Khi mỹ tục thành… hủ tục!
"Náo hôn" (còn gọi là "náo động phòng") thường xảy ra vào cuối buổi tiệc tại phòng của tân lang - tân nương, khi nhóm bạn của chú rể sẽ tiến vào gây náo động phòng cưới để "xua tà khí”, giúp tân lang - tân nương vượt qua cảm giác ngại ngùng để có thể nhanh chóng thích nghi với cuộc sống hôn nhân, dễ dàng gắn kết với ý nghĩ "nhân bất náo, quỷ náo" (người không quậy, ma quỷ sẽ quấy)...
Cũng có ý kiến cho rằng thực ra đây là những gì còn lại của tục lệ "cướp vợ" thời xưa, với ý nghĩ từ thời nhà Chu rằng lễ cưới thường được tổ chức vào lúc chiều tối và việc "cướp dâu" cũng xảy ra vào thời điểm chạng vạng này. Theo đó, những người bạn của tân lang sẽ hỗ trợ anh này "cướp vợ", còn bên phía đàng gái cũng giúp tân nương phản kháng lại và hôn lễ cũng được tổ chức ngay sau đó, bạn bè giúp đỡ tân lang "cướp vợ" cũng đến phòng tân hôn với những câu nói đùa tạo không khí sôi động, dần dà trở thành một phần của phong tục hôn nhân truyền thống TQ.
Điều đáng nói là trong nhiều năm trở lại đây, phong tục này đã bị biến tướng, trở thành nỗi ám ảnh của các cô dâu, chú rể lẫn phù dâu. Nhiều báo cáo nhấn mạnh "náo hôn" đã vượt tầm kiểm soát, trở thành hành vi quấy rối, nhiều người còn giả làm khách mời dự tiệc cưới để tham gia vào cuộc "náo hôn" với những hành vi khó thể dung thứ.
Một phù dâu ở tỉnh Sơn Đông trân mình chịu trận khi bị hai người đàn ông dùng bình xịt cứu hỏa tấn công
Những hành vi bạo lực gây ám ảnh
Những kiểu "náo hôn" gây ám ảnh trong thời hiện đại không phải hiếm thấy trong các đám cưới truyền thống ở TQ. Trong đoạn clip do người qua đường quay lại được lan truyền trên mạng cho thấy tại một đám cưới ở tỉnh Sơn Đông, ngay khi cửa xe chở cô dâu và phù dâu về nhà chú rể được mở ra, 2 phù dâu đã bị một nhóm "náo hôn" kéo ngã ra đất và dùng bình cứu hỏa xịt vào người, mặc cho các cô la hét, giãy giụa cầu cứu, khiến người qua đường phải can thiệp và gọi cảnh sát, trật tự mới được vãn hồi.
Vào tháng 01/2019 ở miền Nam TQ, một chú rể đã bị ôtô đâm phải khi chạy trốn khỏi trò "náo hôn" trong ngày trọng đại, dẫn đến vụ kiện hy hữu nhóm bạn đã đùa quá trớn gây hậu quả nặng nề. Trước đó 2 năm, hình ảnh chú rể bị bạn bè tham gia "náo hôn" gắn pháo vào mông và trói trên cột đèn phải vào bệnh viện điều trị đã bị dư luận lên án.
Theo các chuyên gia xã hội học, kiểu "náo hôn" ám ảnh này không nên tồn tại khi có đến 2/3 người dân Trung Quốc phản đối. Sau hàng loạt phản ánh của người dân về tình trạng tục lệ biến tướng thành hủ tục này, tháng 3/2021 chính quyền TP. Châu Bình, tỉnh Sơn Đông, đã ban hành thông báo trong đó nghiêm cấm "những hành vi thô tục, quấy rối trong đám cưới", nếu vi phạm sẽ bị xử phạt và có thể bị quy vào tội hình sự. Quyết định này đã được người dân địa phương và toàn TQ hoan nghênh.
Theo một số chuyên gia xã hội học, tục "náo động phòng" ngoài những ý nghĩa trên còn biểu thị thành ý của khách dự cưới chúc phúc cho hai vợ chồng. Ngày nay, tham gia "náo động phòng" thường là những nam thanh nữ tú chưa lập gia đình với 2 dạng "văn náo" và "võ náo". Với văn náo, khách thường ra câu đố hoặc vế đối (có khi hơi thô) để cô dâu trả lời nhằm mục đích gây cười góp vui; trong khi võ náo thô bạo hơn với những hành vi đụng chạm, gài bẫy gây khó chịu. Sẽ không có gì đáng nói nếu cả "văn náo" lẫn "võ náo" không quá trớn, trở thành hủ tục kỳ quái, khiến các cặp tân hôn khổ sở, thậm chí có người còn mượn men rượu để giở trò với phù dâu.
Điều tra xã hội học cho thấy hơn 2/3 số người được hỏi cho biết đã trải qua "náo động phòng" và hầu hết đều không thích hủ tục này do ngày càng dung tục theo kiểu mua vui rẻ tiền khiến người trong cuộc khó xử. Theo đó đã đến lúc cần xem xét hủy bỏ để "náo hôn" theo truyền thống sẽ khiến ngày trọng đại của cô dâu, chú rể trở nên ấm áp...
NGUYỄN XUÂN (Theo Toutiao, Sohu)