Lãnh đạo tỉnh, xã phải là…'người giữ lửa đoàn kết'

Lãnh đạo tỉnh, xã phải là…'người giữ lửa đoàn kết'
20 giờ trướcBài gốc
Ngày 1/7, toàn quốc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp tại 34 tỉnh, thành phố với 3321 đơn vị hành chính cấp xã. Nhiều người dân khi đến làm thủ tục tại trung tâm phục vụ hành chính công các phường, xã, đặc khu tỏ ra rất hài lòng.
Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Tứ Minh, TP Hải Phòng.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, việc “sắp xếp lại giang sơn” để hình thành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp là một bước đi mang tầm vóc lịch sử, thể hiện rõ khát vọng đổi mới, kiến tạo và phát triển của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Cuộc cách mạng thể chế đầy bản lĩnh
“Sắp xếp lại giang sơn” còn 34 tỉnh thành với 3321 đơn vị hành chính cấp xã, vận hành chính quyền địa phương hai cấp được đánh giá là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đại biểu nhìn nhận thế nào?
Việc “sắp xếp lại giang sơn” để hình thành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp, theo tôi, là một bước đi mang tầm vóc lịch sử, thể hiện rõ khát vọng đổi mới, kiến tạo và phát triển của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Đây là cuộc cách mạng thể chế đầy bản lĩnh – khi chúng ta không chỉ thu gọn bộ máy mà còn tổ chức lại không gian phát triển bền vững, đặt người dân vào trung tâm của mọi cải cách.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định rất rõ trong bài viết “Sức mạnh của đoàn kết” rằng: “Mô hình này không chỉ cắt bỏ cấp trung gian không cần thiết, mà điều quan trọng hơn là tổ chức lại không gian cho phát triển bền vững, để chính quyền gần dân, sát dân, vì dân, phục vụ nhân dân được tốt hơn; Trung ương cũng phân định rõ thẩm quyền và trao quyền chủ động nhiều hơn cho chính quyền địa phương để mỗi nơi năng động, sáng tạo, phát triển phù hợp thực tiễn”.
Như vậy, không chỉ là việc “gộp tỉnh”, “bỏ cấp”, mà là tái thiết mô hình quản trị đất nước một cách khoa học, phù hợp với yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.
Tôi cho rằng, ý nghĩa lớn nhất của cuộc cải cách này nằm ở hai chữ: “vì dân”. Mọi tinh giản chỉ có giá trị khi làm cho đời sống người dân tốt hơn, dịch vụ công nhanh hơn, cơ hội phát triển rộng mở hơn. Chính vì vậy, việc tổ chức lại bộ máy là điều kiện cần, nhưng tư duy phục vụ và hành động tận tâm của cán bộ là điều kiện đủ. Nếu không có một tinh thần đổi mới đồng bộ từ tư duy đến hành động, thì dù có tinh gọn đến đâu, bộ máy cũng khó đạt hiệu lực, hiệu quả như mong muốn.
Hơn bao giờ hết, như Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đoàn kết trong toàn hệ thống chính trị chính là chìa khóa thành công của cải cách này”“chưa bao giờ yêu cầu ‘trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt’ lại quan trọng như lúc này”. Điều đó đặt ra trách nhiệm rất lớn cho mỗi cán bộ, mỗi địa phương và mỗi người dân – phải đồng lòng, gắn kết, hy sinh cái riêng để phụng sự cho cái chung, cùng nhau đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ. Đó không chỉ là ý nghĩa chiến lược, mà là lời hiệu triệu của lịch sử gửi đến thế hệ hôm nay.
Cơ hội để nhiều địa phương “vươn mình”
Nhiều địa phương sau sắp xếp có cơ hội “vươn mình” mạnh mẽ, đại biểu có thể nêu rõ hơn về các cơ hội này cũng như các thách thức cần vượt qua?
Theo tôi, cuộc sắp xếp đơn vị hành chính lần này không chỉ là sự thay đổi về địa giới hay bộ máy, mà là một cơ hội quý báu để nhiều địa phương “vươn mình” mạnh mẽ, bứt phá khỏi những rào cản cũ và khai thác hiệu quả hơn tiềm năng vốn có. Khi các tỉnh được hợp nhất, không gian phát triển mở rộng, quy mô dân số – kinh tế – xã hội được nâng lên, từ đó tạo sức hút lớn hơn với nhà đầu tư, tạo động lực mới cho hạ tầng, logistics, dịch vụ, du lịch và chuyển đổi số.
Trước đây, có những địa phương bị giới hạn bởi địa bàn hẹp, dân số ít, nguồn lực phân tán. Nay với quy mô mới, các địa phương có thể xây dựng những chiến lược phát triển tích hợp, liên kết vùng hiệu quả hơn. Ví dụ, du lịch – một lĩnh vực giàu tiềm năng – sẽ không còn bị bó hẹp trong ranh giới hành chính nhỏ lẻ, mà có thể phát triển theo các tuyến, chuỗi, cụm điểm đến, gắn với văn hóa, di sản, nông nghiệp, sinh thái... Điều đó cho phép chúng ta xây dựng các sản phẩm đẳng cấp hơn, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao hơn.
Tuy nhiên, song hành với cơ hội là rất nhiều thách thức. Đó là sự khác biệt về trình độ phát triển, về phong tục tập quán, về văn hóa quản trị giữa các đơn vị hành chính sáp nhập. Là tâm lý so bì giữa “tỉnh cũ – tỉnh mới”, giữa nơi có trụ sở – nơi không có trụ sở. Là cảm giác mất mát tên gọi quê hương, biểu tượng tâm linh, niềm tự hào địa phương… Những thách thức đó không thể xem nhẹ.
