Làm sao để Nghị quyết 68 không chỉ là kỳ vọng?

Làm sao để Nghị quyết 68 không chỉ là kỳ vọng?
3 ngày trướcBài gốc
Những việc cần làm ngay
Nghị quyết 68 đang được nhiều chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp rất mong chờ, song điều TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lo ngại là trước đó vẫn có tình trạng "nghị quyết rất hay nhưng khâu tổ chức thực hiện yếu".
Kỳ vọng của toàn xã hội và cộng đồng doanh nghiệp vào thành công của chương trình là rất lớn.
Chính vì vậy, ông Dũng cho rằng, vấn đề được quan tâm nhất là làm thế nào để nghị quyết được triển khai, tổ chức thực hiện ngay để nhanh chóng đi vào cuộc sống. Việc thể chế hóa cần diễn ra nhanh nhất có thể nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.
Theo vị chuyên gia này, điều đáng mừng là nghị quyết lần này có nhiều nội dung rất cụ thể, thiết thực và có thể làm được ngay. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang rất quyết liệt, Quốc hội cũng thể hiện rõ quyết tâm triển khai các biện pháp cải cách.
Cả Chính phủ và Quốc hội đều đang thể hiện quyết tâm chưa từng thấy. Nếu sớm được đưa vào thực tiễn, chắc chắn sẽ tạo ra những tác động rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc thể chế hóa nghị quyết cần rất nhanh, khẩn trương và mạnh mẽ, không thể kéo dài thời gian. Tinh thần xây dựng Nghị quyết 68 cần được tiếp tục và phát huy trong tinh thần thể chế hóa nghị quyết của Quốc hội.
Để nghị quyết được triển khai ngay, theo ông Hiếu, về phương pháp tiến hành, có thể chia thành ba nhóm công việc, trong đó cần xác định rõ ưu tiên nhóm nào, mức độ nào.
Thực tế vẫn có tình trạng "nghị quyết rất hay nhưng tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu".
TS. Nguyễn Sĩ Dũng
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Nhóm thứ nhất, phải sửa đổi hoặc bãi bỏ một số luật lệ, quy định. Tuy nhiên bước này không thể thực hiện ngay mà có thể cần thêm thời gian, dự kiến khoảng bảy tháng.
Nhóm thứ hai, tiếp tục sửa đổi, bãi bỏ các quy định. "Chúng ta không thể chậm trễ thêm nữa", ông nói và cho rằng, những nội dung chưa đáp ứng yêu cầu của nghị quyết hoặc chưa được cập nhật trong các dự thảo luật, thì cần được bổ sung ngay sau khi nghị quyết ban hành. Hiện Chính phủ đang trình 30 dự thảo luật lên Quốc hội trong kỳ họp lần này.
Nhóm thứ ba, với những quy định pháp luật mà hiện chưa trình ra Quốc hội, bây giờ mới bắt đầu triển khai. Trường hợp này có thể áp dụng một nghị quyết của Quốc hội mang tính quy phạm để tổ chức triển khai thực hiện, dự kiến sẽ trình tại kỳ họp thứ 9.
Điều quan trọng là phạm vi nghị quyết cần mở rộng để tích hợp tối đa các nhóm giải pháp, vấn đề, gia tăng hiệu suất và tính thực thi của các nghị quyết do Bộ Chính trị đề ra.
Chỉ trừ những vấn đề cần thêm thời gian nghiên cứu, chỉnh sửa từng phần, còn lại, phải ưu tiên đưa đầy đủ các nội dung trong dự thảo nghị quyết để Quốc hội bàn thảo, xem xét.
"Tinh thần là phải tối đa hóa những nội dung của Nghị quyết 68. Vì đối với doanh nghiệp, người dân, họ không nhất thiết hiểu chi tiết như các đại biểu Quốc hội về quy trình vận hành của hệ thống pháp luật. Họ chỉ quan tâm Nghị quyết 68 đã nêu rõ, vậy tại sao việc thể chế hóa lại chậm chạp, chưa đi vào cuộc sống", ông Hiếu bày tỏ.
