Du khách tham quan nhà sàn truyền thống đồng bào Mường tại làng Mường ở xã Trà My
Thời gian qua, địa phương đã triển khai thực hiện các nội dung của Dự án, với nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực tại những làng du lịch cộng đồng của địa phương, trong đó có làng Mường (thuộc xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam trước thời điểm sáp nhập), tạo thêm các sản phẩm du lịch hấp dẫn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống thiết thực của địa phương.
Tháng 3.2023, làng Mường được công nhận là điểm du lịch của tỉnh Quảng Nam. Thời gian qua, với sự hỗ trợ Dự án 6, công tác đầu tư, hỗ trợ, xúc tiến, quảng bá du lịch tại làng Mường đã và đang được triển khai thực hiện và mang lại nhiều thành tựu rõ nét góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mường tại vùng núi Quảng Nam.
Thông qua các hoạt động truyền dạy, lễ hội, các điệu múa cồng chiêng và các đặc trưng văn hóa của người Mường đã và đang được bảo tồn và phát huy. Bên cạnh đó, địa phương cũng phối hợp với Sở VHTTDL Quảng Nam (trước đây) tổ chức lớp bồi dưỡng hướng dẫn viên tại điểm cho gần 20 học viên địa phương. Mở lớp tập huấn nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cộng đồng; tập huấn, truyền dạy nghề đan lát cho người dân. Tổ chức các tour khảo sát các địa điểm du lịch tiềm năng tại làng Mường.
Làng Mường đang dần trở thành điểm đến thu hút các du khách đến tham quan, thưởng cảnh, trải nghiệm cuộc sống của bà con. Một số hộ dân đã và đang triển khai hiệu quả một số mô hình sinh thái, dịch vụ lưu trú đón tiếp khách đến thăm.
Tuy nhiên, sự phát triển du lịch hiện vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chưa theo định hướng chung về sự phát triển bền vững nên vẫn còn tình trạng vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, việc hợp tác, liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ giữa các hộ gia đình trong làng chưa có sự gắn kết cao, nên chưa tạo giá trị lớn cho cộng đồng.
Các món ẩm thực của người Mường
Từ những thành tựu đã đạt được, UBND huyện Bắc Trà My (trước đây) đã phê duyệt dự án về phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại làng Mường đến năm 2025, hứa hẹn sẽ có thêm nhiều khởi sắc cho ngôi làng này.
Dự án hướng đến các mục tiêu phát triển du lịch bền vững trên cơ sở khơi dậy, phát huy những tiềm năng sẵn có như hệ sinh thái tự nhiên; các giá trị văn hóa truyền thống, sự gắn kết, chung sức của cộng đồng địa phương đi kèm với công tác phục hồi và bảo vệ rừng đa loài.
Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng người Mường tại xã Trà My. Phấn đấu xây dựng, phát triển hoạt động du lịch cộng đồng tại làng Mường một cách hiệu quả, mang lại sinh kế, lợi ích lâu dài, bền vững cho nhân dân trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tài nguyên thiên nhiên, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và đưa xã Trà Giang sớm trở thành xã nông thôn mới.
Bên cạnh đó có thể liên kết không gian phát triển du lịch tại làng Mường với các điểm đến tiềm năng khác trên địa bàn, kết nối với những điểm đến tiềm năng trong trong tour khám phá các điểm đến vùng tây nam Quảng Nam (nay là TP Đà Nẵng).
Đến với làng Mường, du khách sẽ được tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống của bà con
Trong 4 mục tiêu dự án đặt ra, đặt biệt nhấn mạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại làng Mường. Định hướng và xây dựng điểm du lịch văn hóa, sinh thái làng Mường gắn với các điểm đến khác tại Trà My.
Theo đó các nội dung sẽ thực hiện trong thời gian tới là: Tổ chức các hội thảo cộng đồng về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tại làng Mường, các lớp truyền dạy các loại hình văn nghệ dân gian, xây dựng phương án phục dựng lại các làng nghề truyền thống, phạm vi, quy mô, cách thức kết nối các sản phẩm vào hoạt động phục vụ du lịch. Tái hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, lễ hội đặc trưng của người Mường như: Múa cồng chiêng, trò chơi dân gian, tết Độc lập… để phục vụ khách du lịch.
THU HOÀI