Luật Nhà giáo: Gia tăng thiết chế bảo vệ

Luật Nhà giáo: Gia tăng thiết chế bảo vệ
6 giờ trướcBài gốc
Luật Nhà giáo tăng quyền chủ động, sáng tạo cho nhà giáo. Ảnh: Dương Triều
Luật đã làm rõ quyền và nghĩa vụ của nhà giáo theo định hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.
Tăng tính bảo vệ
Tâm đắc với Luật Nhà giáo, cô Phạm Thị Nhung - Trường Tiểu học Thiện Phiến (Tiên Lữ, Hưng Yên) bày tỏ, các chính sách của Luật đã chạm đến tâm can đội ngũ giáo viên; nhất là một số chính sách nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo. Qua đó, tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội để các thầy cô yên tâm hoạt động nghề nghiệp.
Luật Nhà giáo được thông qua không chỉ giúp giáo viên yên tâm công tác mà còn giúp đội ngũ cán bộ quản lý thuận lợi hơn trong tuyển dụng. “Tôi mong Luật sớm đi vào cuộc sống. Trước ngày Luật Nhà giáo có hiệu lực (1/1/2026), các nhà trường có thể xây dựng Quy chế hoạt động hoặc các quy định liên quan đến văn hóa học đường, những việc mà nhà giáo được và không được làm… Qua đó, giúp giáo viên sớm thích ứng với chính sách mà Luật Nhà giáo quy định”, cô Nhung đề xuất.
Quyền và nghĩa vụ của nhà giáo được quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Luật Nhà giáo. Ông Tô Văn Tám - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi nhận thấy, quy định các quyền của nhà giáo như: Giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghỉ hè, các ngày nghỉ khác, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ… Ngoài ra, có một quyền thiết thực mà chính sách của Đảng, Nhà nước luôn quan tâm là các ưu đãi về chế độ, chính sách để nâng cao đời sống vật chất của nhà giáo chưa được quy định ở đây.
Luật Nhà giáo khẳng định nhà giáo có vai trò quan trọng và cần được tôn trọng bảo vệ. Ông Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Luật quy định, các tổ chức, cá nhân không được đăng tải, phát tán thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Để áp dụng trong thực tiễn, cần có quy trình xử lý nếu nhà giáo bị xâm phạm trên mạng xã hội hoặc trong lớp học.
“Ngoài ra, cần có quy định về cơ chế hỗ trợ pháp lý miễn phí cho nhà giáo khi bị xâm hại uy tín trong khi thi hành nhiệm vụ và xác định rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục trong việc chủ động bảo vệ nhà giáo”, ông Nguyễn Tâm Hùng đề xuất, đồng thời nhấn mạnh, nhà giáo được chủ động phân phối nội dung bài giảng, đổi mới phương pháp dạy học trong khuôn khổ chương trình giáo dục, nhằm tăng quyền chủ động, sáng tạo của các thầy, cô giáo.
Giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non tham gia tập huấn do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) tổ chức. Ảnh: TG
Những điều không được làm
Đồng quan điểm, ông Lưu Bá Mạc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn nêu thực trạng, pháp luật hiện chưa quy định cụ thể chế tài bảo vệ nhà giáo như một đối tượng đặc thù cần được bảo vệ trên không gian mạng - nơi mà tốc độ lan truyền trên mạng và chia sẻ thông tin diễn ra rất nhanh. Trong khi thực tế có đối tượng xúc phạm nhà giáo trên không gian mạng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín nghề nghiệp của nhà giáo, tác động đến tâm lý giảng dạy và môi trường sư phạm, đồng thời có thể làm suy giảm niềm tin của xã hội đối với nhà giáo.
Do đó, ông Lưu Bá Mạc cho rằng, cần sớm có hướng dẫn làm rõ thêm quy định xử lý vi phạm đối với hành vi sử dụng mạng xã hội, phương tiện điện tử để đăng tải, phát tán, xâm phạm danh dự, nhân phẩm nhà giáo trên không gian mạng.
Theo TS Đặng Văn Cường - giảng viên Luật hình sự, Trường Đại học Thủy Lợi, quy định không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức là phù hợp với hiến pháp và pháp luật để bảo vệ bí mật đời tư cá nhân, bảo vệ danh dự nhân phẩm uy tín của nhà giáo và phù hợp với nguyên tắc chung của pháp luật.
Quy định không phải là dung túng, tiếp tay cho sai phạm của giáo viên, mà bảo vệ bí mật thông tin trong quá trình xác minh, giải quyết khiếu nại tố cáo; đồng thời bảo vệ quyền nhân thân, quyền hình ảnh, bí mật đời tư cá nhân. Mặt khác, giảm bớt những hệ lụy tiêu cực từ những vấn đề xã hội.
“Khi thông tin chưa rõ ràng, sai phạm chưa được cơ quan có thẩm quyền kết luận thì việc bảo vệ thông tin là phù hợp và cần thiết”, TS Đặng Văn Cường nhấn mạnh, đồng thời viện dẫn, ngay cả với các bị can, bị cáo trong vụ án hình sự, họ chỉ được coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án. Khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì mọi phỏng đoán, phán đoán, quy kết của dư luận xã hội đều có thể sai lầm và gây ra tác động tiêu cực khó có thể sửa chữa.
Xã hội và pháp luật đòi hỏi người thầy phải là tấm gương mẫu mực, có ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng quy tắc đạo đức nghề nghiệp, bởi vậy nếu giáo viên vi phạm những nguyên tắc này họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trước khi kết luận cuối cùng có hiệu lực pháp luật thì nhà giáo cần được bảo vệ, đó cũng chính là bảo vệ uy tín của ngành Giáo dục.
“Khi đã có kết luận chính thức, xác định có vi phạm, thì vi phạm đến đâu xử lý đến đó theo quy định của pháp luật và không có ngoại lệ”, TS Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
Trao đổi về những vấn đề nêu trên, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, Luật Nhà giáo làm rõ các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo theo định hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp. Luật làm gia tăng các thiết chế bảo vệ nhà giáo thông qua quyền và những điều không được làm của các cá nhân, tổ chức liên quan đối với nhà giáo.
Đặc biệt, việc cấm các cá nhân, tổ chức liên quan đăng tải, phát tán thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền là quy định mang tính đặc thù, không chỉ nhằm bảo vệ uy tín, danh dự nhà giáo, mà là chế tài quan trọng bảo vệ môi trường học tập lành mạnh của người học.
Luật Nhà giáo quy định nhà giáo không được làm các việc như: Phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức; Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, đánh giá người học; Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức; Ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật; Lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động nghề nghiệp để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Minh Phong
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/luat-nha-giao-gia-tang-thiet-che-bao-ve-post738835.html