiên cứu để đưa tàu điện lên tốc độ 600 km/h.
Tức là phải mất 30 năm họ mới nghiên cứu xong một công nghệ mới. Điều đó cho thấy, để đạt được sự đột phá, cần một quá trình dài trả giá, chấp nhận rủi ro và không ngừng học hỏi.
Vấn đề cốt lõi của chúng ta hiện nay là sự thiếu chấp nhận “sinh - tử” trong giới doanh nghiệp Việt. Chúng ta từng không chấp nhận cho doanh nghiệp có quyền sai, có quyền thất bại để trưởng thành.
Để các doanh nghiệp Việt vươn lên, chúng ta phải tạo điều kiện để họ được làm, được "sai" và được "sống sót" qua những sai lầm đó. Chúng ta nên chấp nhận họ sử dụng công nghệ chuyển giao từ nước ngoài, nhưng phải đảm bảo cùng một tiêu chuẩn để có thể tích hợp. Sau đó, cần có quá trình kiểm điểm, đánh giá khách quan để tiếp tục điều chỉnh và phát triển.
Việc chỉ nhìn vào những thành công nổi bật của doanh nghiệp quốc tế rồi mặc định đó là hình mẫu mà doanh nghiệp Việt phải đạt được ngay lập tức là một sự điển hình hóa phi thực tế. Chúng ta cần thấu hiểu quá trình phát triển tự nhiên của một doanh nghiệp, từ khi non nớt cho đến khi trưởng thành, với đầy rẫy những khó khăn, thách thức và cả những "bệnh tật" phải trải qua. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường thực sự thúc đẩy sự vươn mình của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, thay vì mãi chạy theo những hình mẫu trong mơ.
Vậy theo ông, tiêu chuẩn cuối cùng mà chúng ta cần đặt ra cho doanh nghiệp tư nhân là gì?
Có một nghịch lý đáng buồn là nhiều doanh nghiệp Việt Nam kêu thiếu vốn. Tuy nhiên, nếu thiếu vốn, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy. Ý tưởng sản phẩm hay giấy phép sản xuất hoàn toàn có thể được đăng ký sở hữu công nghiệp, sau đó thương mại hóa bản quyền để mời gọi đầu tư, góp vốn. Khi đó, doanh nghiệp sẽ trở thành công ty cổ phần, kết hợp vốn trí tuệ của mình với vốn tài chính thực và lao động sống.
Đây chính là cách tạo ra hàng hóa và giá trị thặng dư theo lý thuyết tư bản của Marx, nhưng được phát triển vượt ra khỏi khuôn khổ ban đầu của ông ấy. Chúng ta tự nhận là học chủ nghĩa xã hội khoa học, tức là phương pháp tư duy của Marx, vậy thì tại sao chúng ta lại giáo điều khi chỉ nhìn nhận lao động sống là lao động chân tay mà quên đi lao động trí óc?
Khả năng liên kết của kinh tế tư nhân Việt Nam hiện còn hạn chế so với các doanh nghiệp nước ngoài. Chứng kiến sự thay đổi vượt bậc của Trung Quốc chỉ trong 30 năm công nghiệp hóa, từ một xã hội có vẻ kém sôi động hơn Việt Nam thời những năm 70-90, đến nay nhiều thành phố của họ đã hiện đại, văn minh hơn cả nhiều đô thị ở Châu Âu hay Mỹ. Chúng ta thường chỉ nhìn thấy những hình ảnh hào nhoáng của Paris, London hoa lệ qua truyền thông, nhưng thực tế, mọi quá trình phát triển đều có những góc khuất, bức tranh thường có nhiều mảng sáng tối mà không phải ai cũng thấy hết được.
Việc áp đặt những hình mẫu lý tưởng đẹp như mơ và đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải đạt được ngay lập tức mà không chấp nhận quá trình thử thách, trưởng thành là một tư duy thiếu thực tế. Chúng ta cần hiểu rằng, mỗi doanh nghiệp đều có giới hạn và những khó khăn riêng trong hành trình phát triển của mình.
Chính trong bối cảnh đó, những kỳ vọng vào khu vực kinh tế tư nhân vẫn rất lớn và có cơ sở. Với sự linh hoạt, năng động và khả năng thích ứng nhanh, khu vực này được xem là động lực chính để tạo ra việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kinh tế tư nhân chính là lực lượng tiên phong trong việc khai thác các cơ hội từ thị trường quốc tế, góp phần đưa sản phẩm Việt vươn ra thế giới. Để biến những kỳ vọng này thành hiện thực, điều cốt yếu là phải xây dựng một môi trường kinh doanh thực sự công bằng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ phát huy tối đa tiềm năng và vươn mình mạnh mẽ.
Xin cảm ơn ông!
Bảo An