Một số doanh nghiệp xuất khẩu đã xây dựng chiến lược riêng để ứng phó với những thay đổi của thị trường (Nguồn: Pexels)
Số liệu từ Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy, quý I/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu đạt 102,84 tỷ USD, tăng 10,6%; nhập khẩu đạt 99,68 tỷ USD, tăng 17%. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Sức ép chưa từng có
Gần đây, Mỹ đang trở thành tâm điểm khi hàng loạt mặt hàng chủ lực xuất khẩu vào thị trường này phải đối mặt với mức thuế tăng vọt. Tổng thống Donald Trump ngày 2/4 công bố chính sách thuế quan mới, theo đó, từ ngày 5/4, mức thuế cơ bản 10% sẽ áp dụng cho mọi hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại. Một tuần sau, ông chủ Nhà Trắng quyết định tạm dừng thuế đối ứng trong 90 ngày (từ ngày 10/4), với hơn 75 quốc gia đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam.
Áp lực thuế quan khiến doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với sức ép chưa từng có. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, nguy cơ bất ổn trong chính sách thương mại toàn cầu đang hiện hữu và ngày càng rõ rệt. Trong bối cảnh đó, việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp xuất khẩu là vô cùng khó khăn.
VCCI nhận thấy, đây là tình huống chưa từng có tiền lệ và rủi ro chồng chéo là điều không thể tránh khỏi. Theo rà soát của VCCI, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm hơn 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, với các mặt hàng chủ lực như: Điện tử, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, máy móc, thiết bị… Một số ngành hàng như gỗ, dệt may, thiết bị điện tử có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ lên tới trên 40%, thậm chí vượt 50%.
Điều này cho thấy, nếu mức thuế đối ứng có hiệu lực sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và ổn định kinh tế vĩ mô. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo rõ ràng về việc các thị trường xuất khẩu truyền thống - từng được ví như “điểm tựa” của doanh nghiệp - đang tiềm ẩn những bất ổn khó lường.
Cơ hội “khoác áo mới”
Không thể phủ nhận, khó khăn đã quá rõ ràng và nguy cơ bị áp thuế đối ứng vẫn đang treo lơ lửng. Thế nhưng, nhìn nhận tích cực thì, Việt Nam vẫn có một khoảng thời gian để chuẩn bị những giải pháp ứng phó với thay đổi và tác động từ chính sách thuế quan của đối tác thương mại lớn nhất. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp “khoác áo mới” cho mô hình kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư vào thiết kế, xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn hóa sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thực tế là, những ngày qua, một số doanh nghiệp xuất khẩu đã chủ động xây dựng chiến lược riêng ứng phó với thay đổi của thị trường. Bà Lê Hằng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tiết lộ, các doanh nghiệp thủy sản nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nói chung đã có kế hoạch tăng cường xuất khẩu sang Mỹ. Các doanh nghiệp cũng tính phương án đa dạng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhờ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để giảm phụ thuộc lớn vào một thị trường.
Trong khi đó, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến chia sẻ, 90 ngày Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng là thời gian để doanh nghiệp đẩy tiến độ sản xuất, hoàn tất đơn hàng đã ký trong quý II/2025 và giao hàng đến đối tác. Công ty chủ động xây dựng giải pháp ứng phó với mọi tình huống, tập trung vào việc đàm phán với khách hàng trên tinh thần cùng chia sẻ, ngoài ra là tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung nguyên phụ liệu mới, tối ưu hóa quản trị sản xuất…
“Chuyện gì diễn ra tiếp theo không thể đoán trước được”, ông Vũ Đức Giang khẳng định và cho rằng, “ở thời điểm này, doanh nghiệp đang đứng trước khoảng lặng quý giá”. Đây là cơ hội để không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu mà còn khẳng định năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Để nắm bắt cơ hội này, điều kiện tiên quyết là khả năng tư duy chiến lược, quản trị rủi ro và nâng cấp vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Gia tăng tỷ lệ nội địa hóa
Từ lâu, Việt Nam đã có chiến lược xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự cường. Dẫn chứng về vấn đề này, trao đổi với Báo Thế giới và Việt Nam, TS. Nguyễn Quốc Việt, giảng viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đất nước đã nỗ lực gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong hàng hóa, khuyến khích kích cầu tiêu dùng trong nước, phục vụ thị trường nội địa.
