Liên kết chăn nuôi - Giảm rủi ro, tăng lợi nhuận

Liên kết chăn nuôi - Giảm rủi ro, tăng lợi nhuận
14 giờ trướcBài gốc
Với tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo, linh hoạt, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm. Qua đó không chỉ giảm thiểu rủi ro, gia tăng lợi nhuận mà còn thay đổi tư duy, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ thành sản xuất có liên kết với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Liên kết trong chăn nuôi gà đẻ giúp gia đình ông Đỗ Văn Chung, xã Hoàng Đan (Tam Dương) thu lãi vài trăm triệu đồng/năm.
Toàn tỉnh hiện có hơn 12 triệu con gia cầm, đứng thứ 12 cả nước về chăn nuôi gia cầm. Tuy nhiên, gần 1 năm qua, giá sản phẩm trứng và thịt gia cầm đều thấp hơn giá thành sản xuất, khiến nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn thua lỗ, thậm chí “phá đàn” để giảm bớt gánh nặng thiệt hại kinh tế.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều hộ chăn nuôi “sống khỏe” và phát triển đàn nhờ liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tiêu biểu như gia đình ông Đỗ Văn Chung, xã Hoàng Đan (Tam Dương), hiện nay nuôi hơn 3.000 gà đẻ, mỗi ngày thu lãi gần 2 triệu đồng.
Ông Chung chia sẻ: "Bắt tay vào chăn nuôi gà đẻ khá sớm, song trước đây, tôi chủ yếu chăn nuôi theo phương thức truyền thống khiến đầu ra bấp bênh theo thị trường, hiệu quả kinh tế chưa cao. Từ năm 2020, gia đình tôi quyết định chuyển hướng chăn nuôi gà chân chì đẻ, đồng thời liên kết tiêu thụ đầu ra với giá trứng duy trì từ 4.000 - 4.500 đồng/quả. Nhờ đó, hơn 1 năm qua, giá trứng trên thị trường lao dốc, thu nhập của gia đình vẫn ổn định, bền vững".
Thực tế, trên địa bàn tỉnh đã và đang có nhiều mô hình liên kết trong chăn nuôi bò sữa, lợn thương phẩm hay thỏ New Zealand… đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới, bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Với sự đầu tư kỹ lưỡng cùng quy trình chăn nuôi bài bản, đặc biệt là liên kết tiêu thụ đầu ra, đến nay, mô hình chăn nuôi thỏ New Zealand theo hướng VietGAP của gia đình anh Nguyễn Mạnh Thắng, xã Yên Dương (Tam Đảo) đã giúp gia đình vượt khó, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê nhà, đồng thời góp phần thay đổi tư duy, thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ thành sản xuất có liên kết với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Chia sẻ về những thành quả đạt được, anh Thắng cho biết: "Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là một trong những yếu tố then chốt giúp phát triển chăn nuôi bền vững và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với diện tích chuồng nuôi khoảng 1.000 m2, hiện nay, gia đình tôi đang duy trì 2.500 con thỏ các loại, mỗi tháng xuất bán gần 1.000 thỏ thương phẩm với giá 75 nghìn đồng/kg và thỏ giống với giá 100 nghìn đồng/kg, thu lãi gần 200 triệu đồng/năm".
Góp phần thúc đẩy chăn nuôi trên địa bàn phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao, những năm qua, ngành Nông nghiệp đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất, chăn nuôi an toàn theo hướng hữu cơ, VietGAP. Đồng thời đẩy mạnh liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, từng bước hình thành vùng chăn nuôi tập trung.
Hiện, toàn tỉnh có hơn 90% hộ chăn nuôi theo hướng trang trại có ứng dụng công nghệ số. Cùng với đó, công tác thú y được quan tâm chỉ đạo, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật được triển khai đúng quy định; thực hiện tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm, phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi và tiêm phòng bổ sung hàng tháng đạt kết quả cao. Nhờ đó, nhận thức của người chăn nuôi thay đổi từ việc phòng bệnh thụ động chuyển sang phòng bệnh chủ động.
Năm 2024, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm lớn trên đàn gia súc, gia cầm, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển. Nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng tiếp tục được đưa vào sản xuất; các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học được áp dụng rộng rãi.
Đến nay, chăn nuôi đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như chăn nuôi bò sữa tại các xã của huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo; chăn nuôi lợn tại các xã của huyện Lập Thạch, Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm chuyên trứng, chuyên thịt tại các xã của huyện Tam Dương, Tam Đảo.
Đặc biệt, các trang trại quy mô lớn đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, hạ giá thành để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đến hết tháng 4/2025, đàn lợn toàn tỉnh tăng 2,62%, đàn gia cầm tăng 1,55% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng năm 2025, tổng sản lượng thịt hơi đạt gần 49 nghìn tấn, tăng 2,11%; trứng gia cầm đạt hơn 288 triệu quả, tăng 3,97% so với cùng kỳ.
Đẩy mạnh liên kết, tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất chăn nuôi trong năm 2025 đạt hơn 2,4% so với cùng kỳ năm 2024, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả, trọng tâm là phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn dịch bệnh, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Bài, ảnh: Hồng Tính
Nguồn Vĩnh Phúc : https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/127957//lien-ket-chan-nuoi---giam-rui-ro-tang-loi-nhuan