Lò rèn dạo trên sông nước miền Tây

Lò rèn dạo trên sông nước miền Tây
một ngày trướcBài gốc
Trên những khúc sông ở Cà Mau, thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng rao “Lò rèn Nhân Cần Thơ đây” vang lên, làm sống lại ký ức của bao người xưa, về những lò rèn dạo từng rất thịnh hành trên vùng sông nước miền Tây.
Gần 30 năm qua, ông Nguyễn Thanh Nhân cùng vợ là bà Trần Thị Thúy Phượng vẫn “rày đây mai đó” trôi dạt từ miệt Hậu Giang xuống tới Cà Mau mưu sinh bằng nghề rèn dạo, từ làm dụng cụ, nông cụ, hoặc đơn giản chỉ mài dao kéo theo nhu cầu.
Chiếc ghe bằng sắt (chẹt) là phương tiện mưu sinh cũng là nhà của hai vợ chồng ông Nhân. Vì đi trên sông, nên lò rèn của ông Nguyễn Thanh Nhân phải canh theo con nước.
Lò rèn di động của vợ chồng ông Nhân trên chiếc ghe nhỏ, cũ kỹ, nhưng không thiếu những trang thiết bị phục vụ công việc rèn, như: Lò nung, máy đập, búa, máy khoan, mài… hằng ngày ghe len lỏi khắp nơi trên các sông, kênh rạch ở Cà Mau hành nghề.
Lò rèn của ông Nguyễn Thanh Nhân đi một vòng khoảng 1 - 2 tháng mới trở về chỗ cũ, mỗi năm vợ chồng ông đi rong ruổi khoảng 4 lần. Vì thế, bà con ai cũng tranh thủ đem kéo, búa, dao... ra mài, rèn một lượt.
Ông Nguyễn Thanh Nhân (ngụ ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) chia sẻ: “Làm dao mới thì đập, mài, chui (luyện), nhưng quan trọng nhất là lúc chui trong lửa phải kinh nghiệm lâu năm mới canh chuẩn xác. Nghề này con mắt còn sáng vẫn còn làm được”.
Tùy theo loại dao cũ được mài lại cho sắc bén có giá 30.000 - 60.000 đồng mỗi chiếc, làm dao mới giá từ 120.000 - 500.000 đồng mỗi chiếc.
Nghề rèn ngày nay đã bớt nhọc nhằn hơn xưa nhờ sự hỗ trợ của máy móc, thời gian hoàn thiện một cây dao chỉ bằng khoảng 1/4 so với trước đây làm thủ công hoàn toàn.
Ông Nhân ngày xưa cũng đi làm nghề rèn thuê, tích góp mua được chẹt (ghe) để hành nghề rèn, ban đầu ghe gỗ sau lên ghe sắt. Khi có máy đập, máy cắt, mài, vợ ông Nhân đi theo phụ giúp chồng những công đoạn lặt vặt.
Bà Trần Thị Thúy Phượng (vợ ông Nhân) cho hay: “Mình đi đường sông phục vụ những mối quen thuận tiện hơn, phục vụ tận nhà, vì nhiều người vẫn thích dùng dao, kéo, nông cụ rèn thủ công vì sắc bén hơn các loại dao, kéo làm công nghiệp”.
Nghề rèn dạo trên ghe từng có thời kỳ “hoàng kim”, làm không hết việc, nhưng với sự phát triển của công nghiệp và sự xuất hiện của các sản phẩm hiện đại, nghề rèn truyền thống đang mai một, nhiều lò rèn dạo và cả trên bờ dần “tắt lửa”.
Nghề làm lò rèn trên sông xuất phát từ làng rèn ở huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang. Ban đầu họ phục vụ tại chỗ, nhập hàng cho mối lái đi bán dạo, sau phương tiện phát triển, họ dần trang bị các lò rèn lên ghe để đi làm dạo, phục vụ khách tận nhà. Hàng trăm lò rèn di động từ đây tỏa đi khắp các tỉnh miền Tây hành nghề.
Tân Lộc
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/lo-ren-dao-tren-song-nuoc-mien-tay-post1733235.tpo