Làm gì sau khi Mỹ hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày?

Làm gì sau khi Mỹ hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày?
7 ngày trướcBài gốc
Bối cảnh mới, tâm thế mới
"Ngoài dự kiến" là cụm từ được nhiều doanh nhân, nhà đầu tư, chuyên gia dùng để mô tả những sự việc đã diễn ra trong 10 ngày qua. Từ tâm lý có phần hoang mang khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng ở mức 46% với hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ ngày 2-4, tới phấn khởi khi thông báo hoãn áp thuế đối ứng với các nước trong 90 ngày được người đứng đầu Nhà Trắng đăng tải trên mạng xã hội Truth Social ngày 10-4.
Phía sau kỷ lục ngành nông nghiệp là sự thay đổi cách thức sản xuất - kinh doanh theo hướng bài bản hơn. Ảnh: Trung Chánh
“Tôi nhận được các cuộc gọi của đối tác từ Mỹ lúc 3h sáng, thông báo việc hoãn thuế đối ứng trong vòng 90 ngày, giúp hàng hóa được xuất khẩu bình thường. Hy vọng, sau 90 ngày, sẽ có những thỏa thuận hợp lý và có lợi cho hai bên", ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T, cho biết.
Hiện các đơn hàng của Vina T&T đã được nối lại và thực hiện theo đúng hợp đồng thỏa thuận từ trước, thay vì phải đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu để tránh thuế, hoặc giảm số lượng đơn hàng để thăm dò phản ứng của thị trường.
Tuy nhiên, ông Tùng cũng đang tích cực tìm kiếm, mở rộng các thị trường xuất khẩu khác như Trung Quốc, Nhật, Hàn, Canada, các nước Trung Đông với dòng sản phẩm Halal cho người Hồi giáo.
Bổ sung, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội khóa XV, đánh giá việc tạm hoãn áp thuế đối ứng giúp doanh nghiệp có thời gian vàng để chuẩn bị và điều chỉnh chiến lược.
“Doanh nghiệp hiểu rõ nguy cơ về phòng vệ thương mại chưa chấm dứt, nên tiếp tục mong chờ sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng, củng cố nội lực để sẵn sàng ứng phó khi rủi ro tiếp diễn", ông Cường nói tại hội thảo khoa học quốc gia về kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025, diễn ra ngày 10-4.
Cũng theo ông Cường, việc hoãn áp thuế đối ứng giúp doanh nghiệp sẽ không bị xáo trộn kế hoạch kinh doanh ngay lập tức. Nhưng "tạm hoãn" không đồng nghĩa với "bãi bỏ hoàn toàn", nên rủi ro vẫn còn đó.
Hơn nữa, nhà đầu tư, nhà phân phối và người tiêu dùng đều phải chia sẻ một phần chi phí trong mức thuế đối ứng 10%, dẫn tới nhu cầu tiêu dùng giảm, đơn hàng giảm, kéo theo hoạt động sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng.
“Các quốc gia, gồm Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ để giảm thuế đối ứng nhưng xác suất Mỹ giảm thuế về 0% rất thấp. Vì vậy, cần tính toán phương án tái cấu trúc kinh tế, doanh nghiệp, các khoản đầu tư và tìm kiếm thị trường mới”, ông Cường nói.
Trong thông cáo phát đi ngày 10-4, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cũng cho rằng, sự trì hoãn này là "cơ hội tạo dư địa cho hai Chính phủ tiếp tục đàm phán và xây dựng một khuôn khổ thương mại bền vững, đáp ứng lợi ích song phương".
"Đây cũng là bước đi cần thiết nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam có thời gian chuẩn bị, thích ứng với mức thuế mới dự kiến", AmCham nhìn nhận.
Theo Hiệp hội này, đây là khoảng đệm cho phép doanh nghiệp hai nước điều chỉnh chuỗi cung ứng, xây dựng một lộ trình thương mại công bằng, cân bằng và dài hạn hơn.
Hiện Việt Nam và Mỹ đã thống nhất khởi động đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng, gồm nội dung về thuế. Các cấp kỹ thuật của hai bên sẽ trao đổi ngay về thỏa thuận này. Nhưng để đàm phán thành công, cần chuẩn bị đầy đủ các thông tin và lường trước tình huống có thể xảy ra.
Trong nguy có cơ: Đã đến lúc thay đổi mô hình tăng trưởng
Bên cạnh hoạt động đàm phán các cấp với phía Mỹ, các chuyên gia cho rằng sự kiện lần này là dịp để các doanh nghiệp và nhà quản lý Việt Nam nhìn lại, từ đó thay đổi mô hình tăng trưởng.
Muốn giảm con số thuế 46% chúng ta phải giúp Mỹ giảm thâm hụt thương mại - bởi đó là mục đích sau cùng của sắc thuế đối ứng. Ảnh: T.L
GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh một trong những nguyên tắc, giải pháp cần tuân thủ trong quan hệ thương mại với Mỹ là minh bạch xuất xứ. Theo đó, nguyên liệu có thể không do một quốc gia sản xuất từ đầu đến cuối, nhưng phần giá trị gia tăng phải được tạo ra nhiều ở Việt Nam.
"Đây là căn cứ để Mỹ xem xét đánh thuế", ông nói, và cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần nâng năng lực sản xuất, tự chủ ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tăng minh bạch trong thể chế, giảm thiểu "chi phí không chính thức", song song với tăng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi các lĩnh vực như hải quan, thuế...
"Tăng cường minh bạch sẽ khắc phục hạn chế, giúp Việt Nam có lợi thế tốt hơn trên bàn đàm phán", ông nói.
Thực tế, trong vòng hơn một tuần qua, Chính phủ liên tục có động thái nhằm giảm thiểu tác động từ thuế này. Tuần trước, Tổng bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Trump. Ông cho biết sẵn sàng trao đổi với Mỹ để đưa thuế nhập khẩu về 0% với hàng nhập từ Mỹ và đề nghị nước này áp dụng mức tương tự với hàng nhập từ Việt Nam.
Liên quan các giải pháp thương mại, Việt Nam dự kiến mua thêm các sản phẩm Mỹ có thế mạnh, trong nước có nhu cầu, kể cả mặt hàng liên quan an ninh, quốc phòng. Nhà điều hành cũng thúc đẩy giao hàng sớm với các hợp đồng thương mại máy bay.
Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế thế giới đối mặt với nhiều bất định, GS. TS Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng Việt Nam cần chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo hướng thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, hoàn thiện pháp luật theo hướng giảm can thiệp hành chính, tăng hiệu quả thực thi... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong dài hạn.
Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu lại chuỗi sản xuất theo hướng nâng giá trị gia tăng, chủ động thu hút các dòng vốn FDI chất lượng cao, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng thời, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào một số thị trường lớn cũng là một chiến lược quan trọng với Việt Nam giai đoạn này.
Trong ngắn hạn, ông Hoàng Văn Cường cho rằng kích cầu tiêu dùng nội địa qua các chính sách hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp và người dân, như giảm thuế giá trị gia tăng. Nhưng cần kéo dài thời gian giảm thuế đến năm 2026.
Ngoài ra, sớm nâng mức giảm trừ gia cảnh tại Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Với một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuế đối ứng như dệt may, nông sản, thủy sản… cần phải tính đến việc giãn, hoãn cho doanh nghiệp một số nghĩa vụ đóng góp về thuế, phí. Qua đó, tạo môi trường hài hòa hơn cho các doanh nghiệp phục hồi có nguồn lực để sản xuất - kinh doanh.
Vân Phong
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/lam-gi-sau-khi-my-hoan-ap-thue-doi-ung-90-ngay/