Gia đình ông Trần Thanh Toàn, xã Nhị Trường vừa thu hoạch cá rô phi đơn tính trên diện tích 3 ha sau 4,5 tháng thả nuôi, năng suất đạt 50 tấn/ha. Với giá bán 36.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phí, gia đình ông thu lợi nhuận trên 1,5 tỷ đồng.
Ông Toàn chia sẻ, trước kia gia đình ông nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng thường xuyên gặp rủi ro do dịch bệnh và biến động giá cả. Cuối năm 2023, ông chuyển sang nuôi thử nghiệm cá rô phi kết hợp tôm thẻ chân trắng trên diện tích 5.000 m2, mật độ thả cá giống 6 con/m2 và khoảng 150.000 con giống tôm thẻ chân trắng. Sau 5 tháng, ông thu hoạch được gần 25 tấn cá thương phẩm. Với giá bán 35.000 đồng/kg cá rô phi, cùng nguồn thu từ tôm thẻ chân trắng thương phẩm, gia đình ông thu lợi nhuận gần 300 triệu đồng. Thấy rõ hiệu quả nên cuối năm 2024, ông quyết định nuôi chuyên canh cá rô phi và mở rộng diện tích lên 3 ha.
Rút kinh nghiệm từ 2 vụ sản xuất trước, nên vụ nuôi vừa qua, ông Toàn điều chỉnh mật độ thả nuôi xuống còn 5 con/m2. Kết quả cho thấy chi phí con giống, thức ăn, tỷ lệ hao hụt giảm đáng kể, thời gian nuôi rút ngắn chỉ còn 4,5 tháng nhưng sản lượng thu hoạch vẫn đảm bảo.
Ông Tăng Hoàng Nam, xã Đại An có 3.000 m2 ao chuyên nuôi tôm thẻ chân trắng và cá kèo. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 1 năm sau, ông không chủ động được nguồn nước mặn để duy trì nuôi 2 đối tượng này, nên thường để ao trống rất lãng phí. Cuối năm 2024, ông Nam quyết định chuyển đổi 1.600 m2 ao sang nuôi cá rô phi đơn tính, thả thử 30.000 con giống. Sau 7 tháng nuôi, sản lượng thu hoạch đạt 11 tấn; với giá bán bình quân các loại kích cỡ 30.000 đồng/kg, gia đình ông đạt lợi nhuận gần 60 triệu đồng.
Theo ông Nam, so với các đối tượng nuôi trước đây như tôm thẻ chân trắng, cá kèo, thì cá rô phi rất dễ nuôi, kỹ thuật đơn giản, ít bệnh, tỷ lệ sống đạt trên 90%. Nhưng để đạt hiệu quả cao, người nuôi nên thả mật độ thưa; bởi ở vụ đầu tiên, ông thả nuôi mật độ 20 con/m2, khiến thời gian nuôi kéo dài đến 7 tháng (cao hơn 2 tháng so với mặt bằng chung), nên tiêu tốn thêm chi phí con giống và thức ăn. Cùng với đó là kích cỡ cá thương phẩm không đạt chuẩn nên bị thương lái ép giá, giảm từ 5.000-6.000 đồng/kg so với thị trường. Hiện ông đang xử lý ao để chuẩn bị thả nuôi vụ mới, dự kiến nuôi chuyên canh, thả mật độ thưa để tăng hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Trí Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp Cầu Ngang (Sở Nông nghiệp và Môi trường Vĩnh Long) cho biết, những năm gần đây tình hình nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh ngày càng phức tạp, chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá tôm thương phẩm không ổn định nên người nuôi dễ bị thua lỗ. Mô hình nuôi cá rô phi khá phù hợp với những hộ dân ít đất và vốn sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là ở những vùng ven biển có nguồn nước không ổn định về độ mặn, ngọt.
Người dân có thể nuôi chuyên canh hoặc xen canh cá rô phi kết hợp tôm thẻ chân trắng đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trước đó, mô hình nuôi cá rô phi kết hợp tôm thẻ chân trắng đã được Trung tâm Kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp Cầu Ngang thực hiện thí điểm thành công, chứng minh tính hiệu quả trong 2 năm liền, được đơn vị khuyến khích nông dân trên địa bàn nhân rộng để phát triển ngành thủy sản bền vững.
Theo ông Nguyễn Trí Thông, mô hình nuôi cá rô phi kết hợp tôm thẻ chân trắng giảm rủi ro, cá và tôm ít bị bệnh, năng suất đạt cao, nên nông dân có thu nhập ổn định trên cùng một diện tích sản xuất. Thời gian nuôi cá rô phi từ 135 - 140 ngày, tôm thẻ chân trắng 75 - 90 ngày. Quá trình nuôi, cá rô phi ăn thức ăn công nghiệp dạng viên nổi nên người nuôi dễ kiểm soát nguồn thức ăn, giảm lượng dư thừa, từ đó giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi, tiết kiệm chi phí nuôi. Sau khi thả tôm giống cần bổ sung ngay thức ăn công nghiệp cho tôm trong 10 ngày, sau đó bắt đầu thả giống cá. Thức ăn cho tôm lúc này có thể tận dụng từ nguồn tự nhiên có trong ao nuôi và thức ăn dư thừa của cá để giảm chi phí.
Ông Nguyễn Trí Thông lưu ý, để giảm tỷ lệ hao hụt, cá thương phẩm đạt chuẩn, người nuôi nên thả mật độ thưa, từ 5 - 6 con/m2; đồng thời cần cung cấp đầy đủ oxy trong quá trình nuôi để cá ăn mạnh, mau lớn và tăng tỷ lệ sống. Hiện các hộ nuôi tôm ở các xã Cầu Ngang, Mỹ Long, Nhị Trường, Vinh Kim, Hiệp Mỹ đã mở rộng diện tích nuôi cá rô phi lên gần 40 ha. Trung tâm Kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp Cầu Ngang tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho người dân địa phương có nhu cầu nhân rộng mô hình.
Vĩnh Long có chiều dài đường bờ biển 130 km. Việc chuyển đổi từ nuôi tôm sang cá rô phi tại tỉnh đang mở ra sinh kế bền vững cho nông dân vùng ven biển. Tuy nhiên, để việc nhân rộng mô hình hiệu quả, ngành chức năng cũng cần định hướng cho nông dân trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ cá rô phi thương phẩm, đặc biệt là xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Thanh Hòa (TTXVN)