Lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu, mức đóng BHXH tự nguyện thế nào?

Lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu, mức đóng BHXH tự nguyện thế nào?
3 giờ trướcBài gốc
Cử tri tỉnh Đồng Tháp vừa gửi kiến nghị đến Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu đánh giá tác động của việc tăng lương cơ sở đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện và bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình. Đồng thời, cử tri cũng đề nghị xem xét nâng mức hỗ trợ cho các đối tượng này do hiện nay đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Trong phản hồi về kiến nghị của cử tri, Bộ LĐ-TB&XH cho biết đã chủ động nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để đánh giá tác động của chính sách tiền lương đối với việc thực hiện chính sách BHXH. Kết quả sẽ được gửi tới Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền khi xem xét phương án thực hiện chính sách tiền lương mới.
Từ ngày 1/1/2018, chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện đã được thực hiện. Các mức hỗ trợ hiện hành được quy định tại Nghị định số 134/2015 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia tự nguyện.
Mức thu nhập tháng của người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn để tính mức đóng BHXH. Cụ thể, mức thu nhập thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/tháng, và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở, tương đương 46,8 triệu đồng/tháng.
Nhà nước cũng khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện. Anh minh họa: Vũ Điệp
Mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian tối đa 10 năm.
Cụ thể, hộ nghèo (30%): 1.500.000 x 22% x 30% = 99.000 đồng/tháng.
Hộ cận nghèo (25%): 1.500.000 x 22% x 25% = 82.500 đồng/tháng.
Người tham gia khác (10%): 1.500.000 x 22% x 10% = 33.000 đồng/tháng.
Tăng mức đóng BHYT
Từ tháng 1/7/2024, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng/tháng, kéo theo sự thay đổi trong mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình.
Cụ thể, mức đóng của người thứ nhất trong gia đình tham gia BHYT là 1.263.600 đồng/năm (tăng 291.600 đồng so với trước); người thứ hai là 884.520 đồng/năm (tăng 204.100 đồng); người thứ ba là 758.160 đồng/năm (tăng 174.900 đồng); người thứ tư là 631.800 đồng (tăng 145.800 đồng). Từ người thứ năm trở đi, mức đóng là 505.440 đồng/năm (tăng 116.640 đồng).
Đánh giá tác động của việc tăng mức lương cơ sở đối với người tham gia BHYT hộ gia đình, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết Quốc hội và Chính phủ đã quy định mức đóng BHYT dựa trên phạm vi quyền lợi của người tham gia, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cùng khả năng đóng góp của Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và người dân.
Theo quy định của Luật BHYT, mức đóng BHYT hàng tháng tối đa bằng 6% mức tiền lương hoặc tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở. Trên cơ sở quy định của Luật BHYT, Nghị định số 146/2018 của Chính phủ quy định mức đóng BHYT là 4,5%.
Đối với nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, mức đóng hiện tại của người thứ nhất là 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba và thứ tư lần lượt đóng 70%, 60% và 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi, mức đóng là 40% mức đóng của người thứ nhất.
Ngoài ra, căn cứ vào khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ trình HĐND tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT, cũng như những đối tượng không được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của pháp luật về BHYT.
Vũ Điệp
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/luong-co-so-tang-len-2-34-trieu-muc-dong-bhxh-tu-nguyen-the-nao-2328299.html