Nội dung
1. Lợi ích dinh dưỡng của cá
2. Không ăn cá chứa nhiều thủy ngân khi mang thai
3. Không ăn cá sống, nấu chưa chín
Một trong những điều mẹ bầu quan tâm nhất chính là chế độ ăn uống. Chế độ ăn có cá rất tốt mẹ bầu, chất dinh dưỡng trong cá rất cần thiết cho một thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên, ăn sai loại cá có thể gây ra những hậu quả cho sức khỏe. Vậy mẹ bầu nên ăn loại cá nào và tránh ăn cá nào để an toàn khi mang thai?
1. Lợi ích dinh dưỡng của cá
Theo ThS.BS Lê Trịnh Thủy Tiên, thành viên Hội Dinh dưỡng lâm sàng Việt Nam, khi mang thai ngoài chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, có một số loại vitamin và khoáng chất quan trọng và cần thiết cho mẹ bầu là: acid folic, sắt, canxi, vitamin D. Ngoài 4 loại thiết yếu trên thì vitamin B1, B2, B5, C, E, A, iốt và kẽm cũng cần thiết. Bổ sung DHA cũng được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị.
Việc kết hợp cá vào chế độ ăn uống khi mang thai mang lại nhiều lợi ích dinh dưỡng. Cá cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho phụ nữ mang thai và cho con bú cũng như trẻ sơ sinh đang lớn, bao gồm cả protein. Protein rất quan trọng cho sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là trong ba tháng giữa và ba tháng cuối của thai kỳ. Mẹ bầu nên ăn ít nhất 70 g protein mỗi ngày.
Cá giàu protein và chất béo lành mạnh tốt cho phụ nữ mang thai.
Cá cũng là nguồn cung cấp chất béo lành mạnh. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị, tất cả mọi người, không chỉ phụ nữ mang thai nên duy trì lượng chất béo ở mức từ 20 đến 35% tổng lượng calo mỗi ngày. Và một số loại chất béo có lợi cho sức khỏe hơn những loại khác. Ví dụ, acid docosahexaenoic (DHA) là một acid béo omega-3 được tìm thấy với số lượng lớn trong cá hồi. DHA rất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi, đặc biệt là về mắt và não. Phụ nữ mang thai nên đặt mục tiêu tiêu thụ 200 đến 300 mg DHA mỗi ngày, hoặc tương đương với lượng có trong 21 g cá hồi, 32 g cá mòi.
Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi và rất quan trọng đối với chức năng miễn dịch và sức khỏe não bộ, cũng được tìm thấy trong các loại cá béo như cá hồi và cá ngừ. Cá là nguồn cung cấp chất sắt dễ hấp thụ (được gọi là sắt heme), một chất dinh dưỡng có tầm quan trọng đặc biệt khi mang thai. Vì phụ nữ mang thai có lượng máu trong cơ thể tăng lên nên cần nhiều chất sắt hơn để hỗ trợ cung cấp máu khỏe mạnh cho cả mẹ và bé.
Những loại cá phụ nữ mang thai nên ăn: Cá cơm, cá vược đen, cá da trơn, cá tuyết, cá hồi nước ngọt, cá trích, cá mòi...
2. Không ăn cá chứa nhiều thủy ngân khi mang thai
Cá là nguồn cung cấp protein tuyệt vời. Và acid béo omega-3 trong nhiều loại cá có thể giúp thai nhi phát triển trí não và mắt. Tuy nhiên, một số loại cá có hàm lượng thủy ngân có thể gây hại. Quá nhiều thủy ngân có thể làm hỏng hệ thần kinh đang phát triển của thai nhi.
Cá càng to và càng trưởng thành thì càng có nhiều thủy ngân. Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên ăn các loại cá có chứa hàm lượng thủy ngân cao nhất như: Cá ngừ mắt to, cá thu vua, cá kiếm, cá mập, cá ngói…
Mẹ bầu nên hạn chế ăn cá có hàm lượng thủy ngân cao hơn (đó là cá ngừ đóng hộp) ở mức một khẩu phần 170 g mỗi tuần. Mẹ bầu nên tìm nguồn cá uy tín có hàm lượng thủy ngân thấp.
3. Không ăn cá sống, nấu chưa chín
Không nên ăn các loại cá sống để an toàn cho sức khỏe mẹ bầu và thai nhi.
Để tránh vi khuẩn hoặc virus có hại trong cá, cần lưu ý:
Không ăn cá sống: Nếu là người thích sushi, sashimi tốt nhất cũng nên chọn các món chay hoặc cuộn với hải sản nấu chín. Các chuyên gia y tế và an toàn thực phẩm khuyên phụ nữ mang thai nên tránh ăn cá sống vì hệ thống miễn dịch suy yếu của mẹ bầu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh do thực phẩm.
Không ăn cá chưa nấu chín: Phụ nữ mang thai không nên ăn các loại cá hun khói hoặc cá khô ăn liền. Nếu muốn ăn, mẹ bầu cần nấu chín. Các loại cá đóng hộp cũng cần được nấu lại.
Mỹ Uyên