KPI đánh giá cán bộ, công chức, viên chức: Thời điểm để áp dụng đồng loạt?

KPI đánh giá cán bộ, công chức, viên chức: Thời điểm để áp dụng đồng loạt?
4 giờ trướcBài gốc
Phóng viên Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích, Trưởng bộ môn Luật Hành chính, Trường Đại học Luật Hà Nội.
Tiêu chí xây dựng bộ KPI
PV: Chúng ta vừa triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cán bộ còn lúng túng với vị trí việc làm và yêu cầu công việc mới. Vậy thời điểm nào là thích hợp để áp dụng hệ thống đánh giá hiệu quả công việc (KPI) đồng loạt đối với cán bộ, công chức, viên chức, thưa bà?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích: KPI (Key performance indicator) là chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của một cơ quan, tổ chức hay một cá nhân trong cơ quan, tổ chức đó. KPI đã được áp dụng phổ biến trong khu vực tư nhưng lại chưa được ứng dụng (chính thức, rộng rãi) ở khu vực công, đặc biệt trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Chỉ số này do chính cơ quan, tổ chức hay do một tổ chức chuyên môn, cơ quan có thẩm quyền xây dựng và ban hành nên mỗi một giai đoạn sẽ có KPI phù hợp, vì vậy thời điểm nào áp dụng KPI cũng được, miễn là có được bộ chỉ số phù hợp.
Tuy vậy, nhìn vào thực tế Việt Nam sẽ thấy ngay thời điểm này chưa thật sự thích hợp để áp dụng KPI đồng loạt với tất cả công chức đang làm việc tại các cơ quan nhà nước với 2 lý do lớn:
Đầu tiên, đây là thời điểm việc xác định (lại) nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, các vị trí việc làm, chức vụ, chức danh trong cơ quan Nhà nước chưa ổn định để xây dựng chỉ số KPI phù hợp.
Chúng ta thực hiện sắp xếp lại, hợp nhất một số bộ và các bộ mới đi vào hoạt động từ 1/3/2025 và thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp từ 1/7/2025, điều này làm thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, kéo theo việc thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn của các vị trí việc làm, chức vụ, chức danh trong bộ máy Nhà nước. Mặc dù, Đảng và Nhà nước đã rất nghiêm túc, trách nhiệm trong các khâu chuẩn bị và thực hiện nhưng cần phải qua thực tế kiểm nghiệm, nếu có những điểm chưa thích hợp thì cần điều chỉnh lại.
Thứ hai, KPI chưa được áp dụng chính thức để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức nên khi triển khai cũng cần có những bước chuẩn bị và thực hiện một cách thận trọng vì đây là hoạt động đánh giá liên quan đến con người, nhân tố quyết định trong mọi hoạt động của từng cơ quan và toàn bộ bộ máy Nhà nước.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích, Trưởng bộ môn Luật Hành chính, Trường Đại học Luật Hà Nội
PV: Để đánh giá đúng thực chất năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, việc xây dựng bộ tiêu chí KPI cho sát với tình hình thực tiễn là rất quan trọng. Theo bà, việc xây dựng bộ tiêu chí KPI nên dựa trên những yếu tố chính nào?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích: Hoạt động của các cơ quan nhà nước rất khác với các doanh nghiệp, vì kết quả hoạt động không đo được bằng những con số cụ thể một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, các tiêu chí trong KPI được áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức cần dựa trên 4 nhóm yếu tố cơ bản:
Một là các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, công chức, viên chức làm việc. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị là yếu tố chi phối toàn bộ hoạt động của cơ quan, đơn vị, đến mọi chức vụ, chức danh, vị trí việc làm trong cơ quan.
Hai là nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức vụ, chức danh, vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị. Theo tôi đây là yếu tố chính để đánh giá hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức. Nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức vụ, chức danh, vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị có thể bao gồm nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định chung (ví dụ, tất cả các công chức tài nguyên - môi trường cấp xã có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật là như nhau) và nhiệm vụ, quyền hạn được xác định bởi người có thẩm quyền trong cơ quan, đơn vị.
Trung tâm phục vụ hành chính công xã Điền Quang, tỉnh Thanh Hóa.
Ba là các quy định của pháp luật về các công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức. Các quy định này xác định các hoạt động mà cán bộ, công chức, viên chức cần thực hiện, thời hạn thực hiện, mẫu văn bản, giấy tờ cần sử dụng.
Bốn là đặc điểm tình hình hoạt động của cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, công chức, viên chức công tác. Đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị phản ánh trực tiếp đặc điểm tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Ví dụ, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là những địa phương rất phát triển về kinh tế, yêu cầu về thủ tục hành chính đến các cơ quan nhà nước của cá nhân, doanh nghiệp lớn hơn và phức tạp hơn so với các địa phương khác, vì thế bộ tiêu chí KPI sẽ có điểm khác với các địa phương khác.
Tóm lại, sử dụng KPI phải gắn liền với việc quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, đánh giá và trả lương theo vị trí việc làm.
Bộ Nội vụ chỉ xác định “khung” chỉ số?
PV: Theo bà, mỗi tỉnh nên xây dựng bộ tiêu chí KPI riêng cho địa phương mình hay Bộ Nội vụ xây dựng bộ tiêu chí KPI để áp dụng chung trong cả nước?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích: Theo tôi cần có sự kết hợp hợp lý. Như tôi đã phân tích bên trên có những quy định pháp luật chung áp dụng chung trong cả nước nên cũng cần có quy định chung khi đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Vì thế, Bộ Nội vụ có thể sẽ xác định “khung” chỉ số, còn các địa phương xác định các mức cụ thể phù hợp với địa phương mình. Bên cạnh đó, theo tôi mỗi cơ quan cũng có thể xác định cụ thể theo hướng áp dụng mức cao hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích
“Sử dụng KPI trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức là tất yếu và ngay từ bây giờ các cơ quan, đơn vị cần chủ động xây dựng phương án triển khai thực hiện. Với những địa phương, cơ quan, đơn vị đã hội tụ đủ điều kiện để triển khai KPI thì nên khuyến khích thực hiện ngay”.
PV: Khi triển khai sử dụng bộ tiêu chí KPI để đánh giá cán bộ công chức, viên chức, chúng ta nên thực hiện thí điểm ở một số lĩnh vực, ở một vài địa phương sau đó tổng kết rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng, hay vì Khánh Hòa đã thực hiện thành công việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo bộ tiêu chí KPI mà chúng ta có thể triển khai đồng loạt trên phạm vi cả nước luôn, thưa bà?
Tôi vẫn cho rằng cần thực hiện thận trọng nhưng khẩn trương. Ngay cả Khánh Hòa cũng mới triển khai chưa trọn một năm nên chưa thể khẳng định mọi thứ đều phù hợp và tối ưu, chắc chắn sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp để áp dụng rộng rãi tại các địa phương. Quan trọng nhất là chúng ta phải khẳng định, sử dụng KPI trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức là tất yếu và ngay từ bây giờ các cơ quan, đơn vị cần chủ động xây dựng phương án triển khai thực hiện. Với những địa phương, cơ quan, đơn vị đã hội tụ đủ điều kiện để triển khai KPI thì nên khuyến khích thực hiện ngay.
Tuy nhiên theo tôi, mỗi bộ, địa phương có thể thực hiện trong phạm vi nhỏ, trước khi triển khai trong toàn cơ quan, địa phương mình. Việc triển khai trong phạm vi toàn quốc tôi nghĩ là chưa phù hợp lúc này.
Nguyễn Vân/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/kpi-danh-gia-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-thoi-diem-de-ap-dung-dong-loat-post1217051.vov