Lâm Thượng rộn ràng vào vụ măng mai

Lâm Thượng rộn ràng vào vụ măng mai
8 giờ trướcBài gốc
Chúng tôi tìm về Lâm Thượng vào những ngày giữa tháng 7, thời điểm chính vụ của mùa măng. Dọc theo những con đường bê tông uốn lượn quanh sườn đồi, hình ảnh quen thuộc nhất là những người nông dân gùi trên lưng những bó măng tươi rói, nặng trĩu.
Từ các thôn như Nặm Chắn, Khéo Lẹng cho đến những vùng đất mới sáp nhập, đâu đâu cũng vang lên tiếng cười nói, tiếng dao gọt măng loạt xoạt, và mùi thơm đặc trưng của măng tươi luộc lan tỏa trong không gian.
Người dân Lâm Thượng thu hoạch măng mai
Cái nắng oi ả của mùa hè dường như không thể làm chậm lại nhịp độ lao động khẩn trương nơi đây. Mọi người đều tranh thủ từng giờ nắng quý giá. Người khỏe mạnh thì lên đồi thu hái, người già và trẻ em ở nhà phụ giúp gọt vỏ, thái mỏng. Sân nhà nào cũng được tận dụng tối đa để phơi những mẻ măng khô, chuẩn bị cho một mùa cung ứng ra thị trường. Đó là một bức tranh lao động đầy hăng say, phản ánh niềm vui và hy vọng về một mùa vụ bội thu.
Mỗi kg măng mai tươi có giá từ 5000 - 6000 đồng
Để hiểu rõ hơn về hiệu quả của loại cây này, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Hoàng Văn Ghi ở thôn Khéo Lẹng.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm gắn bó, ông Ghi coi 2 hecta măng mai của mình là “của để dành” quý giá nhất.
Ông phấn khởi chia sẻ: “Cây măng này dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chỉ cần phát quang cỏ dại là cây tự vươn lên. Từ năm thứ ba trở đi là bắt đầu cho thu hoạch đều. Với giá bán măng tươi ổn định khoảng 5.500 – 6.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi hecta cũng mang về cho gia đình tôi vài chục triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống và nuôi con cái ăn học”.
Măng mai Lâm Thượng được thu mua tại các điểm đầu mối
Cách đó không xa, gia đình ông Hoàng Văn Ức tại thôn Tông Pắng cũng đang tất bật với mùa vụ. Ông Ức cho biết, cây măng mai thực sự là cây “xóa đói giảm nghèo” của bà con.
Ông Ức nhẩm tính: “So với trồng sắn, trồng ngô, cây măng cho thu nhập cao và ổn định hơn nhiều. Một hecta măng khi đã ổn định có thể cho sản lượng tới 25 – 30 tấn mỗi năm. Với mức thu nhập bình quân từ 60 đến 90 triệu đồng mỗi hecta, nhiều gia đình trong xã không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu”.
Trước đây, cây măng mai chủ yếu phát triển mạnh ở xã Lâm Thượng cũ. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập thêm ba xã là Mai Sơn, Khánh Thiện và Tân Phượng, tổng diện tích măng mai trên toàn địa bàn xã Lâm Thượng mới hiện nay là 497 hecta. Trong đó, xã Lâm Thượng cũ đóng góp 350 ha, xã Mai Sơn cũ 67 ha, xã Khánh Thiện cũ 35 ha, và xã Tân Phượng cũ 45 ha. Con số này cho thấy tiềm năng to lớn và vai trò trụ cột của cây măng trong cơ cấu kinh tế của toàn xã.
Người dân thôn Khéo Lẹng phơi măng khô
Theo các cán bộ nông nghiệp, kỹ thuật trồng măng mai không quá phức tạp. Bà con thường trồng với mật độ từ 400 – 500 bụi/ha. Chỉ sau 3 năm, cây bắt đầu cho năng suất ổn định. Những năm đầu, năng suất bình quân đạt khoảng 15 - 20 tấn/ha. Từ những năm tiếp theo, khi các bụi măng đã trưởng thành, sản lượng có thể đạt tới 25 – 30 tấn/ha mỗi năm.
Với tổng diện tích gần 500 ha, ước tính mỗi năm toàn xã Lâm Thượng có thể cung cấp cho thị trường trên 12.000 tấn măng tươi, mang lại nguồn thu khổng lồ cho người dân địa phương.
Bên cạnh việc bán măng tươi, người dân Lâm Thượng còn tập trung vào việc chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Măng khô là một ví dụ điển hình. Quá trình làm ra măng khô đòi hỏi sự tỉ mỉ và công sức. Măng tươi sau khi thu hái sẽ được luộc chín, thái lát mỏng và đem phơi dưới nắng gắt từ 3 đến 5 ngày. Công sức bỏ ra được đền đáp xứng đáng khi giá bán măng khô cao hơn gấp nhiều lần, dao động từ 150.000 – 180.000 đồng/kg.
Mỗi kg măng mai sau khi phơi khô có giá từ 150.000 – 180.000 đồng
Đặc biệt, thương hiệu "Măng mai Lâm Thượng" đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2020. Đây là một bước tiến quan trọng, khẳng định chất lượng và mở ra cơ hội thị trường rộng lớn hơn cho sản phẩm. Sản phẩm OCOP có tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code, giúp người tiêu dùng tin tưởng hơn vào chất lượng và sự an toàn. Ngoài ra, cây tre mai còn mang lại lợi ích kép khi lá có thể bán cho thương lái để xuất khẩu, thân cây được tận dụng làm vật liệu xây dựng và đồ gia dụng.
Lâm Thượng rộn ràng vào vụ măng mai.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Tuấn – Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng, khẳng định: “Cây măng mai là cây thế mạnh không thể thay thế của địa phương. Về cơ bản, nó là cây bản địa, phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện canh tác của bà con. Chính quyền xã sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường và giữ vững thương hiệu OCOP. Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển cây măng mai một cách bền vững, không chỉ để xóa đói giảm nghèo mà còn để làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương”.
Có thể nói, cây măng mai không chỉ là một loại nông sản. Đối với người dân Lâm Thượng, nó là biểu tượng của sự cần cù, là thành quả của những giọt mồ hôi, và quan trọng hơn cả, là niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng và thịnh vượng.
Hùng Cường
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/lam-thuong-ron-rang-vao-vu-mang-mai-post649072.html