Chính vì vậy, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã cảnh báo: “Nếu không có những chính sách rõ ràng và hợp lý dành cho số cán bộ bị ảnh hưởng do quá trình tổ chức lại hệ thống, rất dễ phát sinh tâm lý tiêu cực, trạng thái ‘bằng mặt không bằng lòng’, gây mất đoàn kết nội bộ”. Đồng thời, “tâm lý cục bộ địa phương cũng là một vấn đề đáng lưu ý”, bởi nếu không hài hòa về lợi ích, không công tâm trong bố trí cán bộ, phân bổ ngân sách, sẽ rất dễ xảy ra “điểm nghẽn vô hình” trong vận hành bộ máy.
Do đó, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là phải đặt người dân vào trung tâm của tiến trình chuyển đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của họ, làm rõ lợi ích của sự thay đổi, đồng thời duy trì được tính kế thừa, ổn định trong tâm thức cộng đồng. Cần khẩn trương xây dựng chiến lược truyền thông phù hợp, thúc đẩy đối thoại chính sách, giải thích rõ ràng – minh bạch – nhân văn trong từng bước chuyển đổi.
Như vậy, “cơ hội vươn mình” sẽ không tự đến nếu ta không hành động quyết liệt, không quản trị chuyển đổi một cách khéo léo, hiệu quả. Sự nghiệp phát triển chưa bao giờ chờ đợi – và cũng chưa bao giờ cho không – mà đòi hỏi sự dấn thân, đoàn kết, và cả hy sinh vì lợi ích lâu dài của dân tộc. Chính sự thống nhất ý chí và hành động – từ lãnh đạo đến người dân – mới là nền móng để các địa phương sau sáp nhập không chỉ đứng vững, mà còn bay xa.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn
Lãnh đạo cấp tỉnh, xã - “người giữ lửa đoàn kết”
Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Sức mạnh của đoàn kết” (ngày 29/6/2025) nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là tấm gương về giữ gìn đoàn kết nội bộ, luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân". Đại biểu có nhận định thế nào về lãnh đạo tỉnh, thành và xã phường, những “người giữ lửa đoàn kết”?
Câu nói của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Sức mạnh của đoàn kết”“Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là tấm gương về giữ gìn đoàn kết nội bộ, luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân” – là lời nhắc nhở sâu sắc và kịp thời đối với toàn bộ đội ngũ cán bộ trong bối cảnh chúng ta đang bước vào một giai đoạn chuyển đổi lớn, nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thử thách.
Bởi lẽ, sau sáp nhập, bộ máy không chỉ thay đổi về hình thức tổ chức mà còn là sự tái thiết toàn diện về tư duy, cách làm, hệ giá trị và văn hóa hành chính. Những người được tin tưởng chỉ định, giữ vai trò lãnh đạo ở cấp tỉnh, cấp xã mới không đơn thuần là “người điều hành”, mà trước hết phải là “người giữ lửa đoàn kết”, là “trung tâm gắn kết” của một chỉnh thể đang dần định hình lại.
Họ phải biết “gác lại cái tôi”, vượt qua sự so đo thường thấy trong giai đoạn chuyển giao, để ưu tiên việc hòa hợp tập thể, tạo dựng niềm tin trong đội ngũ, trong cộng đồng dân cư, nhất là ở những nơi mà lịch sử, bản sắc, niềm tự hào địa phương vốn đậm đặc và sâu nặng. Họ phải làm việc với tinh thần “vì dân mà hành động”, không để mình trở thành điểm nóng của dư luận, càng không để nhóm lợi ích, tâm lý cục bộ, bè phái vùng miền chi phối các quyết định quan trọng.
Tổng Bí thư đã nói rất rõ: “Việc sắp xếp, bố trí cán bộ sau sáp nhập phải được tiến hành một cách công khai, minh bạch, bảo đảm công bằng, đúng tiêu chí, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện bè phái, ‘lợi ích nhóm’, hay tư tưởng cục bộ vùng miền”. Điều đó đòi hỏi người đứng đầu phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tầm nhìn chiến lược, nhưng cũng cần đủ sự thấu cảm và bao dung để kết nối các bên, hóa giải xung đột, giữ vững niềm tin và sự ổn định.
Bên cạnh đó, cần xây dựng một cơ chế giám sát dân chủ, minh bạch và công bằng. Sự giám sát ấy không chỉ đến từ các cơ quan quyền lực nhà nước như Quốc hội, HĐND, mà còn từ Mặt trận Tổ quốc, báo chí, các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là từ chính người dân. Khi quyền lực được kiểm soát hiệu quả, công khai và minh bạch, thì niềm tin vào bộ máy sẽ được củng cố, tinh thần phụng sự vì lợi ích chung sẽ được nhân lên.
Tôi tin rằng, nếu người cán bộ hôm nay biết noi gương như Bác Hồ từng căn dặn – “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” – và thấm nhuần lời Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh về “tinh thần đoàn kết, đặt lợi ích chung lên trên hết”, thì dù bộ máy có thay đổi đến đâu, người dân vẫn cảm thấy được yêu thương, được quan tâm, được phục vụ đúng nghĩa. Đó chính là thước đo cao nhất cho thành công của công cuộc cải cách hiện nay.
Xin cảm ơn Đại biểu Bùi Hoài Sơn!
Hải Ninh thực hiện
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/lanh-dao-tinh-xa-phai-languoi-giu-lua-doan-ket-post1551945.html