Một góc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Tiền Giang là một tỉnh nằm ở cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mang vị trí địa-chính trị và địa-kinh tế quan trọng khi là cầu nối giữa miền Đông Nam Bộ và các tỉnh Tây Nam trong khu vực Tây Nam Bộ.
Nơi đây được biết đến với vẻ đẹp trù phú của miền sông nước, những vườn cây ăn trái xanh mướt và truyền thống văn hóa đậm chất Nam Bộ, gắn liền với lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc.
Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Tiền Giang là thành phố Mỹ Tho.
Vị trí địa lý
Tiền Giang là tỉnh đồng bằng nằm ở hạ lưu sông Mekong, thuộc tọa độ địa lý 105°49'07" đến 106°48'06" kinh độ Đông và 10°12'20" đến 10°35'26" vĩ độ Bắc.
Tiền Giang nằm về phía Đông Bắc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cách thành phố Hồ Chí Minh 70km về hướng Nam, phía Đông giáp biển Đông với 32km bờ biển, phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Nam giáp tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Long An, thành phố Hồ Chí Minh.
Tỉnh có diện tích 2.510km2, dân số khoảng hơn 1,8 triệu người.
Tiền Giang giữ vai trò chiến lược trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với nguồn tài nguyên đất đai trù phú, hệ thống sông ngòi chằng chịt và tiềm năng phát triển nông nghiệp, thủy sản.
Nằm ở vị trí cửa ngõ vào Tây Nam Bộ, Tiền Giang là điểm kết nối quan trọng giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây, đồng thời là trung tâm giao thương trên trục đường thủy và đường bộ.
Bản đồ hành chính tỉnh Tiền Giang. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Tiền Giang)
Tiền Giang hiện được chia thành 11 đơn vị hành chính, gồm 2 thành phố (Mỹ Tho, Gò Công), 1 thị xã (Cai Lậy) và 8 huyện (Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, Tân Phước); với tổng cộng 164 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 8 thị trấn, 21 phường và 135 xã.
Lịch sử tỉnh Tiền Giang
Tên gọi Tiền Giang
Theo các tài liệu lịch sử, tên gọi “Tiền Giang” bắt nguồn từ vị trí địa lý đặc biệt của vùng đất này. “Tiền” nghĩa là phía trước, “Giang” là sông, ám chỉ khu vực nằm ở thượng nguồn sông Cửu Long, nơi dòng sông bắt đầu phân nhánh trước khi đổ ra biển.
Trước đây, vùng đất này từng được gọi là “Cửu Long Giang” hay “Sông Tiền,” phản ánh vai trò của con sông lớn trong đời sống và văn hóa người dân nơi đây.
Theo truyền thuyết dân gian, vào thời khai hoang mở đất, người dân từ miền Trung và miền Bắc vào Nam lập nghiệp đã chọn vùng đất trù phú ven sông này làm nơi định cư. Họ gọi nơi đây là “Tiền Giang” để phân biệt với “Hậu Giang” - vùng đất phía hạ lưu xa hơn. Dần dần, cái tên Tiền Giang trở thành biểu tượng của một vùng đất phì nhiêu, nơi con người gắn bó với sông nước và cây trái.
Nhờ đất đai màu mỡ và hệ thống kênh rạch chằng chịt, Tiền Giang từ một vùng hoang sơ đã phát triển thành nơi giao thoa của nhiều cộng đồng dân cư. Người Kinh, người Hoa và người Chăm cùng chung sống, tạo nên bản sắc văn hóa đa dạng.
Khi đơn vị hành chính cấp tỉnh được thành lập, “Tiền Giang” được chọn làm tên gọi chính thức, khẳng định vị thế của vùng đất này trong lịch sử Nam Bộ.
Địa giới Tiền Giang qua các thời kỳ lịch sử
Tỉnh Định Tường thời Nhà Nguyễn
Tỉnh Định Tường được thành lập năm Minh Mạng thứ 13 (1832) và là một trong 6 tỉnh của Nam Kỳ (Nam Kỳ lục tỉnh). Lập thêm huyện Tân Hòa thuộc phủ Kiến An, tách từ đất huyện Kiến Hòa. Năm 1833, tỉnh thành Định Tường (nay là thành phố Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang) thất thủ vào tay Lê Văn Khôi, Nhà Nguyễn phải điều binh đánh dẹp và lấy lại được thành.
