Toàn cảnh Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sáng ngày 8/5. (Nguồn: Quốc hội)
Luật Thanh tra (sửa đổi) giảm 54 điều, bằng 45% so với Luật Thanh tra năm 2022
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, việc xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi) là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tổ chức bộ máy và khắc phục những bất cập, chồng chéo trong tổ chức hoạt động thanh tra.
Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 9 chương và 64 điều (giảm 54 điều, bằng 45% so với Luật Thanh tra năm 2022).
Dự thảo Luật lược bỏ hoàn toàn quy định về Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; lược bỏ nội dung ở Luật để phân quyền cho Chính phủ quy định một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Về cắt giảm thủ tục hành chính, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ: “Qua việc lược bỏ 54 điều của Luật Thanh tra năm 2022, sửa đổi, hoàn thiện quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra, đã cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính trong hoạt động thanh tra”.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định một số nội dung nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính chủ động, chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, trong đó, phân cấp cho Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh chủ động trong việc thanh tra công tác công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp sau khi báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp cho ý kiến về chủ trương.
Trình bày Báo cáo tóm tắt Thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra hiện hành, đồng thời, tán thành việc xây dựng, ban hành Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Dự thảo Luật đã bám sát, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, nhất là Kết luận số 134-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm tính hợp hiến, cơ bản thống nhất với hệ thống pháp luật; đồng thời, dự thảo Luật được xây dựng ngắn gọn, còn 64 điều, giảm 54 điều (45,76%) so với Luật Thanh tra hiện hành.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với quy định của dự thảo Luật, thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như Luật hiện hành, bởi vì phù hợp với vị trí, vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra, nhất là việc thu gọn hệ thống cơ quan thanh tra sau sắp xếp; tán thành với cách quy định như dự thảo Luật về hệ thống cơ quan thanh tra, vì vừa bảo đảm thể chế hóa tinh thần Kết luận số 134-KL/TW, vừa quy định khái quát phù hợp với yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, phù hợp với thực tiễn tổ chức các cơ quan thanh tra nêu trên, đồng thời, bao quát được cả trường hợp điều ước quốc tế mà sau này Nhà nước ta ký kết hoặc tham gia có phát sinh yêu cầu thành lập cơ quan thanh tra.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ và vị trí, chức năng của Thanh tra tỉnh trong dự thảo Luật để chỉnh lý, hoàn thiện bảo đảm đồng bộ với mô hình tổ chức của các cơ quan thanh tra sau sắp xếp.
Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên này. (Nguồn: Quốc hội)
Hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân
Cũng trong sáng 8/5, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến khẳng định, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng liên quan đến tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân tại các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân các cấp.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến nêu rõ, sửa đổi một số nội dung của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất dự thảo Luật gồm 2 Điều với nội dung sửa đổi, bổ sung 39 Điều, bổ sung 1 Điều mới, bãi bỏ 3 Điều liên quan đến Viện kiểm sát nhân dân cấp cao với các nội dung như sau: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Điều 2. Hiệu lực thi hành.
Dự thảo Luật bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong xử phạt hành chính đối với hành vi cản trở tố tụng tại khoản 3 Điều 4 để bảo đảm thống nhất, phù hợp với quy định về thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đáng chú ý, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7, khoản 3 Điều 23, Điều 40, Điều 41, khoản 3 Điều 47, Điều 48, Điều 49, khoản 2 Điều 66, Điều 67 và Điều 68; bãi bỏ các điều 44, 45, 65 để thực hiện việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy Viện kiểm sát nhân dân từ mô hình 4 cấp thành 3 cấp theo yêu cầu của Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân các cấp.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân nhằm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng. Hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ các tài liệu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bên cạnh đó, cùng với việc sửa đổi các quy định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân, sau phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã hoàn thiện dự án Luật theo hướng mở rộng phạm vi, sửa đổi thêm một số nội dung lớn liên quan đến chế định Kiểm sát viên nhưng chưa thuyết minh làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn của việc đề xuất sửa đổi.
Vì vậy, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về căn cứ xây dựng luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; cân nhắc thận trọng việc mở rộng phạm vi sửa đổi trong bối cảnh thời gian xây dựng Luật rất khẩn trương, chưa có điều kiện để lấy ý kiến rộng rãi, đánh giá kỹ lưỡng tác động của những nội dung mới được đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Gia Thành