Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp đặc phái viên thương mại Nhật Bản Ryosei Akazawa và phái đoàn đàm phán của Nhật tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng vào ngày 16/4/2025 - Ảnh: Nhà Trắng
Tháng 4 năm nay, khi Nhà Trắng bắt đầu các cuộc đàm phán về thuế quan đối ứng, Nhật Bản là một trong những quốc gia được ưu tiên hàng đầu. Bộ trưởng Bộ Phục hồi kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa, trưởng đoàn đàm phán thương mại của Nhật Bản, đã gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng vào giữa tháng 4.
Trong một bức ảnh được chụp khi đó, ông Akazawa đang ngồi cùng với ông Trump, đội chiếc mũ đỏ in dòng chữ “Make America Great Again” (Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại), cho thấy không khí tích cực và lạc quan.
Tuy nhiên, vào sáng thứ Hai tuần này (7/7), tình hình hoàn khác so với cục diện lạc quan khi đó. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên nhận được thư từ ông Trump. Trong thư, Tổng thống Mỹ nói rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia “hoàn toàn không có sự đối ứng”, đồng thời thông báo sẽ áp thuế quan 25% với toàn bộ hàng hóa Nhật Bản nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 1/8.
Theo tờ báo Nikkei Asia, tông giọng trong bức thư gây bất ngờ lớn cho các quan chức Nhật Bản - những người thời gian qua luôn kỳ vọng rằng mối quan hệ đồng minh thân cận với Mỹ sẽ giúp nước này được đối xử đặc biệt.
Bức thư có chữ ký của ông Trump gửi Thủ tướng Nhật Bản ngày 7/7 - Ảnh: Truth Social
Mới gần đây, vào ngày 2/7, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba vẫn bày tỏ sự tin tưởng rằng Nhật Bản sẽ được đối xử khác so với các đối tác thương mại khác của Mỹ.
“Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Mỹ và tạo ra nhiều việc làm nhất tại đây”, ông Ishiba phát biểu trong một sự kiện do Câu lạc bộ Báo chí Nhật Bản tổ chức. “Chúng ta có vị thế khác so với các quốc gia khác”.
Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, Tokyo sẽ phải thích nghi với thực tế mới.
“Nhật Bản đang bám víu vào những giả định về một liên minh, tính toán chi phí - lợi ích cũng như chiến lược lớn mà giờ đây không còn đúng nữa”, bà Lizzi Lee, chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc thuộc Viện Chính sách Xã hội Châu Á, nhận xét với Nikkei Asia. “Nhiều thập kỷ qua, lập trường chiến lược của Nhật Bản được xây dựng dựa trên ý tưởng rằng vai trò là một đồng minh đáng tin cậy nhất của Mỹ ở châu Á, cùng với việc đầu việc đầu tư lớn vào Mỹ sẽ bảo vệ họ khỏi những áp lực thương mại”.
Tuy nhiên, những diễn biến vừa qua cho thấy những giả định này đang bị thử thách.
“Logic chính trị và kinh tế cũ rằng những đóng góp về an ninh và liên kết chính trị mang lại sẽ mang lại đặc quyền về kinh tế dường như không còn giá trị”, vị chuyên gia nhận xét.
Theo giáo sư nghiên cứu về Nhật Bản Mireya Solis tại Brookings Institution, điều đang được thử thách là liệu mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Nhật Bản có được duy trì hay không.
“Thủ tướng Ishiba nhiều lần nhấn mạnh những đóng góp phi thường của Nhật Bản vào nền kinh tế Mỹ với vai trò nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, là đối tác về an ninh không thể thiếu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tokyo muốn những điều này được thể hiện trong các điều khoản thỏa thuận thương mại. Nhưng đây không phải là những gì ông Trump mong muốn”, bà Solis nhận xét.
Thay vì nhận được sự đối xử đặc biệt, Nhật Bản được xếp chung vào nhóm với 13 nền kinh tế khác, nhận được thư của ông Trump với nội dung gần như giống nhau.
Ở trong nước, chính quyền của Thủ tướng Ishiba đang đối mặt áp lực lớn từ cộng đồng doanh nghiệp. Người đứng đầu một trong những tổ chức vận động hành lang doanh nghiệp quyền lực nhất Nhật Bản cho rằng chính phủ đã “mắc sai lầm” trong chiến lược đàm phán thương mại với Mỹ.
Ông Takeshi Niinami, giám đốc điều hành công ty Suntory và là chủ tịch Hiệp hội giám đốc điều hành doanh nghiệp Nhật Bản (JACE), nhận xét rằng việc Tokyo khăng khăng đòi được miễn trừ hoàn toàn thuế quan có vẻ đã khiến Tổng thống Mỹ không hài lòng. Ông Niinami cho rằng Nhật Bản có thể nhận được mức thuế cơ bản 10% nếu các nhà đàm phán linh hoạt hơn.
“Các nhà đàm phán của Nhật đã đánh giá thấp quyết tâm của ông Trump”, ông Niinami nhận xét với tờ báo Financial Times trong một cuộc phỏng vấn ngày 8/7. “Họ cho rằng thời gian đứng về phía Nhật Bản. Đây là một sai lầm lớn”.
Ông Niinami cho rằng Tokyo hiện đang ở thế yếu hơn và có thể sẽ buộc phải nhượng bộ để đạt được thỏa thuận.
“Tuy nhiên, Chính phủ không còn nhiều thời gian trước cuộc bầu cử thượng viện ngày 20/7. Có thể đã quá muộn”, ông Niinami nhận định.
Ngọc Trang