30/4/1975 - Đó mãi mãi là một ngày đặc biệt với những dấu ấn không bao giờ quên trong cuộc đời của họ.
Không sợ vì bộ đội là chú Sáu, chú Bảy
Gần cả tháng nay, khu nhà bà Võ Thị Hạnh, 63 tuổi, ngụ quận Gò Vấp đã rộn ràng treo cờ Tổ quốc mừng 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mỗi tối đến, câu chuyện của bà con nơi đây là không khí tưng bừng, hồ hởi chờ ngày xem diễu binh, diễu hành, chờ đợi các hoạt động văn hóa văn nghệ chào mừng ngày trọng đại này.
Bà Hạnh nhớ lại, 50 năm về trước (khi đó nhà bà ở gần đường lớn), cả khu xóm căng thẳng theo từng đợt bom đạn nổ.
Trong ký ức của đứa trẻ 13 tuổi khi đó, chưa thể hiểu hết được chuyện gì đang đến, bà chỉ biết trong xóm mọi thứ bỗng im ắng lạ thường. Người lớn nói chuyện khe khẽ lại, ai cũng có vẻ đang chờ một điều gì đó lớn lao sắp xảy ra.
Quân Giải phóng hành quân thần tốc vượt eo biển miền Trung tiến về Sài Gòn, tháng 4/1975
Thời điểm đó, chính quyền Sài Gòn thông báo lệnh giới nghiêm, yêu cầu người dân không ra đường, học sinh nghỉ học. Đại gia đình bà Hạnh đã đào hầm nhỏ trong nhà để trú ẩn, đồng thời cũng đã chuẩn bị các phương án di tản, tránh đạn. Mỗi lần nghe tiếng bom nổ từ đâu vọng lại, bà Hạnh sợ hãi chui vào gầm bàn.
Trưa ngày 30/4, sau khi nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, cả nhà không quá bất ngờ. Mẹ bà Hạnh thở phào: "Chiến tranh chấm dứt rồi, bình yên rồi!"
Đến chiều, cả xóm bà kéo ra đầu đường xem đoàn xe chở bộ đội chạy qua. Những chiếc xe phủ bụi, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Từng đoàn quân hùng dũng “rầm rập bước chân ta đi rung chuyển đường phố Sài Gòn”.
Xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4 (ảnh tư liệu nhà báo Trần Mai Hưởng)
Người dân hai bên vỗ tay, đưa nước uống, có nhà đem trái cây ra mời. Từ e dè sợ sệt, dần dần ai cũng vui mừng hơn vì không còn tiếng súng, không còn giới nghiêm.
Đáng nhớ với bà Hạnh là niềm xúc động khi nhìn thấy các chú giải phóng quân “bằng da bằng thịt”. Bởi vì, tin đồn từ chính quyền Sài Gòn bấy lâu nay mà bà nghe được là: bộ đội rất đáng sợ, không cho phụ nữ để tóc dài, không được mặc đồ đẹp hay áo dài, sơn móng tay sẽ bị rút móng.vv… Những thông tin trước đó khiến ai nấy rất lo sợ, nhất là trẻ con.
Thế nhưng thời điểm gặp được bộ đội giải phóng, ánh mắt hiền hòa vẫy chào người dân, bà Hạnh mới biết, hóa ra mấy chú biệt động là người quen bấy lâu nay.
“Sau đó bắt đầu chúng tôi ra đầu ngõ, con nít tò mò mà, xem như thế nào. Rồi tôi thấy có người quen, tôi reo lên với bà ngoại: “Ủa, sao Việt cộng mà là chú Bảy, chú Sáu trong xóm mình kìa bà ngoại”. Vì ngày xưa chú Bảy hay bán si rô đá, do họ đóng vai để liên lạc mà, mình còn nhỏ hay ra mua của chú. Bất ngờ lắm, nhưng tôi không sợ vì các chú toàn là người gần gũi trong xóm mà mình đã biết”, bà Hạnh nhớ lại.
Bà Võ Thị Hạnh cho biết, đất nước thống nhất, được sống trong hòa bình là niềm hạnh phúc vô cùng quý báu
Sau ngày giải phóng, người dân trong xóm bà Hạnh dậy từ rất sớm. Ai có áo đẹp thì mặc áo đẹp, nhà nào có cờ thì treo cờ. Những ngày sau đó, trẻ con được hướng dẫn tập thể dục buổi sáng, học hát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, rồi được phát tập, phát viết đi học trở lại…
Rực rỡ cờ hoa
Ngày 30/4/1975, với GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng lúc đó đang là Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, là một ngày bà không bao giờ quên. Không chỉ là vì sự kiện lịch sử của đất nước, mà vì có những đứa trẻ được chào đời an toàn, trong một ngày mà mọi thứ đang hỗn loạn và tưởng như ngưng trệ.
GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (sinh năm 1944, là người tiên phong đưa kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam)
Trong ký ức của BS Phượng, thời điểm gần ngày 30/4, hầu hết bác sĩ không đến bệnh viện, một số người tìm cách rời khỏi Việt Nam. Giữa lúc hầu hết bác sĩ đã tạm rời khỏi vị trí vì lo chiến sự, BS Phượng dắt theo 3 đứa con nhỏ vào bệnh viện, ở hẳn trong phòng trực để đỡ đẻ, mổ đẻ, hạn chế tối đa nguy cơ tử vong của các thai phụ.
Sáng 30/4, sau ca mổ, một nữ hộ sinh rụt rè đưa cho BS. Phượng lá cờ Giải phóng, hỏi bà rằng đã treo được chưa. BS. Phượng vui mừng đồng ý. Không trống giong cờ mở, cũng không có bất kỳ thông báo chính thức nào, hai người phụ nữ lặng lẽ hạ lá cờ cũ, treo lên một lá cờ mới.
Nhìn từ hành lang bệnh viện xuống đường, BS. Phượng thấy lính ngụy tháo bỏ quân phục ngay tại chỗ, vứt hết, mặc đồ thường rồi lặng lẽ đi về nhà. Trong bệnh viện, mọi thứ vẫn chưa rõ ràng, vẫn yên tĩnh, vẫn không có bác sĩ trực, BS. Phượng miệt mài làm nhiệm vụ của mình.
Chiều cùng ngày, một nhóm cán bộ vào cổng bệnh viện để tiếp quản. BS. Phượng vui mừng nhận ra nhiều người quen. “Tôi không nghĩ bên này hay bên kia, không tách 2 chế độ, tôi nghĩ cứ người Việt Nam thì mãi là người Việt Nam. Tôi làm bác sĩ thì cứu người, nếu không cứu chữa cho người bệnh thì ai làm. Thứ nữa là em tôi tham gia kháng chiến. Chiến tranh ngưng rồi, gia đình được đoàn tụ thì đó mới là điều đáng vui mừng quá rồi!”, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng kể.
50 năm qua, chứng kiến sự thay đổi, phát triển của thành phố, có rất nhiều thành tựu, BS Phượng luôn tự hào, vui mừng, đặc biệt trong lĩnh vực y tế. BS Phượng tin tưởng 20 năm nữa, Việt Nam có thể sánh ngang với nhiều nước hiện đại trên thế giới.
Còn với bà Chung Thị Hạnh, 69 tuổi, dân tộc Hoa, ngụ Quận 11, 50 năm trước còn là một nữ sinh y khoa. Khi biết “Sài Gòn thất thủ” - theo cách gọi lúc đó, cả xóm người Hoa của bà xôn xao bàn tán.
Bà Chung Thị Hạnh, 69 tuổi, dân tộc Hoa, ngụ Quận 11 hòa chung không khí bắn pháo đại bác ở bến Bạch Đằng
Nhiều người nghe tiếng tin đồn “Việt cộng rất đáng sợ” nên tâm lý hoang mang lo lắng. Thế nhưng bà Hạnh đã khuyên mọi người bình tĩnh và giải thích cho bà con biết người dân sẽ được an toàn, vì mục đích của cuộc chiến là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đến trưa, xe tăng thiết giáp, bộ đội cờ hoa trên tay, chạy qua các tuyến đường vẫy chào người dân. Bà Hạnh nhớ, có mấy người lính vào xóm bà gõ cửa từng nhà hỏi: “Bác còn gạo không? Thiếu thì tụi con phát cho”, khiến cho gia đình bà và người dân yên tâm hơn rất nhiều.
“Con nít, người lớn ai cũng hiếu kỳ, ra coi, đón chào lực lượng giải phóng, đi đông lắm. Chỉ có những gia đình sỹ quan cảnh sát của chế độ cũ thì lo lắng, còn hầu hết dân chúng thì hồ hởi hào hứng ra đường. Đường rực rỡ lắm, ồn ào. Hình như buổi trưa hôm đó không ai ăn uống gì luôn”, bà Chung Thị Hạnh vui vẻ nhớ lại.
Từ những chiến sĩ biệt động, người tham gia cách mạng hay người dân bình thường ở Sài Gòn khi đó, nhiều câu chuyện chưa được kể hết, nhưng tất cả đều là chứng nhân cho một ngày không thể nào quên. Chính ký ức ấy, qua năm tháng, vẫn tiếp tục nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, gắn kết cộng đồng và khát vọng gìn giữ hòa bình cho thế hệ hôm nay và mai sau. Bởi vì: hòa bình là món quà thiêng liêng nhất.
Kim Dung/VOV-TP.HCM