Hy vọng mới
ThS.BS Nguyễn Thành Long - Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong thế giới của những căn bệnh tâm thần dai dẳng, khi thuốc men dường như bất lực, kích thích từ trường xuyên sọ (TMS - Transcranial Magnetic Stimulation) hoặc dạng lặp lại gọi là rTMS đã trở thành ánh sáng cuối đường hầm.
Đây là một kỹ thuật điều trị hiện đại và không xâm lấn, sử dụng sóng từ trường ngắn phát ra từ một thiết bị đặt sát da đầu nhằm kích thích hoặc điều hòa hoạt động của các tế bào thần kinh ở một vùng não nhất định. Nhờ đó, các vùng não bị rối loạn hoạt động sẽ được “điều chỉnh” về trạng thái cân bằng hơn, giúp giảm bớt triệu chứng của nhiều bệnh tâm thần kinh.
Theo ThS. Nguyễn Thành Long, điểm nhấn của TMS là khả năng tái lập "trật tự" cho não bộ mà không cần phẫu thuật, không đau, không gây mê. Chỉ với sóng từ trường nhắm trúng vùng não rối loạn, bệnh nhân tỉnh táo suốt quá trình và ra về ngay sau đó.
"Không chỉ an toàn, TMS còn là cứu cánh cho nhóm bệnh nhân không hiệu quả với thuốc truyền thống", ThS.BS Thành Long nhấn mạnh.
Thực hiện kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ cho bệnh nhân - Ảnh BVCC
Quy trình TMS tại Bệnh viện Bạch Mai diễn ra nhẹ nhàng như một buổi thư giãn kéo dài khoảng 20 đến 40 phút:
Khám, đánh giá chỉ định: Bác sĩ chuyên khoa tâm thần sẽ tư vấn, kiểm tra sức khỏe, giải thích kỹ càng về lợi ích và nguy cơ của phương pháp.
Chuẩn bị: Bệnh nhân tháo toàn bộ đồ kim loại (kẹp tóc, vòng cổ, bông tai…), được phát nút tai và đeo trong suốt quá trình điều trị.
Xác định vị trí và cường độ: Bác sĩ sẽ đo đạc và xác định đúng vùng não cần kích thích, chọn mức cường độ phù hợp với từng cá nhân.
Tiến hành điều trị: Bệnh nhân ngồi/nằm thoải mái, bác sĩ đặt coil máy lên đầu (góc 45 độ), bật máy để phát các xung từ trường. Quá trình thường kéo dài 20-40 phút, bệnh nhân chỉ cần thư giãn, không cần gây mê. Trải nghiệm rung nhẹ da đầu - cảm giác như gội đầu bằng năng lượng từ.
Theo dõi: Ghi nhận các phản ứng bất thường nếu có. Sau khi kết thúc, bệnh nhân có thể về nhà và sinh hoạt bình thường.
Ai cần cẩn trọng?
Theo ThS. Nguyễn Thành Long, TMS/rTMS được chỉ định cho nhiều trường hợp bao gồm: Rối loạn trầm cảm, đặc biệt là trầm cảm kháng trị, không đáp ứng thuốc; Tâm thần phân liệt (ảo thanh kéo dài, triệu chứng âm tính); Đau mạn tính, đau nửa đầu; Rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng bức (OCD), rối loạn hoảng sợ; Sang chấn tâm lý (PTSD); Động kinh, ù tai; Phục hồi chức năng sau đột quỵ.
Một số trường hợp chống chỉ định của liệu pháp: Đang mang các thiết bị kim loại/điện tử trong não hoặc vùng đầu cổ: Stent mạch não/cảnh, máy kích thích não sâu, điện cực, ốc tai điện tử, mảnh đạn, xăm mặt bằng mực kim loại…
Chống chỉ định tương đối: Máy tạo nhịp tim, phẫu thuật kẹp túi phình mạch, tiền sử phẫu thuật sọ não, phụ nữ có thai.
Ưu điểm của phương pháp: Không cần phẫu thuật, không xâm lấn, không gây mê; Hầu như không gây đau, bệnh nhân vẫn tỉnh táo hoàn toàn khi thực hiện; Ít tác dụng phụ nghiêm trọng, có thể quay về sinh hoạt bình thường ngay sau điều trị; Hiệu quả rõ rệt với các bệnh lý khó đáp ứng với thuốc hoặc không dùng được thuốc.
Rất nhiều nghiên cứu quốc tế và thực tiễn ghi nhận: 50-70% bệnh nhân trầm cảm kháng trị cải thiện rõ rệt sau điều trị bằng rTMS. Nhiều bệnh nhân đau đầu, đau mạn tính, rối loạn lo âu, OCD, PTSD, phục hồi sau đột quỵ… cũng ghi nhận cải thiện đáng kể, tăng chất lượng sống, giảm phụ thuộc thuốc. Hiệu quả thường xuất hiện sau vài buổi đầu tiên, được củng cố dần trong suốt liệu trình.
Liệu pháp thư giãn tốt cho bệnh nhân tâm thần - Ảnh BVCC
Chuẩn bị gì cho hành trình TMS?
- Trước buổi trị liệu: Tháo bỏ trang sức kim loại, kể rõ tiền sử cấy ghép, tiền sử bệnh lý, các nguy cơ đặc biệt cho bác sĩ. Nên mặc đồ thoải mái.
- Đeo nút tai để bảo vệ thính lực trong suốt quá trình.
- Ăn uống bình thường, không cần nhịn ăn hay gây mê.
- Giữ bình tĩnh, ngồi hoặc nằm yên, không di chuyển đầu khi máy hoạt động.
Trong quá trình thực hiện kỹ thuật, bệnh nhân cần lưu ý những vấn đề sau:
Nghe hướng dẫn của bác sĩ/kỹ thuật viên, nếu cảm thấy khó chịu, tê, đau đầu… cần báo ngay.
Quá trình hoàn toàn không đau, chỉ cảm thấy châm chích hoặc rung nhẹ vùng đầu tiếp xúc.
Sau khi thực hiện kỹ thuật, người bệnh có thể về nhà ngay, không cần ở lại theo dõi nếu không có biến chứng. Người bệnh có thể đau đầu nhẹ, cảm giác lâng lâng, ngứa ran hoặc co giật cơ mặt… triệu chứng thường tự hết sau vài giờ.
Nếu người bệnh thấy khó chịu nhiều có thể dùng thuốc giảm đau.
Nếu xuất hiện co giật, thay đổi ý thức, yếu liệt tay chân hoặc bất cứ bất thường nào khác cần liên hệ bác sĩ ngay lập tức.
Thúy Nga