Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru tại Nhà Trắng, ngày 7/2. (Ảnh: Reuters)
Dường như lời hứa này đã có tác dụng khi ông Trump nhanh chóng ca ngợi đồng minh. Lúc đó, nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu rằng ông không nghĩ sẽ có "bất kỳ vấn đề gì" để đạt được thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, với lý do là họ có "mối quan hệ tuyệt vời".
Tuy nhiên, trong những tháng sau đó, các nhà đàm phán thương mại Nhật Bản kiên trì giữ vững chiến lược để tránh hạ thấp rào cản đối với các loại hàng hóa nhạy cảm về chính trị như gạo, trước khi đảng cầm quyền Nhật Bản bước vào cuộc bầu cử ngày 20/7 đầy rủi ro, Reuters dẫn các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết.
Bất chấp những dấu hiệu hứa hẹn ban đầu, quan điểm cứng rắn của hai bên khiến Tokyo không còn nhiều thời gian và ít lựa chọn khả thi để có thể tránh bị áp mức thuế gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, các nguồn tin cho biết.
Sau khi chỉ trích Nhật Bản trong các bài đăng trên mạng xã hội vì Tokyo không chịu mua gạo của Mỹ, ngày 7/7, ông Trump thông báo Washington sẽ áp thuế 25% với hàng hóa Nhật Bản từ ngày 1/8.
"Đó là dấu hiệu cho thấy sự thất vọng của ông Trump. Các công ty Nhật Bản sẽ phải tìm cách quản lý doanh nghiệp của mình để tránh phụ thuộc vào Mỹ", ông Kazuhiro Maeshima, chuyên gia về chính phủ và chính sách đối ngoại của Mỹ tại Đại học Sophia ở Tokyo, nhận định.
Người phát ngôn của văn phòng nội các Nhật Bản từ chối bình luận về các vấn đề cụ thể liên quan đến đàm phán thuế với Mỹ.
Trong phát biểu trên truyền hình ngày 8/7, Thủ tướng Ishiba cho biết Tokyo sẽ tiếp tục tìm kiếm một thỏa thuận với Mỹ sao cho "có lợi cho cả hai nước, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia của Nhật Bản".
"Sương mù" dày đặc
Nhật Bản – nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Mỹ và là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của nước này – trở thành một trong những quốc gia đầu tiên tham gia đàm phán thuế quan với Washington sau khi ông Trump công bố chính sách thuế đối ứng vào ngày 2/4.
Trong 7 chuyến đi đến Washington từ tháng 4 đến tháng 7, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa cam kết Tokyo sẽ đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng và thép của Mỹ.
Đổi lại, Tokyo muốn Washington bãi bỏ thuế quan đối với ngành ô tô - ngành sử dụng 1/10 lực lượng lao động của Nhật Bản và chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tokyo cũng hy vọng điều này sẽ đủ để Mỹ không đòi Nhật Bản dỡ bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp như gạo – điều mà các cử tri nông thôn phản đối khi cuộc bầu cử đang đến gần.
Các cuộc thăm dò cho thấy liên minh cầm quyền của Thủ tướng Ishiba có nguy cơ mất đa số tại thượng viện trong cuộc bầu cử sắp tới – điều có thể gây nguy hiểm cho tương lai chính trị của người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản.
Các nhà đàm phán của Tokyo từng nghĩ rằng họ đang đạt được tiến triển và đã tìm được tiếng nói chung với Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, người mà ông Akazawa thường xuyên trao đổi tại Washington và qua điện thoại.
Trong bài phát biểu trước công chúng, Bộ trưởng Akazawa nhiều lần nói rằng hai bên hướng đến một thỏa thuận vào thời điểm Thủ tướng Ishiba và Tổng thống Trump dự kiến gặp nhau bên lề hội nghị G7 tại Canada vào giữa tháng 6.
Nhưng khi ngày đó đến gần, sự lạc quan của ông giảm dần. "Cảm giác như chúng ta vẫn đang trong sương mù dày đặc", ông nói với các phóng viên vào ngày 10/6, ngay trước khi ông lên đường đến Washington.
Khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở Canada, ông Trump tỏ ra thờ ơ và không ai nói nhiều về thương mại, một nguồn tin cho biết.
Sau đó, Thủ tướng Ishiba nói với các phóng viên rằng cuộc họp đã xác nhận "những bất đồng trong hiểu biết của chúng tôi".
Hai tuần sau, ông Trump bày tỏ thất vọng trên Truth Social.
Một số quan chức Nhật Bản tin rằng Tokyo sẽ phải thay đổi chiến thuật và cân nhắc hạ thấp rào cản đối với hàng nông sản nhập khẩu để xoa dịu ông Trump.
Những người khác muốn Washington giảm thuế đối với ngành ô tô của Nhật Bản để có thể đạt được thỏa thuận rộng hơn.
Nhưng trước tiên, Thủ tướng Ishiba đang phải đối mặt với dư luận đang thất vọng vì đàm phán thiếu tiến triển.
Thu Loan
Theo Reuters