Bổ sung chế độ thai sản đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bổ sung chế độ thai sản đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
2 giờ trướcBài gốc
Cử tri kiến nghị, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành chỉ có người lao động (NLĐ) tham gia BHXH bắt buộc mới được hưởng chế độ thai sản. Đề nghị xem xét bổ sung chính sách trong việc sửa đổi Luật BHXH lần này, để NLĐ tham gia BHXH tự nguyện cũng được hưởng chế độ thai sản. Đồng thời, đề nghị xem xét, quy định tăng số lần khám thai của lao động nữ (LĐN) lên 9 lần trong thai kỳ (theo quy định hiện tại là 5 lần) để đảm bảo cho LĐN được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi.
Đề nghị quan tâm xem xét đánh giá tác động của việc quy định áp dụng chế độ nghỉ khám thai, đình kỳ thai nghén, nghỉ thực hiện tránh thai cho NLĐ tham gia BHXH tự nguyện tương tự như BHXH bắt buộc để phù hợp với nguyên tắc của BHXH cũng như đạt mục tiêu thu hút NLĐ tham gia BHXH tự nguyện. Tại Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định NLĐ tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con là mức trợ cấp quả thấp, chưa thực sự phù hợp với việc bảo đảm nhu cầu của phụ nữ và trẻ em. Các quy định của chế độ trợ cấp thai sản mới chú trọng vào lợi ích vật chất mà NLĐ tham gia BHXH tự nguyện được hưởng, chưa chú trọng đến những quyền lợi như được nghỉ việc để đi khám thai, nghỉ việc khi thực hiện biện pháp tránh thai, nghỉ dưỡng sức... Việc quy định chỉ cho 5 lần khám thai được hưởng chế độ BHXH như dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) hiện nay là chưa phù hợp với thực tế.
Nội dung cử tri kiến nghị được Bộ LĐ-TB&XH trả lời: Về bổ sung chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện và mức trợ cấp thai sản. Ngày 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật BHXH số 41/2024/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Luật BHXH năm 2024 đã bổ sung chế độ thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện do NSNN bảo đảm, người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm so với hiện hành. Như vậy, kiến nghị của cử tri đã được quy định trong Luật BHXH năm 2024. Bên cạnh đó, Luật BHXH năm 2024 cũng giao Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH và khả năng của NSNN từng thời kỳ. Khác với BHXH bắt buộc, chế độ thai sản đối với NLĐ tham gia BHXH tự nguyện hoàn toàn do ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm. Như vậy, khi điều kiện KT-XH phát triển và khả năng của NSNN cho phép, Chính phủ sẽ xem xét, điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thai sản nhằm đảm bảo tốt hơn quyền thụ hưởng của NLĐ.
Về kiến nghị tăng số lần nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai của LĐN. Theo tài liệu "Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản” ban hành kèm theo Quyết định số 4128/QĐ-BYT, ngày 29/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế, mỗi phụ nữ mang thai phải được quản lý thai và khám thai ít nhất 4 lần trong thai kỳ. Pháp luật về BHXH không quy định về thời gian, số lần đi khám thai của NLĐ mà chỉ quy định số lần, thời gian LĐN nghỉ việc khi đi khám thai được hưởng chế độ thai sản do Quỹ BHXH chi trả. Luật BHXH năm 2024 kế thừa quy định về số lần LĐN nghỉ việc khi đi khám thai được giải quyết hưởng chế độ thai sản và đã điều chỉnh tăng thời gian tối đa hưởng chế độ thai sản của mỗi lần LĐN nghỉ việc đi khám thai là 2 ngày để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của LĐN mang thai.
H.L
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/307/194146/bo-sung-che-do-thai-san-doi-voi-nguoi-lao-dong-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen.htm