Do đó, việc thể chế hóa nghị quyết lần này phải thật rõ ràng, cụ thể. Ngoài các nội dung về giảm thuế môn bài, miễn thuế, hay những ưu đãi rõ ràng khác, nghị quyết này nhất thiết phải bao hàm các điểm như loại bỏ ít nhất 30% các quy định về thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ.
Để thực hiện tinh thần nghị quyết, cần bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, qua đó sẽ giảm thiểu ngay các "giấy phép con", đây là việc cần triển khai ngay.
Đề xuất một ủy ban cải cách thể chế độc lập
Theo kinh nghiệm của ông Hiếu, khi cả nước đang có tinh thần mạnh mẽ, khẩn trương, quyết liệt thì càng cần tận dụng được tinh thần này để thực hiện nghị quyết càng sớm càng tốt. Phạm vi thể chế hóa nghị quyết cần càng rộng thì càng tốt.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có những việc không thể thực hiện được trên nền tảng tư duy thông thường, mà phải cần một nền tảng tư duy rất đổi mới, cả về cách làm nghị quyết.
Ông Hiếu mong muốn cách thực thi nghị quyết lần này phải trên tinh thần rất đổi mới cả về tư duy, hành động và phát huy tinh thần quyết liệt, đến cùng.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 68 không thực hiện một lần, đây là một nghị quyết thực hiện lâu dài. Do đó, việc ban hành các văn bản cần tránh việc giống như cải cách thủ tục hành chính, một thời gian sau, một số thủ tục bãi bỏ lại quay trở lại, bãi bỏ ở ngành này có thể lại quay trở lại ở ngành khác.
Chính vì vậy, về lâu dài, ông Hiếu kiến nghị Chính phủ nên có một cơ quan chuyên môn độc lập, nâng cấp hơn nhóm tư vấn chính sách hiện nay. Kinh nghiệm của nhiều nước gọi cơ quan này là cơ quan cải cách thể chế, trực thuộc Thủ tướng hoặc Chính phủ.
Họ được trao thẩm quyền trình, đề xuất pháp luật. Cơ quan này sẽ giúp tăng thêm một lớp sàng lọc chất lượng của quy định pháp luật, khác với trước đây, các cơ quan tư vấn chính sách chỉ có thẩm quyền kiến nghị.
Như ở Hàn Quốc, bất kể đề xuất nào trước khi đưa vào quy trình pháp luật chính thức để Bộ Tư pháp thẩm tra, đều phải trình cơ quan này. Nếu cơ quan này không đồng ý do dự thảo không đảm bảo chất lượng, thì phải soạn thảo lại.
Cơ quan này sẽ đóng vai trò độc lập, khách quan, thay vì giao cho các bộ, ngành tự thực hiện.
Đồng quan điểm, ông Dũng cũng cho rằng, việc thành lập một ủy ban cải cách thể chế độc lập là một ý tưởng rất đáng suy nghĩ. Thực tế, ở các nước khác, Quốc hội thường có ba vòng đọc luật, vòng đầu tiên là xem xét có cần luật đó hay không.
"Nhiều đề xuất của bộ, ngành bị bác ngay từ vòng đầu nếu không chứng minh được tính cần thiết về quyền tự do kinh doanh hay sáng tạo. Trong khi đó, Quốc hội ta thường cho qua khá dễ dàng. Có lẽ, quy trình này cũng cần điều chỉnh", ông Dũng nhận định.
Nếu làm được điều này, theo ông Dũng, các quyết sách mới sẽ mở ra một giai đoạn mới, đầy tiềm năng cho đất nước. Nghị quyết lần này đã chỉ rõ các động lực, công cụ và giải pháp để đưa đất nước phát triển bứt phá.
"Đất nước đang thực sự bước vào một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, dân tộc Việt Nam sẽ vươn mình như Thánh Gióng trong tương lai", vị chuyên gia này tin tưởng.
An Chi
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/lam-sao-de-nghi-quyet-68-khong-chi-la-ky-vong-d40101.html