Ngày 3/4/1975, Đà Lạt - thành phố trên cao nguyên Di Linh được giải phóng. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Đội đặc nhiệm đặc công Đà Lạt
Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 hàng năm luôn mang đến cho ông Nguyễn Duy Dũng (đặc công Đại đội T12, đơn vị tinh nhuệ “đặc biệt trong đặc biệt” thuộc Bộ Tư lệnh đặc công Sư 305) cảm giác bồi hồi xúc động. Bởi đây là cột mốc quan trọng trong suốt thời thanh xuân của vị cựu đặc công từng vào sinh ra tử ở chiến trường Đà Lạt - Tuyên Đức nửa đầu những năm 70.
Đã gần 80 tuổi nhưng ông Dũng vẫn rất minh mẫn, ông kể, Đại đội T12 của ông được thành lập năm 1968, thuộc Bộ Tư lệnh đặc công Sư 305 với mục tiêu chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau khi được huấn luyện đặc biệt, T12 trở thành “đặc công đánh thành phố” với 62 đồng chí, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ với phiên hiệu Đoàn QL 2028.
“Tháng 12/1968, đơn vị chúng tôi bắt đầu đi B (vào miền Nam), đến ga Vinh thì cả Đại đội tiếp tục hành quân bằng đường bộ. Sau hơn 4 tháng hành quân, đơn vị đến vùng Tây Ninh - Sài Gòn, đến tháng 6/1969, Đại đội được điều động hành quân về chiến trường Đà Lạt - Tuyên Đức với tên gọi T12-V9-C54b và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của đặc công đánh thành phố”, ông Dũng nhớ lại.
Từ tháng 2/1970, chỉ chưa đầy 5 tháng, T12-V9-C54b đã đánh liên tục 5 trận với những chiến thắng giòn giã khiến quân địch hoang mang. Nổi bật là trận đánh vào Trung tâm chiến tranh chính trị của địch (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng hiện nay), trận đánh vào Trung tâm Cảnh sát Dã Chiến (khu vực đồi Dã Chiến, Phường 11 hiện nay), trận đánh đồn Kim Phát (khu vực đầu Quốc lộ 27, huyện Đức Trọng ngày nay)… tiêu diệt nhiều quân địch, thu nhiều khí tài.
Ông Nguyễn Duy Dũng nhớ lại: "Ngoài những trận đánh mở đầu khi về chiến trường Đà Lạt - Tuyên Đức, chúng tôi cũng tham gia nhiều trận đánh khác khiến quân địch hoang mang, sợ hãi. Đặc biệt trong dịp Tết dương lịch 1970 -1971, quân địch bất ngờ tổ chức trận càn trên đồi Đá (nơi đóng quân của đơn vị) nhưng chúng tôi đã chiến đấu anh dũng, bắn rơi một máy bay và đánh bật quân địch phải tháo lui”.
Đến tháng 6/1971, do yêu cầu của nhiệm vụ, đơn vị chia thành 4 đội, ông Dũng và đồng đội được bổ sung về các đội đặc công biệt động của Thị đội Đà Lạt để hoạt động bí mật, phá ấp chiến lược, xây dựng phong trào cách mạng ngay trong lòng địch.
Suốt trong quãng thời gian kéo dài đến tháng 4/1975, lực lượng của T12-V9-C54b đã hoạt động, công tác, chiến đấu, đóng góp xương máu cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước và để lại dấu ấn trong lịch sử của thành phố Đà Lạt.
“Đây là quãng thời gian hoạt động với nhiều kỷ niệm ấn tượng đối với tôi và đồng đội. Chúng tôi cải trang thành lính ngụy, tìm diệt những tên ác ôn ngay trong lòng địch khiến chúng hoang mang, khiếp sợ, góp phần cho chiến thắng giải phóng Đà Lạt ít tốn mồ hôi, xương máu nhất”, ông Dũng kể lại.
Ngày giải phóng đặc biệt
Ngày 3/4/1975 là dấu mốc quan trọng khi Đà Lạt chính thức được quân cách mạng tiếp quản. Đây cũng là ngày đặc biệt đối với ông Nguyễn Duy Dũng và đồng đội khi việc tiếp quản Đà Lạt rất nhẹ nhàng, khác hẳn chiến trường khốc liệt những năm trước đó.
Ông Dũng nhớ lại, thời điểm cuối tháng 3/1975, đơn vị của ông được phân công trinh sát 6 mục tiêu đầu não của địch để dẫn quân chủ lực vào đột kích giải phóng Đà Lạt. Tuy nhiên, đêm 31/3/1975, trước khí thế của quân giải phóng, địch đã tự đốt kho xăng, kho đạn (sân bay Cam Ly) rồi rút quân ngay trong đêm.
Đến ngày 1/4 và 2/4, toàn Đà Lạt hầu như không còn bóng dáng quân địch tại các cứ điểm quan trọng.
“Sáng 2/4, chúng tôi được lệnh đến rạp Hòa Bình để chốt trực kiểm soát tình hình, đến chiều cùng ngày thì tiếp quản sân bay Cam Ly. Sáng 3/4, quân chủ lực khi ấy là Đại đội Trung đoàn quyết thắng đã đến nơi và cắm cờ giải phóng tại Dinh Tỉnh trưởng và Dinh Bảo Đại, đánh dấu cột mốc quan trọng cho Đà Lạt”, ông Dũng kể lại.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Dũng không quay trở lại quê hương như bao đồng đội khác mà vẫn tiếp tục công tác tại Đà Lạt. Đến năm 1977, ông xuất ngũ, chuyển công tác sang ngành giáo dục của địa phương đến lúc nghỉ hưu. Ông chia sẻ, chiến trường Đà Lạt gắn bó nhiều kỷ niệm, đây cũng là nơi dang tay đón chào ông tiếp tục cống hiến, làm việc nên quyết định ở lại.
Ghi nhận chiến công này, ông Nguyễn Duy Dũng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba năm 1984, Huy hiệu Dũng sĩ diệt máy bay và Dũng sĩ diệt Mỹ. Năm 2022, ông Nguyễn Duy Dũng được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong công tác Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành phố Đà Lạt, nhiệm kỳ 2017 - 2022, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Nguyễn Dũng (TTXVN)