Đây là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa quy hoạch mạng lưới cao tốc từ Dầu Giây đến Liên Khương đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua, mở ra kỳ vọng phát triển đột phá cho khu vực Tây Nguyên.
Theo quyết định số 669/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký ban hành, tuyến cao tốc có điểm đầu tại phường Lộc Phát (TP. Bảo Lộc), trùng với điểm cuối của cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và kết thúc tại xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng), nơi giao với cao tốc Liên Khương - Prenn. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 73,62 km.
Trong giai đoạn đầu, tuyến đường sẽ được xây dựng với 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc khai thác tối đa 80 km/h. Định kỳ mỗi 4 - 5km sẽ có một điểm dừng khẩn cấp. Khi hoàn chỉnh, tuyến cao tốc sẽ đạt quy mô nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 100km/h, đảm bảo hai làn dừng khẩn cấp, nâng cao năng lực khai thác và an toàn giao thông.
Mặt cắt ngang tuyến sẽ được mở rộng đạt chuẩn tại các vị trí đặc thù như nút giao liên thông, khu vực đắp cao, đoạn đào sâu trên 18m. Đây là bước chuẩn bị kỹ lưỡng để sẵn sàng chuyển tiếp sang giai đoạn hoàn chỉnh trong tương lai.
Hướng tuyến chạy song song bên trái Quốc lộ 20, cách trung bình 2 - 5 km, đi qua các địa phương: TP. Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, Di Linh và Đức Trọng. Tại khu vực sân bay Liên Khương, tuyến cao tốc sẽ vòng qua phía Bắc để kết nối với cao tốc Liên Khương - Đèo Prenn.
Dự án còn quy hoạch hai trạm dừng nghỉ tại xã Lộc An (huyện Bảo Lâm), mỗi bên khoảng 5ha, tổng diện tích 10ha, sẽ được giải phóng mặt bằng đồng thời với tuyến cao tốc.
Tổng mức đầu tư dự án là 17.718 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 7.761 tỷ đồng (tương đương 43,8%), phần còn lại do nhà đầu tư huy động. UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến triển khai vào năm 2025. Nhà đầu tư trúng thầu sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi theo khung pháp lý hiện hành.
Không chỉ là một tuyến đường giao thông, cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương còn mang trong mình kỳ vọng lớn: hoàn chỉnh trục cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, rút ngắn thời gian kết nối giữa Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời mở rộng khả năng liên kết vùng với các trung tâm kinh tế, công nghiệp dọc Quốc lộ 20.
Dự án được kỳ vọng sẽ giảm tải cho Quốc lộ 20, tuyến đường vốn đang trong tình trạng quá tải, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết. Song song đó, nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy vận chuyển hàng hóa, phát triển du lịch và thu hút đầu tư, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh cho khu vực Tây Nguyên nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng.
NH