Các cựu chiến binh Đào Bá Lượng, Trần Văn Khương, Lê Văn Thành cùng các phóng viên Báo và phát thanh, truyền hình Đồng Nai viếng mộ tập thể 36 liệt sĩ Trung đoàn 5, Sư đoàn Bộ binh 5, Trung đoàn 95, Sư đoàn 27, Quân khu 7, hy sinh trong trận đánh đồn Hoàng Diệu, ngày 17 và 18-5-1969. Ảnh: Quang Minh
Một ngày cuối tháng 7-2025, các cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Khương (57 tuổi), nguyên Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai; Lê Văn Thành (65 tuổi), nguyên Trưởng ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch Hội CCB phường Long Khánh; Đào Bá Lượng (73 tuổi) nguyên Đội trưởng Đội Biệt động thị xã Long Khánh tới thắp nhang tại khu mộ tập thể 36 liệt sĩ (tại Nghĩa trang Long Khánh) hy sinh trong trận đánh căn cứ Hoàng Diệu, ngày 17 và 18-5-1969. Cả ba CCB đều tham gia quá trình tìm kiếm, cất bốc hài cốt các liệt sĩ và có nhiều thông tin về trận đánh lịch sử này.
Trận đánh lịch sử
Theo CCB Lê Văn Thành, năm 1969, Thường vụ Trung ương Cục chỉ đạo mở đợt tiến công hè, trọng điểm là miền Ðông Nam Bộ, hướng chủ yếu thuộc Long Khánh, nhằm đẩy mạnh diệt sinh lực địch, đánh phá giao thông, phương tiện chiến tranh của chúng.
Căn cứ Hoàng Diệu (nay thuộc phường Long Khánh), một cứ điểm quan trọng án ngữ trục giao thông huyết mạch từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Trung, do lính Mỹ chiếm đóng, bảo vệ. Thực hiện kế hoạch tiêu diệt căn cứ Hoàng Diệu, khoảng 22 giờ ngày 17 đến rạng sáng 18-5-1969, lực lượng của ta gồm Trung đoàn 5, Sư đoàn Bộ binh 5, Trung đoàn 95, Sư đoàn 27, Quân khu 7 cùng lực lượng vũ trang địa phương đã tổ chức tập kích vào căn cứ Hoàng Diệu.
Ban đầu ta chủ động tấn công, làm chủ thế trận, tiêu diệt nhiều tên địch. Tuy nhiên, sau đó địch tăng cường máy bay bắn phá ác liệt, dội pháo sáng, ném bom dữ dội, liên tục, qua đó gây cho ta tổn thất lớn. Trong trận đánh này, nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh.
Thời điểm đó, CCB Đào Bá Lượng thuộc lực lượng an ninh địa phương trực tiếp dẫn bộ đội ta tiếp cận căn cứ Hoàng Diệu. Ông Lượng kể: “Bản thân tôi quen thuộc địa bàn, nắm rõ từng đường đi tới đồn. Do vậy, tôi được đề nghị dẫn cán bộ đi trinh sát. Ngày đầu, tôi dẫn 2 tổ trinh sát đi theo 2 hướng chính dẫn tới 2 lô cốt lớn. Ngày thứ 2, tôi dẫn lực lượng đi trinh sát theo hướng từ nhà dân ra để chặn đánh cửa chính. Theo kế hoạch, bộ đội đặc công vào trước, bộ binh đánh vào sau. Tuy nhiên, do địch phản công quá mạnh. Chúng dùng nhiều máy bay, pháo sáng, bắn phá càn quét từ đêm 17 đến 5 giờ 30 phút sáng 18-5”.
Mặc dù quân ta đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, song do tương quan lực lượng không cân sức, ta đành phải rút lui. Mũi tấn công do ông Lượng dẫn đường đi 18 người, nhưng trở ra chỉ còn 11 người. Trong khi mũi tấn công bên phía hướng chính diện bị thiệt hại nhiều hơn.
Dù ta vừa rút quân vừa mang xác đồng đội về, nhưng địch dùng máy bay liên tục bay lượn kiểm soát và bắn phá ngăn cản, khiến xác 36 chiến sĩ của ta phải nằm lại trận địa. Sáng 18-5-1969, địch tiến hành gom xác các chiến sĩ của ta đưa lên xe cơ giới, chúng đào một hố lớn ở gần khu căn cứ rồi chôn tập thể.
Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo 515 tỉnh (Ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ), từ năm 2001 đến ngày 20-7-2025, Đội K72, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã quy tập được 3.069 mộ liệt sĩ ở Campuchia, trong đó có 253 mộ liệt sĩ có tên và địa chỉ; Quy tập mộ liệt sĩ trong nước theo Quyết định 1237/QĐ-TTg, ngày 27-7-2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay các đơn vị chuyên trách và lâm thời thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tìm kiếm, quy tập được 523 mộ liệt sĩ, trong đó 15 mộ liệt sĩ có tên, địa chỉ và 9 mộ tập thể.
Hành trình hơn 8 ngàn ngày tìm kiếm hài cốt liệt sĩ
Trận đánh căn cứ Hoàng Diệu năm 1969 thể hiện sự chủ động tấn công và khả năng phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng cách mạng của ta. Tuy nhiên, sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ tham gia trong trận đánh để lại niềm xót thương vô hạn.
Thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, từ năm 1992 đến năm 2013, các cơ quan chức năng đã tổ chức 9 đợt tìm kiếm hài cốt cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh tại đây, trong đó có sự tham gia của các CCB Trần Văn Khương, Đào Bá Lượng, Lê Văn Thành.
Ông Khương cho biết: “Nếu tính tổng thời gian tìm kiếm là hơn 8 ngàn ngày. Qua nghiên cứu các tài liệu, tổng hợp thông tin từ các nhân chứng, nhất là những thước phim của một phóng viên người Mỹ chụp lại khu vực căn cứ Hoàng Diệu, sau 5 ngày diễn ra trận đánh. Đồng thời kết hợp những thông tin, hình ảnh, tư liệu khác, cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục tìm kiếm thêm 2 đợt nữa, qua đó đã xác định được vị trí chôn tập thể 36 liệt sĩ tại khu vực nghĩa địa cách căn cứ Hoàng Diệu khoảng 200m.
Ðội quy tập đã tìm thấy hài cốt, vải dù, dép cao su cùng nhiều vật dụng liên quan. Qua đối chiếu thông tin, cơ quan chức năng xác định chính xác hài cốt 36 chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh căn cứ Hoàng Diệu, đêm 17 rạng sáng 18-5-1969.
Ngày 12-10-2014, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai đã long trọng tổ chức lễ truy điệu và an táng 36 hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Long Khánh.
Các cựu chiến binh Đào Bá Lượng, Trần Văn Khương, Lê Văn Thành bên bia ghi danh các liệt sĩ Trung đoàn 5, Sư đoàn Bộ binh 5, Trung đoàn 95, Sư đoàn 27, Quân khu 7 hy sinh trong trận đánh đồn Hoàng Diệu ngày 17 và 18-5-1969. Ảnh: Quang Minh
CCB Đào Bá Lượng cho biết: “Bản thân tôi là người trực tiếp chứng kiến trận đánh lịch sử ấy. Do vậy, tôi luôn luôn trăn trở và phối hợp với các đơn vị để tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ. Từ ngày tìm thấy và an táng hài cốt các liệt sĩ tại nghĩa trang này, hàng năm, dịp 27-7, tôi luôn tới thắp nhang, tưởng nhớ về những người con ưu tú”.
CCB Trần Văn Khương cho biết: “Các cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi tuổi đời mới chỉ 18, 20. Quê quán của liệt sĩ hầu hết ở các tỉnh miền Tây và các tỉnh phía Bắc. Trên bia tưởng niệm hiện mới có tên, tuổi và địa chỉ của 25 cán bộ, chiến sĩ. Tuy nhiên chúng tôi được biết, mới đây cơ quan chức năng đã xác định đủ tên, tuổi và địa chỉ của 11 cán bộ chiến sĩ còn lại. Sắp tới cơ quan chức năng sẽ bổ sung hoàn chỉnh danh sách trên bia mộ, điều đó khiến chúng tôi rất vui mừng”.
CCB Lê Văn Thành, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chủ tịch Hội CCB phường Long Khánh, tỉnh Đồng Nai nhắn nhủ: “Để có được độc lập, tự do như ngày nay, thế hệ cha anh đã phải đánh đổi bằng máu xương và hy sinh quên mình. Do vậy, lớp lớp con cháu mai sau không được quên quá khứ, phải ra sức học tập cống hiến cho đất nước, giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tri ân các thương, bệnh binh, liệt sĩ và các gia đình có công với nước”.
Quang Minh - Bình Hương - Quỳnh Giang