Dù vậy, hiện tại, xuất khẩu vẫn là động lực chủ lực của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, TS. Nguyễn Quốc Việt nhận thấy, bối cảnh mới đã tạo sức ép để Việt Nam giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên vật liệu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng cường sản xuất phục vụ nhu cầu nội địa. Đây cũng chính là hướng đi tất yếu để phát triển kinh tế bền vững, phù hợp với chủ trương thúc đẩy, phát huy vai trò của kinh tế tư nhân mà Đảng và Nhà nước đề ra.
Thời gian tới, theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Việt Nam phải thay đổi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng nguồn cung trong nước. Các chính sách phải có trọng tâm, trọng điểm và theo từng nhóm đối tượng. Ví dụ, đối với doanh nghiệp lớn, để phát triển những ngành công nghiệp chiến lược, cần có chính sách đặc thù. Đối với doanh nghiệp quy mô vừa, để thúc đẩy phát triển lớn hơn, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ theo hướng từng ngành hàng cụ thể. Riêng đối với doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh, cần hỗ trợ đổi mới công nghệ, chính sách miễn, giảm thuế, hỗ trợ vốn, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực.
Song song đó, Chính phủ cần hỗ trợ kết nối cung/cầu cho doanh nghiệp. TS. Nguyễn Quốc Việt nêu rõ: “Chúng ta đã từng có chính sách tín dụng hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu thì giờ cũng cần có các chính sách tương tự hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm sáng tạo, tỷ trọng đầu tư đổi mới lớn hơn so với sản phẩm thông thường. Chính sách hỗ trợ này sẽ giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm vượt các rào sản thuế quan, đứng vững trên thị trường”.
Ở góc độ doanh nghiệp, phải chủ động nắm bắt những thay đổi về thị trường, nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước để mạnh dạn chuyển đổi sản xuất ra những sản phẩm chuyên biệt, mang tính đặc thù hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải nỗ lực, sẵn sàng đổi mới, chuyển đổi thói quen trì trệ, chấp nhận bỏ thêm chi phí, rủi ro để chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi cách thức quản lý bảo thủ…
Tư vấn thêm về giải pháp, PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp cần xây dựng cả kế hoạch ngắn hạn và dài hạn phù hợp với tình hình thực tế. Về ngắn hạn, doanh nghiệp cần tích cực đàm phán với đối tác Mỹ ký kết thêm hợp đồng, chốt giá và cam kết giao hàng trong giai đoạn chưa bị áp thuế, tối ưu logistics và chuỗi cung ứng, tận dụng giá cước vận tải hiện hành, chuẩn bị hàng hóa nhanh, linh hoạt hơn.
Về dài hạn, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ bằng cách mở rộng sang thị trường khác như Liên minh châu Âu (EU), Đông Nam Á, Ấn Độ, Nhật Bản... Đồng thời, tái cấu trúc sản phẩm và định vị thương hiệu, tập trung phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, ít bị cạnh tranh về giá, tăng cường năng lực nội tại bằng cách đầu tư vào công nghệ, tự động hóa, kiểm soát chất lượng và chuyển đổi số để tăng năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Khi những bất ổn trong chính sách thương mại toàn cầu vẫn hiện hữu, hành trình phía trước cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu sẽ còn nhiều gian nan. Sự chủ động thích nghi và chuyển mình đúng hướng sẽ giúp doanh nghiệp vượt khó, tạo chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường.
Gia Thành