Kỹ thuật khoan dầu Fracking: Chủ đề 'cấm kỵ' trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ

Kỹ thuật khoan dầu Fracking: Chủ đề 'cấm kỵ' trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ
5 giờ trướcBài gốc
Các máy khoan dầu ở Mỹ. Ảnh AP
“Với việc bà Harris vào Nhà Trắng, đó sẽ là dấu chấm hết cho 'fracking' ở Mỹ!”, trong các cuộc vận động, ông Donald Trump không bao giờ bỏ lỡ cơ hội cáo buộc đối thủ. Các đoạn quảng cáo chiến dịch của ông đã phát một trích đoạn từ cuộc tranh luận sơ bộ của Đảng Dân chủ năm 2019, khi bà Kamala Harris còn hy vọng giành được sự đề cử cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Khi đó, phó Tổng thống tương lai tuyên bố “ủng hộ lệnh cấm fracking” và thừa nhận “những hệ quả nghiêm trọng của nó đối với sự an toàn và sức khỏe của người dân”.
4 năm sau, bà Harris khẳng định mình đã thay đổi quan điểm. “Tôi đã không cấm fracking khi là phó Tổng thống, và tôi cũng sẽ không cấm với tư cách là Tổng thống”, bà tuyên bố vào cuối tháng 8 trên CNN. Bà nhấn mạnh, đó là một quan điểm cũ, và thực tế là bà chỉ đơn giản thay đổi để phù hợp với lập trường của ông Joe Biden sau khi trở thành người đồng hành tranh cử với ông. Năm 2024, tranh luận về vấn đề này dường như là điều không thể.
Fracking, hay còn gọi là khoan thủy lực, là một kỹ thuật bao gồm khai thác dầu khí bằng cách phá vỡ lớp đá chứa dầu hoặc khí sâu dưới lòng đất, bằng hỗn hợp nước, cát và hóa chất được bơm ở áp suất cực cao. Năm ngoái, kỹ thuật này đã giúp Mỹ khai thác 3 tỷ thùng dầu và 37.000 tỷ mét khối khí đốt. Nhờ fracking, Mỹ hiện là nhà khai thác dầu khí hàng đầu thế giới, vượt qua cả Ả Rập Saudi.
Tuy nhiên, phương pháp này gây nhiều tranh cãi đến mức một số quốc gia trên thế giới và một số bang ở Mỹ đã cấm nó. Thực tế, fracking có khả năng gây ra động đất và làm ô nhiễm mạch nước ngầm. Kỹ thuật này cũng đòi hỏi một lượng nước khổng lồ. Tờ New York Times đã ước tính: Kể từ năm 2011, fracking đã tiêu thụ hơn 5.500 tỷ lít nước, tương đương với tổng lượng nước uống tiêu thụ của bang Texas trong một năm.
Nhưng ông Donald Trump không quan tâm đến điều đó, quan điểm của ông có thể tóm tắt trong vài từ: “khoan, khoan nữa, khoan mãi!”. Ông thường xuyên nhắc lại câu khẩu hiệu cũ của phe bảo thủ Mỹ này trước các công nhân trong ngành, coi fracking như một cách để củng cố chủ quyền năng lượng của Mỹ và là nguồn công ăn việc làm cho công nhân Mỹ.
Ông Trump nhấn mạnh đến những thay đổi lập trường của bà Kamala Harris vì ông biết rằng đây là vấn đề nhạy cảm, đặc biệt là ở bang Pennsylvania, một trong những bang có thể quyết định kết quả bầu cử vào tháng 11 tới. Pennsylvania cũng là trung tâm của fracking với 11.000 giếng khoan, tạo công ăn việc làm cho 70.000 người. Chỉ riêng bang này đã chiếm gần 20% sản lượng khí đốt của Mỹ.
Trong bối cảnh như vậy, bày tỏ quan điểm chống lại fracking, dù chỉ là giới hạn trên các vùng đất liên bang, cũng đồng nghĩa với hành động tự sát trong bầu cử. Bà Kamala Harris giờ đây không dám mạo hiểm nữa. Bà chỉ nhắc sơ qua về việc cần đầu tư vào năng lượng tái tạo để đa dạng hóa nguồn năng lượng của Mỹ.
Tuy nhiên, fracking vẫn là một canh bạc rủi ro, ngay cả trên phương diện kinh tế. Phương pháp này phức tạp và tốn kém, và chỉ mang lại lợi nhuận khi giá dầu cao. Vào năm 2014, khi giá dầu sụt giảm, một phần do sự xuất hiện của sản lượng dầu Mỹ trên thị trường quốc tế, fracking đột nhiên trở nên thua lỗ. Các công ty dầu mỏ đột ngột ngừng vận hành các giếng dầu ở Texas và những nơi khác, khiến hàng nghìn công nhân mất việc.
Tóm lại, trong khi giá dầu vừa vượt qua ngưỡng 80 USD/thùng, do căng thẳng ở Trung Đông, thì fracking vẫn là điều cấm kỵ trong chiến dịch tranh cử.
Nh.Thạch
AFP
Nguồn PetroTimes : https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ky-thuat-khoan-dau-fracking-chu-de-cam-ky-trong-chien-dich-bau-cu-tong-thong-my-718865.html