Lâm Đồng tăng tốc đầu tư phát triển

Lâm Đồng tăng tốc đầu tư phát triển
6 giờ trướcBài gốc
Đoạn nút giao Trần Phú - Ba Tháng Hai - Trần Lê (Đà Lạt) vừa được thảm nhựa thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Hoàng Văn Thụ dài 1,2 km
Năm 2025, tổng kế hoạch đầu tư công đã giao trên địa bàn tỉnh là 7.173,422 tỷ đồng; đến nay, đã phân bổ 7.170,42 tỷ đồng, đạt 99,96% kế hoạch vốn. Tính đến ngày 31/3/2025, tổng số vốn giải ngân 431 tỷ đồng/7.173,422 tỷ đồng, đạt 6% kế hoạch (giảm 0,9% so với cùng kỳ); trong đó: Nguồn ngân sách địa phương: số vốn giải ngân 310 tỷ đồng/5.258,21 tỷ đồng, đạt 5,9% kế hoạch; nguồn ngân sách Trung ương: số vốn giải ngân 121 tỷ đồng/1.915,212 tỷ đồng, đạt 6,3% kế hoạch.
Đánh giá theo kịch bản tăng trưởng, ông Tôn Thiện San - Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Quý I/2025 cần đạt khoảng 15% (tương đương số vốn giải ngân 1.076 tỷ đồng); tuy nhiên, theo tình hình thực tế, ước số vốn giải ngân đạt khoảng 6% kế hoạch vốn, thấp hơn mục tiêu đề ra khoảng 9%. Một số nguyên nhân được chỉ ra là: Đối với 2 Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương (tổng kế hoạch vốn 3.359,684 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 46,8% kế hoạch) chưa giải ngân do đang phối hợp với nhà đầu tư chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi; Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng (vay vốn ODA của Nhật Bản): kế hoạch vốn 48,7 tỷ đồng, đã giải ngân 1,288 tỷ đồng, đạt 2,6% kế hoạch; chủ dự án đang phối hợp với đơn vị tư vấn quốc tế lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, phối hợp với các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng…
Tính đến ngày 7/4, tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2025 chỉ đạt 7,6%. Hầu hết các sở, ngành, cơ quan, đơn vị chủ đầu tư cấp tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân của tỉnh (chỉ đạt 2,3%), trong đó: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Lộc Sơn - Phú Hội, Công an tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng, Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Xây dựng, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các đơn vị quản lý rừng, hai dự án cao tốc chưa giải ngân; có 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, gồm: Lạc Dương 5,4%; Đà Lạt 12,4%; Đơn Dương 12,5%...
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; tình hình triển khai một số dự án công trình trọng điểm cũng chậm so với tiến độ, kế hoạch đề ra; tiến độ kiểm tra, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 203 dự án vốn ngoài ngân sách cũng chậm, chưa đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh… Thêm vào đó, từ đầu năm đến nay, nhiều dự án đang triển khai thi công, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chưa thực hiện nghiệm thu để giải ngân vốn; trong đó, có khoảng 22 dự án có số vốn trên 20 tỷ đồng (tổng kế hoạch vốn 1.818 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 25,3%) có tỷ lệ giải ngân còn thấp; có 128 dự án chuẩn bị đầu tư với tổng số vốn 175 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,4%, chưa giải ngân do phần lớn các chủ đầu tư đang lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, trình thẩm định; một số dự án thiếu nguyên vật liệu, đất đắp chưa được tháo gỡ…
Tại Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái yêu cầu: Phải đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành; tập trung xử lý, tháo gỡ những “điểm nghẽn”, “rào cản”, giải quyết dứt điểm những yếu kém, ách tắc liên quan đến quy hoạch, đầu tư, đất đai để huy động, khơi thông mọi nguồn lực tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao và chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao hiệu quả các dự án sử dụng vốn đầu tư công. Đặc biệt, quyết tâm, huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai 2 Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Tập trung gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là các dự án, công trình trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia…
Đến nay, đã có 5 dự án hoàn thành thủ tục và triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng (2 dự án đang tiếp tục triển khai thi công là Hồ chứa nước Đông Thanh và Hồ chứa nước Kazam); 1 dự án đã hoàn thành một số hạng mục đầu tư và đang trong quá trình rà soát các nội dung thực hiện, hoàn thiện thủ tục để tiếp tục triển khai (Đề án Xây dựng TP Đà Lạt trở thành thành phố thông minh); 1 dự án (Hồ chứa nước Ta Hoét) còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; 1 dự án (Khu du lịch hồ Đại Ninh) đang phục vụ công tác điều tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, Dự án Quốc lộ 28B đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và đã khởi công trong năm 2024…
Nhằm tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án vào cuộc sống, phát huy hiệu quả các công trình..., tỉnh đã thành lập 7 đoàn liên ngành kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; 3 tổ công tác nhằm kiểm tra, đôn đốc các địa phương về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và tháo gỡ khó khăn vướng mắc trên địa bàn đang tích cực hoạt động… Sở Xây dựng thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch đối với dự án đầu tư tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh…, phát hiện và giải quyết nhiều vấn đề ảnh hưởng và làm cản trở quá trình triển khai các dự án… nhằm hướng đến mục tiêu sớm đưa các công trình đầu tư công vào phục vụ và phục vụ hiệu quả.
LÊ HOA
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/kinh-te/202504/lam-dong-tang-toc-dau-tu-phat-trien-6d038ce/