Thúc đẩy lĩnh vực thủy sản trở thành một trợ lực phát triển kinh tế - xã hội

Thúc đẩy lĩnh vực thủy sản trở thành một trợ lực phát triển kinh tế - xã hội
7 giờ trướcBài gốc
Khai thác thủy sản ven bờ mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân trên địa bàn TP Sầm Sơn.
Phường Quảng Tiến có truyền thống khai thác thủy sản lâu đời của TP Sầm Sơn. Theo thống kê, hiện phường có 154 phương tiện (tàu, thuyền, bè mủng) đánh bắt thủy sản. Trong đó, tàu đảm bảo các quy định hoạt động trên biển là 144 chiếc. Tổng số lao động trực tiếp khai thác là khoảng 1.560 người. Từ đầu năm 2024 đến nay, sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 10.882 tấn, đạt 60,44% kế hoạch; giá trị ước đạt 414 tỷ đồng. Đồng chí Vũ Đình Chinh, Bí thư Đảng ủy phường Quảng Tiến, cho biết: Để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, tuyên truyền cho cộng đồng ngư dân về nội dung khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU; Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật Thủy sản; Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản... Cùng với đó, UBND phường đã thành lập tổ công tác liên ngành chỉ đạo xử lý vi phạm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn. Đối với các tàu cá không đủ thủ tục giấy tờ, trang thiết bị cam kết nằm bờ, UBND phường phối hợp với lực lượng biên phòng, trạm thủy sản, ban quản lý cảng cá tổ chức đưa tàu về neo đậu tập trung tại các khu neo đậu tránh trú bão (cẩu tàu lên bờ nếu cần thiết), tuyệt đối không để tàu cá đi khai thác. Ngoài ra, địa phương còn tổ chức đến gia đình chủ tàu cá hoặc đến nơi neo đậu tàu cá, yêu cầu chủ tàu cá/thuyền trưởng hoặc người nhà của chủ tàu/thuyền trưởng khôi phục kết nối giám sát hành trình tàu cá và bật thiết bị giám sát hành trình 24/24h khi hoạt động khai thác thủy sản trên biển...
Để lĩnh vực khai thác và chế biến thủy sản thực sự trở thành một trợ lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, TP Sầm Sơn đã khuyến khích ngư dân đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ, ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách để giải bản các phương tiện nhỏ, đánh bắt gần bờ. Cùng với đó, thu hút đầu tư, nâng cấp các cơ sở chế biến thủy sản, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề biển theo hướng hiện đại; duy trì và phát triển các thương hiệu sản phẩm hải sản truyền thống. Đặc biệt, để phát triển bền vững lĩnh vực quan trọng này, Sầm Sơn gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái. Theo đó, thành phố chú trọng công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của ngư dân trong việc tuân thủ các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thực hiện hiệu quả phát triển khai thác thủy sản gắn với phát triển du lịch và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Nhằm tạo cơ sở cho lĩnh vực thủy sản phát triển, thành phố đã xây dựng và triển khai Chương trình phát triển thủy sản trên địa bàn TP Sầm Sơn giai đoạn 2021-2025. Để triển khai chương trình này, thành phố đã xây dựng phương án khai thác có hiệu quả cảng cá và âu thuyền tránh trú bão tại phường Quảng Tiến; đầu tư, nâng cấp cảng Quảng Tiến phục vụ phát triển kinh tế và hậu cần nghề cá. Phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, nâng cấp, phát triển số lượng tàu đánh bắt hải sản có công suất lớn. Xây dựng phương án để giảm nhanh phương tiện khai thác gần bờ, hỗ trợ ngư dân khai thác ven bờ chuyển đổi nghề hoặc nâng cấp, cải hoán phương tiện đánh bắt với công suất từ 90CV trở lên. Tạo cơ chế để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến hải sản công nghệ cao, thân thiện với môi trường, để nâng cao giá trị sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ du lịch. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuần tra trên tuyến biển; kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ đoàn kết, dân quân biển, thực hiện tốt nhiệm vụ khai thác thủy sản với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia...
Nhờ đó, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2023 của thành phố đạt trung bình 25.841 tấn/năm. Năm 2024, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 25,3 nghìn tấn, đạt 103% so kế hoạch. Tổng số tàu từ 12m trở lên là 233 tàu (giảm 121 tàu so với năm 2020); phương tiện dưới 12m là 1.445 phương tiện (giảm 44 phương tiện so với năm 2020). Thành phố có 24 tổ đoàn kết trên biển và đảm bảo 100% tàu cá xa bờ tham gia tổ đoàn kết.