Năm Minh Mạng 19 (1838), Lập một phủ mới mang tên Kiến Tường, trích huyện Kiến Đăng thành 2 huyện Kiến Đăng và Kiến Phong cho vào phủ Kiến Tường.
Định Tường trong bản đồ Nam Kỳ Lục tỉnh.
Năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), Thiệu Trị cắt huyện Tân Hòa từ phủ Kiến An, nhập sang tỉnh Gia Định. Thời vua Tự Đức (1847-1862), tỉnh Định Tường gồm 2 phủ với 4 huyện: Kiến Hưng, Kiến Hòa (phủ Kiến An), Kiến Đăng, Kiến Phong (phủ Kiến Tường). Tỉnh thành Định Tường ban đầu là đồn Trấn Định ở thôn Tân Lý Tây giồng Kiên Định huyện Kiến Khang (tức thôn Tân Hiệp huyện Kiến Hưng, đến thời Gia Long thì chuyển đến thôn Mỹ Chánh huyện Kiến Hòa, năm Minh Mạng thứ 7, rời về địa phận 2 thôn Điều Hòa và Bình Biên huyện Kiến Hưng.
Theo thống kê đầy đủ, trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, tỉnh Định Tường có tỉnh lỵ đặt tại Mỹ Tho.
Thời Pháp thuộc
Năm 1859, Pháp xâm chiếm thành Gia Định. Năm 1861, Pháp đánh chiếm Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long. Thời Pháp thuộc (1862-1945), theo Hiệp ước Nhâm Tuất năm 1862, Định Tường cùng với Biên Hòa và Gia Định bị cắt nhượng cho Pháp đô hộ.
Năm 1863, thực dân Pháp đặt viên chức cai trị, song vẫn giữ phân ranh hành chính cũ của tỉnh Định Tường.
Năm 1869, sau 2 năm chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây (gồm Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên), Pháp còn giữ 6 tỉnh nhưng chia cắt lại các phủ huyện lệ thuộc. Như tỉnh Định Tường đổi là tỉnh Mỹ Tho và coi 4 hạt (inspection): Mỹ Tho (huyện Kiến Hưng cũ), Chợ Gạo (huyện Kiến Hòa cũ), Bến Tre (phủ Hoằng Trị trực thuộc tỉnh Vĩnh Long cũ), Cai Lậy (huyện Kiến Đăng cũ). Còn hạt Cần Lố (huyện Kiến Phong cũ) thì lại chuyển sang cho tỉnh Vĩnh Long cai quản.
Từ năm 1872, thực dân Pháp bỏ hẳn cả hệ thống hành chính lục tỉnh và phủ huyện cũ. Nam Kỳ được chia thành 18 hạt và 2 thành phố (Sài Gòn, Chợ Lớn). Địa bàn tỉnh Định Tường chia ra cho 5 hạt: toàn hạt Mỹ Tho (nằm trên 3 huyện Kiến Hưng, Kiến Hòa, Kiến Đăng cũ), một nửa Đồng Tháp Mười cho hạt Tân An (lấy đất tổng Hưng Long của huyện Kiến Hưng cũ), nửa còn lại (huyện Kiến Phong cũ) chia nhau cho 3 hạt Châu Đốc, Long Xuyên và Sa Đéc.
Từ ngày 5/1/1876, các hạt Thanh tra được thay bằng hạt Tham biện. Năm 1876, tỉnh Định Tường chính thức bị Pháp giải thể.
Theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương vào ngày 20 tháng 12 năm 1899 thì kể từ ngày 1/1/1900, đổi tất cả các hạt ở Nam Kỳ thành tỉnh. Địa bàn tỉnh Định Tường cũ chia ra thành 5 tỉnh giống như thời kỳ trước đây: tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Tân An, tỉnh Châu Đốc, tỉnh Long Xuyên và tỉnh Sa Đéc. Tình hình đó kéo dài cho đến năm 1956.
