Linh thiêng ngôi chùa cổ, nơi Bác Hồ nhắn 'việc Phật không xa rời việc thế gian'

Linh thiêng ngôi chùa cổ, nơi Bác Hồ nhắn 'việc Phật không xa rời việc thế gian'
13 giờ trướcBài gốc
Trên phố Nhà Thờ có một ngôi chùa thuộc diện cổ nhất khu vực phố cổ Hà Nội, đó là chùa Bà Đá.
Không có tam quan như các chùa khác, lối vào chùa Bà Đá (ở số 3 phố Nhà Thờ) chỉ là một ngõ hẹp, nếu không để ý sẽ dễ dàng đi ngang qua.
Chùa Bà Đá nằm ở số 3 phố Nhà Thờ, là một trong những ngôi chùa cổ nhất trong khu vực phố cổ Hà Nội
Huyền tích về chùa Bà Đá
Tương truyền, nơi này trước kia là thôn Tiên Thị (còn có tên là thôn Tự Tháp hay Hương Nghĩa), phường Báo Thiên, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương, phủ Phùng Thiên, kinh đô Thăng Long. Cũng có thông tin trong một tấm bia của chùa ghi “thuộc tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, Hà Nội”.
Trong chùa có nhiều tượng gỗ sơn son thếp vàng, kích thước lớn, mang dáng vẻ cổ kính
Theo những bia bảng, truyền phả và khoa giáo lưu truyền, tên khởi đầu của chùa là Sùng Khánh, được thành lập từ năm Bính Thân (1056), niên hiệu Long Thụy Thái Bình, năm thứ ba đời Lý Thánh Tôn.
Trong khoảng thời gian niên hiệu Hồng Đức (Canh Dần 1470 - 1498 Mậu Ngọ), đời vua Lê Thánh Tôn, chùa chỉ còn là một nơi am tranh.
Chùa còn lưu những tấm bia đá niên hiệu thời Nguyễn, trong đó bia niên hiệu Tự Đức 3 (1850) ghi sự tích và việc trùng tu, sửa chữa
Sau đó, khi khai móng xây chùa, người dân phát hiện 1 pho tượng bằng đá hình dáng phụ nữ, cho rằng Thánh Giáng, liền lập lên thờ. Pho tượng này sau bị thất lạc.
Đến thời kỳ cuối đời Lê Trịnh (Hiển Tôn Trịnh Sâm 1767-1782), khi đào đất xây tường làm lại chùa, bức tường cứ xây lên lại bị đổ. Đào sâu xuống nữa thì lại thấy có pho tượng đá. Dân gian càng truyền tụng rằng tượng linh thiêng.
Từ đấy, chùa có tên là Bà Đá, thập phương kéo đến lễ bái rất đông.
Bộ sưu tập di vật văn hóa của chùa rất đa dạng về chất liệu
Tháng 6 năm Bính Ngọ 1786, quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long, chùa Bà Đá bị cháy, người dân dựng tạm nhà tranh tre để có chỗ lễ Phật.
Năm Quý Sửu 1793, Hòa thượng Khoan Giai từ Sơn môn Hồng Phúc về xây lại chùa, đổi hiệu chùa là Linh Quang Tự.
Chùa Bà Đá nguyên là chốn tổ của thiền phái Lâm Tế, một trong hai thiền phái lớn của Phật giáo miền Bắc Việt Nam. Tới nay, đạo mạch của chùa Bà Đá được cả 2 phái Tào Động và Lâm Tế hoằng truyền.
Người dân, phật tử đến chùa cầu mong sức khỏe và bình an
Ngôi chùa thiêng thu hút phật tử, du khách
Ông Chung (sinh sống ở khu vực gần chùa khoảng 60 năm nay) cho hay từng nghe khá nhiều câu chuyện về sự linh thiêng của chùa Bà Đá.
Thành tâm tụng niệm trong khóa trường hạ sáng 4/7, cô Giang - một phật tử ở đường Hồng Hà (Hà Nội) chia sẻ: “Lâu nay đã nghe rằng chùa Bà Đá là ngôi chùa cổ linh thiêng, những khóa trường hạ, tôi hay đến chùa để cầu mong sức khỏe, bình an. Bản thân tôi luôn tin và sống thiện lương theo lời Phật dạy. Mỗi khi đến chùa tôi đều cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng”.
Bà Dung - phật tử chùa Hưng Long thường đến chùa Bà Đá vào mùa an cư kiết hạ
Từng đi lễ ở nhiều ngôi chùa, bà Dung (66 tuổi, Hà Nội) là phật tử chùa Hưng Long biết đến chùa Bà Đá gần 10 năm nay.
“Tôi nghe nói chùa Bà Đá rất linh thiêng nên thường đến đây vào mùa an cư kiết hạ. Những dịp này, chùa đón đông đảo tăng ni, phật tử”, bà Dung bày tỏ.
Từng đưa nhiều đoàn du khách nước ngoài đến thăm các chùa, đền, đình, anh Nam - một hướng dẫn viên du lịch muốn giúp họ hiểu thêm về văn hóa Phật giáo của Việt Nam.
Anh Nam giới thiệu cho du khách nước ngoài về những nét độc đáo của chùa Bà Đá và văn hóa Phật giáo tại Việt Nam
“Tôi giới thiệu với họ rằng chùa Bà Đá là một ngôi chùa Việt cổ kính. Đến đây, mọi người có thể tìm hiểu về Phật giáo Đại thừa, hay còn gọi là Mahayana. Nhiều khách nước ngoài rất thích chùa Bà Đá vì ngôi chùa rất đẹp”, anh Nam kể.
Nhiều năm nay, chùa Bà Đá nằm trong tuyến tham quan du lịch các di tích lịch sử văn hóa quanh hồ Gươm.
Di tích kiến trúc nghệ thuật từng là cơ sở của cách mạng
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Bà Đá là cơ sở của cách mạng, nơi tăng ni, phật tử tích cực góp phần chống giặc ngoại xâm thông qua các hoạt động như vận động ủng hộ chiến sĩ mùa Đông…
Cách mạng Tháng Tám thành công, chùa vinh dự được đón Hồ Chủ tịch đến thăm và dự lễ cầu siêu cho các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.
Ngày 5/1/1946, Bác Hồ đến thăm chùa Bà Đá lần thứ hai. Lần này, người căn dặn tăng ni, phật tử: “Việc Phật không xa rời việc thế gian, phải tham gia vào các việc cách mạng nhiều hơn nữa”.
Sau ngày giải phóng Thủ đô, chùa được xếp hạng Di tích lịch sử.
Chùa Bà Đá từng là cơ sở của cách mạng trong kháng chiến
Tháng 5/1958, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam được thành lập, chùa Bà Đá trở thành trụ sở Ban liên lạc Phật giáo Hà Nội.
Sau khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (11/1981), chùa trở thành trụ sở Thành hội Phật giáo Hà Nội.
Từ năm 1992, tại chùa Bà Đá khai giảng lớp Trung cấp Phật học Hà Nội khóa đầu tiên.
Hiện nay, chùa Bà Đá là địa điểm của Trường Trung cấp Phật học Hà Nội
Hiện tại, chùa là địa điểm của Trường Trung cấp Phật học Hà Nội.
Ngày 23/5 vừa qua, chùa Bà Đá được UBND TP Hà Nội xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật.
Bình Minh
Lê Anh Dũng
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/linh-thieng-ngoi-chua-co-noi-bac-ho-nhan-viec-phat-khong-xa-roi-viec-the-gian-2418352.html