Bộ phận một cửa xã Đạ R'sal, huyện Đam Rông thực hiện tiếp nhận và xử lý hồ sơ cho người dân diễn ra thuận tiện, nhanh chóng
• 100% XÃ HOÀN THÀNH XÂY DỰNG NTM
Lâm Đồng là tỉnh có phần lớn người dân sống ở nông thôn, trừ TP Đà Lạt, xuất phát điểm để bước vào xây dựng NTM của các địa phương còn lại đều có rất nhiều hạn chế về nguồn lực trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, cùng với sự đồng thuận và ý chí vươn lên mạnh mẽ của người dân - chủ thể xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở nhiều địa phương đã có sự thay đổi và chuyển mình mạnh mẽ, đời sống của người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao.
Đặc biệt, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung vào công tác lãnh đạo và chỉ đạo quyết liệt để thực hiện có hiệu quả chương trình. Các cấp lãnh đạo đã chủ động phối hợp hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý và quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM. Đặc biệt, tỉnh chú trọng việc ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định rõ ràng và cụ thể các tiêu chí để đảm bảo việc thực hiện chương trình một cách hiệu quả và đúng tiến độ.
Ngoài ra, trên cơ sở Quyết định số 211/QĐ-TTg, ngày 01/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM các cấp giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các Quyết định số 879/QĐ-UBND ngày 21/5/2024 sửa đổi, bổ sung quy định Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM các cấp giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 1432/QĐ-UBND, ngày 9/9/2024 của UBND sửa đổi tiêu chí quy định thôn thông minh, các loại hình xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025, nhằm triển khai một số tiêu chí, chỉ tiêu của Trung ương đã sửa đổi và phân cấp cho các tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện chương trình.
Đến nay, bộ máy điều phối Chương trình NTM các cấp tại Lâm Đồng tiếp tục được kiện toàn phù hợp với đặc thù của tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố đã xác định rõ trách nhiệm được giao, từ đó chủ động trong công tác điều hành và phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện. Cụ thể, về cấp huyện, đến nay 10/10 huyện, thành phố đã thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia; đối với cấp xã có 106 xã thuộc các huyện, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo cấp xã và ban quản lý xã; cấp thôn có 100% số thôn thành lập ban phát triển thôn.
Qua đó, đến hết năm 2024, toàn tỉnh Lâm Đồng có 111/111 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100% Nghị quyết số 81/NQ-HĐND ngày 08/7/2022 của HĐND tỉnh giao; có 41 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 87,23%); có 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 94,11%); có 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM gồm Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà, TP Đà Lạt và Bảo Lộc đạt 58,33% Nghị quyết số 81/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Sau khi hoàn thành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã (tháng 12/2024) toàn tỉnh có 106/106 xã đạt chuẩn NTM (đạt 100%); có 37/106 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 36,79 %); có 14/106 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (chiếm 13,20 %); có 5/10 huyện, thành phố đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM gồm: Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, TP Đà Lạt và Bảo Lộc.
Trong năm 2025, các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đối với các xã vừa đạt chuẩn; đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Cụ thể, tiếp tục, xây dựng hoàn thiện các tiêu chí để công nhận ít nhất 8 xã NTM nâng cao, đến hết năm 2025 có 45 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 42,4% tổng số xã); tiếp tục, xây dựng hoàn thiện các tiêu chí để công nhận ít nhất 2 xã NTM kiểu mẫu, đến hết 2025 có 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (chiếm 15,09% tổng số xã).
Đồng thời, đối với huyện Di Linh hoàn thiện hồ sơ trình lên cấp trên để được công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2024; các huyện Đạ Huoai, Bảo Lâm, Lạc Dương và Đam Rông đạt chuẩn huyện NTM năm 2025. Riêng các huyện Đơn Dương đạt chuẩn NTM nâng cao và kiểu mẫu năm 2025; huyện Lâm Hà đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2025.
Đường nông thôn xanh, sạch, đẹp tại xã Nam Ninh, huyện Đạ Huoai
• ĐI ĐẦU VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ, NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH
Không chỉ hoàn thành việc xây dựng NTM tại các xã, Lâm Đồng còn đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá là một trong những địa phương đi đầu của khu vực Tây Nguyên và cả nước về chuyển đổi số, tăng tốc ứng dụng nông nghiệp thông minh.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những ưu tiên hàng đầu của Lâm Đồng. Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã góp phần nâng cao cuộc sống của người dân, đưa nền nông nghiệp của tỉnh phát triển thêm một bước mới, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng NTM.
Trong xây dựng NTM, tỉnh Lâm Đồng xác định nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng NTM là một trong những chương trình trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính nhờ nỗ lực này đã đưa Lâm Đồng trở thành lá cờ đầu của khu vực Tây Nguyên trong xây dựng NTM.
Trong năm 2024, giá trị sản xuất ngành trồng trọt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã tăng 5,7% so với năm 2023. Diện tích sản xuất kém hiệu quả toàn tỉnh còn khoảng 21.721 ha. Trong khi đó, toàn tỉnh hiện có diện tích nông nghiệp công nghệ cao đạt 69.637 ha, nông nghiệp thông minh 730 ha. Địa bàn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất được mở rộng, từ khu vực Đà Lạt và các vùng phụ cận trên các đối tượng cây trồng mới như: rau, hoa, cà phê, chè, cây ăn quả…
Đặc biệt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó, giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu trong khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện, 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 về thông tin và truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM.
Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% các huyện có các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số. Bên cạnh đó, có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (chuyển đổi số, du lịch nông thôn, môi trường, văn hóa...) trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về NTM thông minh giai đoạn 2026 - 2030.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số trong xây dựng NTM; xây dựng chính quyền số trong xây dựng NTM; thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; phát triển xã hội số trong xây dựng NTM...
HOÀNG SA