Tỉnh Định Tường thời Việt Nam Cộng hòa
Tỉnh Định Tường được chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập theo Sắc lệnh 143-NV ngày 22/10/1956 của Tổng thống Ngô Đình Diệm để "thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam." Địa giới và địa danh các tỉnh ở miền Nam thay đổi nhiều, một số tỉnh mới được thành lập. Theo Sắc lệnh này, địa phận Việt Nam Cộng Hòa gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này, tỉnh Định Tường được thành lập trên phần đất tỉnh Mỹ Tho (trừ vùng nằm phía nam sông Tiền Giang là quận An Hóa thì đổi tên thành quận Bình Đại và nhập vào tỉnh Kiến Hòa) và tỉnh Gò Công cũ. Tỉnh lỵ tỉnh Định Tường đặt tại Mỹ Tho và vẫn giữ nguyên tên là "Mỹ Tho," về mặt hành chánh thuộc xã Điều Hòa, quận Châu Thành. Định Tường là một trong 22 tỉnh của Nam Phần lúc đó. Tỉnh Định Tường bắc giáp tỉnh Kiến Tường, đông bắc giáp tỉnh Long An, đông giáp tỉnh Gò Công, tây nam và nam giáp hai tỉnh Vĩnh Long và Kiến Hòa, tây giáp tỉnh và Kiến Phong, tây nam giáp tỉnh Sa Đéc khi tỉnh này được tái lập. Ranh giới phía nam của tỉnh Định Tường là sông Tiền Giang (đoạn này còn gọi là sông Mỹ Tho).
Định Tường có diện tích khoảng 1.900km2. Dân số năm 1965 là 514.146 người.
Ngày 24/4/1957, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ấn định các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh. Tỉnh Định Tường có tỉnh lỵ đặt tại Mỹ Tho, bao gồm 7 quận.
Tháng 2/1976, tỉnh Định Tường sáp nhập với tỉnh Gò Công và thị xã Mỹ Tho thành tỉnh Tiền Giang.
Tỉnh Tiền Giang từ năm 1976 đến nay
Ngày 24/2/1976, Chính phủ Việt Nam quyết định hợp nhất tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho để thành lập tỉnh mới có tên là tỉnh Tiền Giang (trừ huyện Bình Đại nằm ở phía nam sông Tiền đã nhập vào tỉnh Bến Tre từ trước).
Tỉnh Tiền Giang gồm thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và 5 huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công.
Tỉnh lỵ là thành phố Mỹ Tho, được trung ương công nhận là đô thị loại 3 thuộc tỉnh Tiền Giang vào năm 1976.
Ngày 7/10/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 248/2005/QĐ-TTg[20] về việc công nhận thành phố Mỹ Tho thuộc tỉnh Tiền Giang là đô thị loại II.
Ngày 5/2/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg[22] về việc công nhận thành phố Mỹ Tho là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Tiền Giang.
Ngày 19/3/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1013/NQ-UBTVQH15[23] về việc sắp xếp, thành lập các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 2024). Theo đó, thành lập thành phố Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị xã Gò Công.
Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định hợp nhất tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp, lấy tên là tỉnh Đồng Tháp, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tiền Giang.
Những điểm chung về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh và thành phố, trải dài từ Long An đến Cà Mau, với diện tích tự nhiên khoảng 40.548km2, chiếm 12,25% diện tích cả nước.
Vùng này nằm ở hạ lưu sông Mekong, phía bắc giáp Campuchia, phía đông và nam giáp biển Đông, phía tây giáp vịnh Thái Lan.
Tiền Giang, nằm ở cửa ngõ phía bắc, là một trong những tỉnh có vai trò kết nối quan trọng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Với đặc điểm đất phù sa ngọt màu mỡ và hệ thống sông ngòi dày đặc, Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất Việt Nam, đồng thời nổi tiếng với các loại cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, xoài./.
(Vietnam+)