Kỳ thực tập của nam sinh Việt tại tập đoàn đa quốc gia: Sự sáng tạo nào cũng cần thực tế

Kỳ thực tập của nam sinh Việt tại tập đoàn đa quốc gia: Sự sáng tạo nào cũng cần thực tế
7 giờ trướcBài gốc
Là 1 trong 2 sinh viên Việt Nam ưu tú được chọn tham gia chương trình Global Management Program (GMP) của tập đoàn Fast Retailing, Trần Nhật Tiến (sinh viên năm cuối ngành Kinh doanh kỹ thuật số và Quản lý chuỗi cung ứng, trường ĐH RMIT Việt Nam) đã có 1 tuần thực tập đáng nhớ tại Nhật Bản.
Mang tâm thế "fan ruột" để tìm hiểu về công ty
Là một "fan lâu năm" của UNIQLO, Nhật Tiến lần đầu biết đến GMP qua một thông báo của nhãn hàng trên Linkedln. Vì vậy, dù vẫn đang trong kỳ trao đổi tại Úc với lượng deadline khá nặng, Nhật Tiến vẫn quyết tâm đăng ký tham gia như một cách để thử thách bản thân.
Không có quá nhiều kinh nghiệm thực tập hay làm thêm dày dặn, Nhật Tiến cho rằng, lý do mà bản thân có thể “trộm vía” vượt qua hơn 5.000 hồ sơ dự tuyển từ 19 quốc gia chính là “dành thật nhiều thời gian để nghiên cứu công ty, hiểu rõ các triết lý của doanh nghiệp và tìm ra điểm liên kết giữa ngành học của bản thân với định hướng của chương trình”.
Cần tập trung cao độ khi làm việc tại tập đoàn đa quốc gia
Sau khi vòng đơn kết thúc, Nhật Tiến đã phải thực hiện thêm 1 bài kiểm tra về năng lực tư duy, giải quyết vấn đề, tham gia 2 vòng phỏng vấn để có được suất thực tập tại công ty mẹ Fast Retailing.
“Trong vòng phỏng vấn đầu tiên với Nhân sự, mình đã được hỏi về cơ hội phát triển trong tương lai. Câu hỏi này cần người trả lời phải hiểu kỹ về doanh nghiệp, nên đây là lúc bạn thể hiện được sự quan điểm và đánh giá của chúng ta về công ty. Còn vòng tiếp theo thì cần tập trung vào kỹ năng và khả năng lãnh đạo của mình, nên kiến thức thôi thì chưa đủ, các kỹ năng mềm cũng là lý do để phía tuyển dụng 'gật đầu' với mình”, Nhật Tiến chia sẻ.
Ngay từ lúc hạ cánh, Nhật Tiến và 42 thực tập sinh còn lại đã được di chuyển đến "đại bản doanh" của Fast Retailing để tham quan, tìm hiểu về từng phòng ban cũng như lắng nghe chia sẻ từ phía giám đốc điều hành của tập đoàn về mô hình kinh doanh của một công ty bán lẻ. Chính cơ hội này đã khiến Nhật Tiến hiểu hơn về lĩnh vực này, quá trình cho ra mắt một sản phẩm mới cũng như rút ra được bài học cá nhân: "Sáng tạo cũng cần tập trung và mang tính thực tiễn".
Đó cũng chính là lời khuyên mà ban lãnh đạo tập đoàn dành cho Nhật Tiến và đồng đội sau phần thuyết trình cuối kỳ thực tập. Với đề bài liên quan đến phát triển sản phẩm, Tiến và 4 người bạn khác đến từ khắp nơi trên thế giới đã phải liên tục hoạt động để đưa ra ý tưởng, cũng như cơ sở để thuyết phục ban lãnh đạo về sản phẩm đó. “Khoảng thời gian đó vừa áp lực, lại vừa truyền cảm hứng cho mình. Khiến cho mình không chỉ có cái nhìn khác về ngành hàng thời trang, mà còn hiểu được câu chuyện phía sau mỗi sản phẩm”.
Để có 1 bài thuyết trình tốt, tiếng Anh thôi là chưa đủ
Với Nhật Tiến, kỳ thực tập còn đáng nhớ hơn khi nam sinh đã tự tin hơn trong lúc thể hiện bản thân bằng tiếng Anh, và nhận ra rằng, ngôn ngữ không phải là yếu tố duy nhất làm nên thành công của một cá nhân. “Cảm giác đứng trước ban lãnh đạo của 1 tập đoàn toàn cầu khiến mình nhận ra tiếng Anh chỉ là điều kiện đủ để gây ấn tượng. Khả năng tư duy phản biện, sự chỉn chu, chính xác mới là chìa khóa để mình tự tin và tỏa sáng hơn”.
Kỳ thực tập tại một tập đoàn lớn là cột mốc vô cùng quan trọng với Nhật Tiến. Bởi sau cuộc thi, không chỉ kiến thức, Nhật Tiến còn có cơ hội luyện tập nhiều kỹ năng quan trọng của ngành hàng bán lẻ như tư duy chiến lược, nghiên cứu thị trường, dự đoán xu hướng để phân phối sản phẩm hay quản lý dự án… hay làm quen với nhiều người bạn ngoại quốc đa tài. "Một trong những kỹ năng em cảm thấy được phát triển mạnh mẽ nhất sau chương trình là tư duy chiến lược. Qua dự án nhóm, em và các bạn phải suy nghĩ và lập kế hoạch phát triển sản phẩm trong vòng 5 đến 10 năm tới. Điều này giúp em hiểu rõ hơn về cách một doanh nghiệp lớn như Fast Retailing vận hành và phát triển trong bối cảnh toàn cầu," Tiến chia sẻ.
Dù vậy, Nhật Tiến của những ngày đầu bước vào đại học cũng không tin rằng bản thân có thể đạt được thành tựu như thế. “Có thể bạn sẽ còn nhiều chơi vơi, nhiều lo lắng về các hành trình tương lai, nhưng đừng bỏ qua cơ hội để thử thách bản thân, mà đối với mình là GMP. Chậm mà chắc, đi từ từ mà cẩn thận, chúng mình rồi sẽ tìm được cơ hội để tỏa sáng và tự định hướng được tương lai”.
P.V
Nguồn HHT : https://hoahoctro.tienphong.vn/ky-thuc-tap-cua-nam-sinh-viet-tai-tap-doan-da-quoc-gia-su-sang-tao-nao-cung-can-thuc-te-post1680325.tpo