Lại bùng nổ trào lưu chữa bệnh 'không tưởng'

Lại bùng nổ trào lưu chữa bệnh 'không tưởng'
7 giờ trướcBài gốc
Bệnh nhân nhập viện vì xuất huyết dạ dày. Ảnh: BV Bãi Cháy.
Hiện nay, trên Facebook, Tiktok đang diễn ra trào lưu về việc uống nước cốt chanh liều cao (từ 300 - 350ml), để có thể chữa bách bệnh, từ thải độc, dễ ngủ cho đến bệnh hiểm nghèo.
Một tài khoản trên TikTok chia sẻ: “Không ăn sáng vẫn khỏe nhưng ăn sáng bằng chanh còn khỏe hơn”. Theo đó, người này thường xuyên uống 300 - 400ml nước cốt chanh (6 - 7 trái chanh) mỗi sáng khi bụng đói và không ăn gì cho tới bữa trưa. Lý do được người này đưa ra là chanh chứa axít nhẹ, khi đi vào cơ thể sẽ kết hợp muối khoáng biến thành kiềm giúp cơ thể khỏe mạnh.
Không dừng lại ở tác dụng dễ ngủ, tốt cho sức khỏe, tại nhóm “Chanh liều cao”, tác dụng của nước cốt chanh được nâng lên một tầm cao mới.
Nhiều bài đăng trong nhóm có tên “Chanh liều cao” cho biết, nhờ uống chanh liều cao mà khỏi “suy thận độ 2 trong vòng 14 ngày” hoặc “chữa viêm phụ khoa”, “nhỏ chanh chữa đau mắt”, “chữa đau dạ dày”...
Chưa hết, trên mạng xã hội hiện xuất hiện nhiều bài đăng hướng dẫn dùng nước cốt chanh nguyên chất nhỏ trực tiếp vào mắt, mũi, tai với mục đích chữa các bệnh viêm mũi dị ứng, viêm tai, ho, viêm mắt.
Các nội dung này thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận, trong đó nhiều người bày tỏ đã thử làm theo, tin rằng đây là phương pháp “tự nhiên, an toàn, không cần thuốc tây”.
Một số người dùng thậm chí khẳng định chỉ cần 1 - 2 ngày nhỏ nước chanh là “hết các bệnh liên quan đến tai, mũi, họng”. Thậm chí, có người còn khuyên dùng cách này cho trẻ nhỏ, bất chấp những nguy cơ tiềm ẩn nghiêm trọng đối với sức khỏe. Một tài khoản khẳng định: “Mắt con mình nổi mụn lẹo, sau 3 ngày nhỏ nước cốt chanh đã khỏi hẳn. Vợ mình cũng xót con nhưng mình đã trải nghiệm và tin tưởng”.
Những câu chuyện thành công trong việc sử dụng nước cốt chanh liên tục được chia sẻ dù không ai kiểm chứng đã tạo ra niềm tin mạnh mẽ với một bộ phận và lôi kéo người khác làm theo. Nguy hiểm hơn, không ít người đã thể hiện sự hoài nghi hoặc thiếu tin tưởng vào các phương pháp điều trị y tế hiện đại và tìm kiếm những giải pháp thay thế trên mạng. Họ cho rằng, chữa bệnh bằng phương pháp “thuận tự nhiên” là an toàn nhất, bất chấp việc đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học uy tín nào chứng minh việc uống nước cốt chanh có khả năng chữa bệnh. Những người tin và làm theo dường như quên đi một thực tế rằng phần lớn chỉ là những lời đồn thổi, truyền miệng không có cơ sở.
Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, không chỉ giàu vitamin C, chanh còn chứa nhiều hợp chất thực vật có khả năng chống oxy hóa, góp phần bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do - nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Thành phần axit chủ yếu trong chanh là axit citric, một loại axit hữu cơ có vị chua đặc trưng, còn được biết đến dưới các tên gọi như axit chanh, axit tricarboxylic. Với tính ứng dụng cao, axit citric không chỉ phổ biến trong đời sống hằng ngày mà còn là thành phần thường gặp trong dược phẩm như viên uống, siro, viên nhai… giúp bảo quản và ổn định các hoạt chất trong thuốc.
Tuy vậy, theo TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nếu uống quá nhiều nước chanh mỗi ngày, uống lúc đói hay uống nước cốt chanh mà không pha loãng với nước lọc đều có thể gây bất lợi cho sức khỏe. “Chanh vốn có tính chua và chứa nhiều axit citric, nước chanh có thể ăn mòn niêm mạc dạ dày hoặc làm trầm trọng thêm các vết loét đã có sẵn, kích thích dịch vị dạ dày, gây khó chịu và làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, axit citric trong nước cốt chanh còn làm mòn men răng, khiến răng ê buốt, dễ sâu răng, yếu răng… nhất là khi sử dụng thường xuyên. Khi uống quá nhiều nước cốt chanh trong 1 ngày, kể cả ở người khỏe mạnh cũng rất nguy hiểm, có thể gây nguy hại cho cơ thể”.
Còn theo BS Trần Hải Long - Chuyên khoa Y học cổ truyền (Học viện Y Dược cổ truyền): “Chanh có vị chua, tính mát, tác dụng sinh tân chỉ khát, tiêu thực, lợi tiểu. Nếu dùng đúng, chanh giúp hỗ trợ tiêu hóa, giải khát rất tốt. Nhưng cũng theo Y học cổ truyền, vị chua nhập can, tính mát dễ tổn thương tỳ vị nếu dùng nhiều và không hợp thời điểm, nhất là vào sáng sớm, khi tỳ vị còn yếu, chưa khởi động được chức năng chuyển hóa – nếu nạp vào một thứ vừa chua, vừa lạnh, lại có tính thu liễm mạnh như chanh, thì chẳng khác nào bắt cơ thể làm việc quá sức. Lâu ngày sinh đầy trướng, tiêu chảy, ăn không tiêu, hàn thấp tích tụ, khí huyết uất trệ. Y học cổ truyền gọi là “tỳ hư sinh thấp, vị bất hòa sinh bệnh”.
Chuyên gia cũng cho biết, đã từng tiếp nhận không ít trường hợp người dân bị viêm dạ dày, đau âm ỉ, trào ngược, thậm chí là rối loạn tiêu hóa chỉ vì duy trì thói quen uống chanh lúc bụng rỗng.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên uống nước chanh pha loãng. Cụ thể, để làm giảm tính axit của chanh, nên pha loãng nước cốt chanh với nước lọc (ưu tiên nước ấm) với tỷ lệ tham khảo: khoảng 1/2 quả chanh hòa tan với 500 ml nước lọc, có thể thêm ít đường. Tốt hơn hết, người bệnh không nên uống quá 1,5 lít nước chanh pha loãng trong ngày.
Nên uống nước chanh vào giữa bữa ăn thay vì khi đói. Đồng thời, nên chia nhỏ lượng dùng ở mỗi lần uống để hạn chế tác động của axit đối với dạ dày.
Dương Toàn
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/lai-bung-no-trao-luu-chua-benh-khong-tuong-10304791.html