Kỳ vọng gỡ 'thẻ vàng' thủy sản

Kỳ vọng gỡ 'thẻ vàng' thủy sản
8 giờ trướcBài gốc
(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi đã và đang nỗ lực thực hiện các nhóm khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Ngày 23/10/2017, EC áp “thẻ vàng” với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác hải sản vì vi phạm các nguyên tắc về chống khai thác IUU (thẻ vàng IUU). Từ ngày 15 - 24/5/2018, EC kiểm tra công tác khắc phục “thẻ vàng” lần thứ nhất. Từ ngày 5 - 14/11/2019, EC kiểm tra lần thứ 2 và kết luận công tác chống khai thác IUU của Việt Nam đang đi đúng hướng.
Tháng 10/2022, EC kiểm tra lần thứ 3 và đưa ra 4 khuyến nghị: Hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường quản lý tàu cá, giải quyết tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc. Từ ngày 10 - 18/10/2023, EC kiểm tra lần thứ 4 và yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định đã có, nhất là 4 khuyến nghị đã nêu ra lần trước. Dự kiến cuối tháng 11, đầu tháng 12/2024, EC kiểm tra lần thứ 5 để quyết định có gỡ “thẻ vàng” IUU hay không.
Hành trình chống khai thác IUU
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, gỡ “thẻ vàng” IUU không chỉ nâng cao thương hiệu, uy tín, tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, mà còn là động lực để phát triển thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững. Sau khi EC rút “thẻ vàng” cảnh báo, Quốc hội đã thông qua Luật Thủy sản 2017 vào ngày 21/11/2017, quy định hoạt động khai thác hải sản phải được quản lý, đúng pháp luật và bảo vệ nguồn lợi để phát triển bền vững.
Từ đó đến nay, Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị và ban hành hàng loạt văn bản, công điện, chỉ thị nhằm thúc đẩy thực hiện các khuyến nghị của EC. Trên cơ sở đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan tăng cường tuyên truyền, cung cấp cho cộng đồng ngư dân các thông tin, quy định chống khai thác IUU, cũng như những rủi ro do vi phạm quy định IUU; khuyến khích ngư dân tuân thủ các quy định của pháp luật theo hướng tự nguyện.
Lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh kiểm tra hoạt động của thiết bị giám sát hành trình tàu cá trước khi tàu xuất bến tại Cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ).
Cùng với tuyên truyền, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là kiểm tra và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 166 trường hợp/165 phương tiện vi phạm quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP, với số tiền trên 2,9 tỷ đồng. Nhờ quyết liệt thực hiện các giải pháp, từ năm 2017 đến nay, Quảng Ngãi không có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài trong khai thác hải sản.
Ngư dân Nguyễn Chiến, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) chia sẻ, nếu khai thác thủy sản bất hợp pháp, ngư dân không chỉ bị thiệt hại về kinh tế, mà có thể sẽ đối mặt với xử lý hình sự. Mặt khác, khi khai thác thủy sản bất hợp pháp, tàu thuyền ngư dân ở ngoài khu vực giám sát không nắm bắt được thông tin diễn biến thời tiết và không đưa tàu đi tránh trú kịp thời, nên rủi ro bị thiệt hại rất lớn.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 10 tháng năm 2024 đạt trên 8,3 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó thị trường Châu Âu đạt trên 1 tỷ USD, tăng 27%. Như vậy, Châu Âu vẫn là thị trường tiềm năng và quan trọng trong xuất khẩu thủy sản của cả nước nói chung, các DN của Quảng Ngãi nói riêng. Do đó, việc gỡ “thẻ vàng” IUU được xem là động lực để thủy sản Việt Nam tiếp tục bứt phá ở thị trường Châu Âu và các thị trường khác.
Cùng với ngư dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực thủy sản ở Quảng Ngãi cũng góp sức gỡ “thẻ vàng” IUU bằng việc tuân thủ các quy định trong quá trình thu mua, chế biến và xuất khẩu. Từ năm 2018 đến nay, hầu hết các DN chế biến thủy sản của tỉnh đều “nói không” với các sản phẩm thủy sản được khai thác từ những tàu cá vi phạm IUU.
Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú (KCN Quảng Phú) Nguyễn Đức Quảng cho biết, công ty là DN duy nhất của tỉnh xuất khẩu thủy sản trực tiếp sang thị trường Châu Âu. Từ khi bị “thẻ vàng” IUU, DN gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro, từ thu mua nguyên liện đến thủ tục truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, vì mục tiêu chung của ngành thủy sản, cũng là vì lợi ích lâu dài của DN, nên từ năm 2018 đến nay, công ty nỗ lực đầu tư cải tiến thiết bị sản xuất, thận trọng trong việc thu mua nguyên liệu để đáp ứng đầy đủ các quy định, thủ tục, cũng như yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm của thị trường Châu Âu.
Nỗ lực gỡ “thẻ vàng”
Với quyết tâm cùng gỡ “thẻ vàng” IUU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 279-KH/TU ngày 27/5/2024 về thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 479/QĐ-UBND ngày 3/7/2024 về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tập trung nguồn lực để giám sát, quản lý chặt chẽ các đội tàu, không để vi phạm khai thác IUU; đồng thời xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”, tàu cá vi phạm quy định về lắp đặt và quản lý, vận hành thiết bị giám sát tàu cá (VMS).
Cán bộ Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) hướng dẫn ngư dân Nguyễn Đình Bê, ở xã Nghĩa An, truy cập vào Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử thủy sản Việt Nam để làm thủ tục nhập bến.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết, thời gian qua, các đơn vị chuyên môn trực thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh đã tích cực tuyên truyền, kiểm tra thực tế tàu cá “3 không” và hướng dẫn ngư dân thực hiện các thủ tục để cơ quan chuyên môn cấp đăng ký, giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá. Đến cuối tháng 11/2024, chi cục đã cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch mới cho 3.511/4.721 tàu cá (gần 74,4%), trong đó có 2.483/3.069 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên (gần 81%) và được nhập liệu đầy đủ vào phần mềm Cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia (VNFishbase). Ngoài ra, đã có 2.976/3.069 tàu cá có chiều dài 15m trở lên lắp đặt thiết bị VMS (gần 98,8%). Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản tỉnh thành lập Tổ công tác xử lý thông tin dữ liệu của hệ thống giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh, để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin tàu cá của tỉnh bị mất tín hiệu thiết bị VMS.
"Sở NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với lực lượng BĐBP, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu thuyền tại các cửa biển, cảng cá nhằm ngăn chặn kịp thời tàu cá vi phạm khai thác IUU. Sở NN&PTNT cũng phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển và lực lượng chức năng, chấp pháp trên biển để kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh hoạt động tại các vùng biển trong và ngoài tỉnh. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, góp phần cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” IUU trong đợt thanh tra lần thứ 5 của EC”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho hay.
Bài, ảnh: MỸ HOA
Nguồn Quảng Ngãi : http://baoquangngai.vn/kinh-te/bien-kinh-te-bien/202411/ky-vong-go-the-vang-thuy-san-e926119/