Để tạo cơ sở thúc đẩy việc khai thác và chế biến thủy sản, thành phố luôn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá. Hiện thành phố có 2 cơ sở đóng sửa tàu thuyền là HTX đóng tàu Triệu Tiến và Công ty TNHH Hợp Thanh. Có 1 cảng cá loại 2 (Cảng cá Lạch Hới), với công suất bốc dỡ hàng hóa 15.000 tấn/năm; 1 khu âu thuyền tránh trú bão với công suất thiết kế đáp ứng cho 600 tàu neo đậu. Cùng với đó, các xã, phường còn có các bến neo đậu, bốc dỡ sản phẩm khai thác cho ngư dân trên địa bàn, với 10 bến bãi tại các phường/xã: Trung Sơn, Quảng Cư, Quảng Hùng, Quảng Châu, Quảng Đại, Trường Sơn và Quảng Vinh. Đặc biệt, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương nâng cấp Cảng cá Lạch Hới kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền tại Quyết định số 592/QĐ-TTg ngày 30/5/2023 về chủ trương đầu tư Dự án Phát triển thủy sản bền vững tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó có dự án nâng cấp Cảng Lạch Hới thành cảng cá loại I, đáp ứng 120 lượt chiếc/ngày, quy mô neo đậu 1.000 tàu, công suất bến cá, cảng cá đạt 25.000 tấn/năm, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 262 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố đang tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa phường Quảng Châu, phường Quảng Thọ nhằm kết nối, triển khai phát triển tour du lịch “ngược xuôi sông Mã” và các tuyến du lịch khác trên biển; nghiên cứu xây dựng các hoạt động thủy sản gắn với du lịch như trải nghiệm cùng ngư dân, tham quan mô hình sản xuất thủy sản...
Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được duy trì; tình trạng vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản giảm so với những năm trước đây. Từ năm 2021 đến nay, lực lượng biên phòng phối hợp với các đơn vị liên quan đã xử lý 42 vụ/42 phương tiện khai thác vi phạm quy định về khai thác thủy sản, với số tiền xử phạt trên 200 triệu đồng. Đi đôi với khai thác và nuôi trồng, việc chế biến thủy sản cũng được chính quyền thành phố quan tâm. Hiện trên địa bàn có 8 doanh nghiệp sơ chế, bảo quản thủy sản; 1 doanh nghiệp liên kết với Nhật Bản bước đầu triển khai chế biến các loại tôm, mực xuất khẩu trực tiếp sang Nhật. Ngoài ra, còn có các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, sản xuất truyền thống tại hộ gia đình (nước mắm, các sản phẩm dạng mắm và hải sản khô)... Thành phố đã xây dựng 2 sản phẩm OCOP 3 sao là nước mắm cá trích Bông Sen và chả mực Phước Thịnh; và hiện đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ 5 sản phẩm là nước mắm cá nục, mắm chua, moi khô, sứa và tôm nõn tươi. Các sản phẩm OCOP đã có trang website bán hàng riêng và kết nối với các trang bán hàng toàn quốc, trang thương mại điện tử...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc khai thác và chế biến thủy sản trên địa bàn TP Sầm Sơn cũng đang đối diện với nhiều khó khăn khách quan, chủ quan. Trong đó, lao động tham gia khai thác thủy sản thường không ổn định, thiếu lao động đi khai thác xa bờ. Tình trạng sử dụng ngư cụ kết hợp xung kích điện trái quy định, tàu cá hoạt động khai thác sai vùng quy định trong giấy phép khai thác còn diễn ra ở nhiều nơi trên vùng biển. Cảng cá Lạch Hới đang xuống cấp chưa phát huy được năng lực bốc xếp, dịch vụ hậu cần và hiệu quả của cảng... Trong khi đó, ngư trường khai thác thủy sản dần bị hạn hẹp; giá xăng dầu tăng cao trong khi giá sản phẩm khai thác không tăng dẫn đến hiệu quả khai thác thấp. Các tàu cá trên 15m hoạt động không hiệu quả phải dừng hoạt động hoặc bán tàu trả nợ, dẫn đến số lượng tàu cá từ 15m trở lên giảm mạnh...
Để “gỡ khó” tình trạng trên, TP Sầm Sơn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân, cán bộ quản lý và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thủy sản nắm được các thông tin đầy đủ về cảnh báo thẻ vàng của EC và khuyến nghị về chống khai thác IUU. Đồng thời, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh để sớm đầu tư, cải tạo Cảng cá Lạch Hới, khơi thông luồng lạch, nạo vét âu tránh trú bão. Vận động, kêu gọi giảm tàu thuyền, chuyển đổi nghề phù hợp với tình hình ngư trường khai thác dần bị thu hẹp và nguồn lợi thủy sản suy giảm; chấm dứt nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển. Phát triển sản phẩm thủy sản gắn với du lịch như các sản phẩm OCOP, sản phẩm truyền thống phục vụ du lịch, sản phẩm trải nghiệm hoạt động thủy sản gắn với du lịch...
Bài và ảnh: Trường Giang
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/thuc-day-linh-vuc-thuy-san-tro-thanh-mot-tro-luc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-231607.htm