Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại tọa đàm.
Dự tọa đàm có bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội; ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.
Ban hành Luật Nhà giáo là yêu cầu cấp thiết
Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, tính đến năm 2024, cả nước có hơn 1,5 triệu nhà giáo, trong đó, nhà giáo công lập hơn 1,3 triệu người, nhà giáo ngoài công hơn 200 nghìn người.
Đội ngũ nhà giáo công lập chiếm trên 70% đội ngũ viên chức. Đội ngũ nhà giáo ngoài công lập ngày càng phát triển, yêu cầu đặt ra là cần có một khung pháp lý đầy đủ, toàn diện, tạo thuận lợi cho xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo là một yêu cầu cấp thiết nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, nâng cao vị thế, quyền lợi và trách nhiệm của nhà giáo, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, dự thảo Luật Nhà giáo đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024.
Đến nay, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo gồm 9 chương, 46 điều (giảm 4 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8). Tọa đàm tham vấn chuyên gia về dự thảo Luật Nhà giáo là một diễn đàn quan trọng để các đại biểu cùng nhau thảo luận, trao đổi ý kiến, đóng góp trí tuệ nhằm hoàn thiện Luật Nhà giáo, trình Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 5 tới đây.
"Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, đóng góp những ý kiến thẳng thắn, sâu sắc góp phần tạo nên một dự án toàn diện, khả thi, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và mong mỏi của đội ngũ nhà giáo cũng như toàn xã hội. Từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp hữu hiệu vào công cuộc xây dựng và phát triển nhanh chóng và bền vững đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng phấn đấu vì mục tiêu trở thành đất nước có công nghiệp hiện đại, có mức thu nhập cao vào năm 2045", bà Nguyễn Thị Thanh nói.
Tại tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia cho ý kiến các nội dung như: Quy định về chế độ làm việc, chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo; thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo; quy định về thuyên chuyển nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập; quy định về quyền, nghĩa vụ và những việc không được làm đối với nhà giáo.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý về chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; chính sách nhà giáo ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, điều kiện nghỉ hưu của giáo viên mầm non; về quản lý nhà nước về nhà giáo, các quy định về phân cấp, phân quyền trách nhiệm trong xây dựng chính sách, trong tổ chức thực hiện các chính sách và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo,...
Quan tâm tối đa nhà giáo ngoài công lập
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay, dự án Luật Nhà giáo được Ban soạn thảo tinh thần lấy ý kiến rộng rãi, cầu thị tiếp thu, cần sự vào cuộc của toàn xã hội, từ chuyên gia, địa phương, các cơ sở giáo dục…
Trên tinh thần đó, trong quá trình thực hiện, Ban soạn thảo phối hợp với Ủy ban Văn hóa và Xã hội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm.
Riêng tại TPHCM, 4-5 hội nghị lấy ý kiến từ các cơ sở đại học, tư thục, giám đốc sở giáo dục đã diễn ra. Tinh thần của ban soạn thảo luật xây dựng để phát triển nhà giáo, xây dựng lực lượng của ngành, không nhằm siết chặt quản lý, làm mất đi không gian sáng tạo, hoạt động nghề nghiệp của thầy cô.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại tọa đàm.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: "Trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo, tất cả các ý kiến đều được ghi âm, đưa vào từng nhóm nội dung cụ thể để rà soát, khách quan, công bằng nhưng đảm bảo tinh thần nhà giáo là viên chức đặc biệt, cần có cơ chế chính sách khác biệt vượt trội chứ không phải đặc quyền đặc lợi của nhà giáo. Vì thế, đến thời điểm này nhiều nội dung nổi trội, khác biệt trong dự thảo luật".
Một điểm khác biệt nữa của dự thảo Luật Nhà giáo lần này là sự quan tâm tối đa với hệ thống nhà giáo ngoài công lập. Các thầy cô ở trường ngoài công lập được hỗ trợ kinh phí tập huấn như giáo viên công lập.
Ngoài ra, đối với việc tuyển dụng, dự thảo Luật Nhà giáo quy định đối với cấp xã quản lý và tổ chức quy hoạch về cơ sở giáo dục trên địa bàn, đầu tư công; tuyển dụng nhân sự do ngành Giáo dục, cụ thể là Sở GD&ĐT phụ trách.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, hiện nay Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị sẵn sàng 3 nghị định và 13 thông tư để ban hành khi dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua.
"Tháng 5 này, Luật Nhà giáo được thông qua sẽ là tin vui lớn khi năm 2025 dịp kỷ niệm 80 năm ngành Giáo dục. Dự thảo được nhấn nút thông qua là sản phẩm của tập thể, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Ban soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ, tiếp thu tối đa các ý kiến chuyên gia để có sản phẩm tốt nhất, không quá cầu toàn mà chặt chẽ nhất có thể", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cần đồng bộ với Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Ông Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại tọa đàm.
Làm rõ thêm thông tin về dự thảo Luật Nhà giáo, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho hay, tinh thần của Luật Nhà giáo là khuyến khích đào tạo bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ kinh phí cho nhà giáo bình đẳng giữa khối công lập và ngoài công lập.
Với việc tuyển dụng và quản lý giáo viên, tinh thần của dự thảo luật là chuyển về cho ngành Giáo dục, ngành Giáo dục ủy quyền cho các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện,…
Cũng tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nêu thực tế, Luật tổ chức chính quyền địa phương không cho phép điều động viên chức giữa các địa phương.
Cụ thể, hiện nay ở các cấp học mầm non, tiểu học và THCS, tuyển dụng giáo viên do UBND quận, huyện thực hiện, chưa cho phép điều động giáo viên giữa các địa phương với nhau. Chỉ riêng cấp THPT, do Sở GD&ĐT TPHCM quản lý mới có thể thực hiện điều động nhân sự trong trường hợp cần thiết.
Do đó, cần đồng bộ quy định giữa Luật Nhà giáo và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, phù hợp với yêu cầu của Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI , trong đó có việc giải quyết vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên.
Ông Nguyễn Văn Hiếu phát biểu ý kiến tại tọa đàm.
Theo PGS.TS Bùi Anh Thủy, Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang (TPHCM), nếu được ban hành, Luật Nhà giáo sẽ mang lại sự bình đẳng giữa nhà giáo ở khu vực công lập và ngoài công lập, thừa nhận sự đóng góp của khu vực ngoài công lập trong việc đáp ứng các nhu cầu học tập đa dạng của xã hội.
Ông Thủy đề xuất đánh giá nhà giáo theo năm học mà không theo niên lịch hành chính nhằm kịp thời ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo. Đồng thời, nhà giáo ở khu vực ngoài công lập cũng được xem xét phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú giống khu vực công lập.
Minh Anh