Lan tỏa hình ảnh quê hương từ chiếc điện thoại bình dân

Lan tỏa hình ảnh quê hương từ chiếc điện thoại bình dân
một ngày trướcBài gốc
Niềm đam mê đặc biệt với những "địa chỉ đỏ" và công trình kiến trúc cổ đến với Minh một cách tình cờ vào mùa hè năm lớp 10. Khi lật giở những cuốn sách lịch sử Nam Bộ từ tủ sách của cha, Minh nhận ra vùng đất này có những câu chuyện hấp dẫn nhưng khi tìm kiếm trên mạng, em lại thấy hình ảnh về những địa danh này chưa thực sự phong phú. Từ đó, Minh ấp ủ dự định tự đi đến những nơi này, ghi lại thước ảnh chân thực nhất để lan tỏa rộng rãi hơn.
Đặng Hoàng Minh
Mùa hè năm lớp 10, Minh bắt đầu chuyến đi đầu tiên đến Di tích Nhà Trăm Cột (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước). Từ đó, em tiếp tục lên đường, khám phá nhiều vùng đất mới mà không ngại khó khăn. Đến nay, Minh đã đặt chân đến gần 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có 13/13 tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.
"Là học sinh, ưu tiên cho việc học nên em chỉ có thể tranh thủ cơ hội vào cuối tuần, ngày lễ hoặc dịp hè để khám phá các di tích. Cha mẹ em không ngăn cấm mà chỉ nhắc nhở cẩn thận khi di chuyển. Mục tiêu của em trong dịp hè năm lớp 11 này sẽ khám phá thêm một số tỉnh, nâng con số các tỉnh, thành phố được khám phá lên 30” - Minh nói.
Bảo tàng Long An
Điều đặc biệt là tất cả các bộ ảnh của Minh đều được chụp bằng một chiếc điện thoại có giá chỉ gần 6 triệu đồng. Minh không sử dụng máy ảnh chuyên nghiệp nhưng nhờ tự học hỏi về bố cục hình ảnh và chỉnh sửa hình ảnh trên phần mềm, em vẫn có thể tạo ra những bức ảnh ấn tượng.
Các tác phẩm của em sau đó được đăng tải trên nền tảng Google Maps, Pinterest hay mạng xã hội Facebook, TikTok và YouTube để lan tỏa đến cộng đồng. Chỉ riêng trên Google Maps, chưa đầy 1 năm nhưng những nội dung Minh đóng góp đã thu hút hơn 352.000 lượt xem.
Chuyến đi gần nhất của Minh là đến một ngôi nhà cổ gần 100 năm tuổi tại xã Phước Lợi, huyện Bến Lức. Minh chia sẻ: “Ngôi nhà đang dần bị lãng quên theo thời gian. Dòng chữ trên vòm cửa chánh ghi năm 1930, nghĩa là đến nay đã 95 tuổi. Người trông coi ngôi nhà nói chưa có lần trùng tu nào đáng kể, do con cháu chủ nhà cũ đã đi nơi khác sinh sống. Trên các phương tiện truyền thông cũng không có nhiều thông tin về ngôi nhà này”.
Được biết, bộ ảnh về ngôi nhà này đã thu hút sự quan tâm lớn trên mạng xã hội.
Nhà cổ Huỳnh Công Ngữ (xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) đang dần bị lãng quên. Nhờ bộ ảnh của Hoàng Minh, nhiều người đã biết đến nơi này
Không chỉ ghi lại vẻ đẹp quê hương, Minh còn mong muốn giúp mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ hiểu hơn về lịch sử. Minh cho biết: “Em cảm thấy rất vui khi đọc được những bình luận khen ảnh đẹp, có người còn hỏi đường đến địa điểm em chụp. Đó chính là động lực giúp em tiếp tục”.
Tuy nhiên, khi gặp phải những bình luận tiêu cực về lịch sử hoặc nhạy cảm chính trị, Minh thường bỏ qua hoặc xóa đi vì em hiểu rằng mình vẫn còn trẻ, nhận thức chính trị chưa đủ để bàn luận về những vấn đề này.
Ước mơ của Minh là theo đuổi ngành thiết kế đồ họa, em mong muốn sau này có thể kết hợp công nghệ với niềm đam mê hiện tại để tiếp tục lan tỏa hình ảnh lịch sử đến nhiều người hơn. Tinh thần cống hiến và tình yêu dành cho các giá trị văn hóa, lịch sử chính là động lực giúp em không ngừng khám phá và chia sẻ.
Nhà Long Hiệp, huyện Bến Lức
Từ cậu học sinh THPT với một chiếc điện thoại bình dân, Minh đã chứng minh rằng chỉ cần đam mê, nỗ lực và tình yêu quê hương, đất nước cũng như tinh thần cống hiến thì mỗi người đều có thể góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng bằng nhiều cách khác nhau./.
Khánh Duy
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/lan-toa-hinh-anh-que-huong-tu-chiec-dien-thoai-binh-dan-a192758.html