Lương công chức nên tương đương khu vực tư nhân

Lương công chức nên tương đương khu vực tư nhân
6 giờ trướcBài gốc
Góp ý cho dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) vào chiều 14/5, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm là làm sao thu hút và giữ chân người tài trong khu vực công.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Đại biểu Bình Dương) khẳng định: "Ngoài bằng cấp, cần đánh giá công chức dựa trên sản phẩm, công trình cụ thể mà họ thực hiện". Đại biểu kiến nghị bổ sung quy định về ngân sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, ví dụ Singapore dành 4% ngân sách hàng năm cho nội dung này để đầu tư căn cơ cho đội ngũ tinh hoa của bộ máy hành chính. Để giữ chân nhân tài, điều kiện tiên quyết là mức lương phải xứng đáng. Đại biểu Ngọc Xuân nhấn mạnh: “Cần có chính sách tiền lương và ưu đãi tương xứng với trách nhiệm, nhiệm vụ được giao, đặc biệt với người đứng đầu, chuyên gia cao cấp, công chức xuất sắc ở trung ương và địa phương tương đương, thậm chí không thấp hơn khu vực tư để giữ người tài”.
Đồng quan điểm, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Đại biểu Trà Vinh) nhấn mạnh, sự cần thiết của cơ chế tiếp nhận công chức đặc cách và chính sách lương, thưởng vượt khung cho nhân sự có năng lực nổi bật.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Đại biểu Trà Vinh) đề xuất: “Tôi kiến nghị bổ sung quy định về tiêu chí xác định người có tài năng trong khu vực công dựa trên trình độ, thành tích, năng lực sáng tạo. Đồng thời cần có cơ chế tiếp nhận đặc cách không qua thi tuyển đối với chuyên gia đầu ngành; cơ chế lương thưởng vượt khung; rút ngắn thời gian xét thăng tiến cho nhân sự tài năng. Có thể tham khảo mô hình nhà khoa học đầu ngành trong Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi, cũng như chính sách của Singapore dành cho chuyên gia công nghệ cao”.
Tuy nhiên, lương không phải là yếu tố duy nhất. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại biểu Hải Dương) cho rằng, tài năng trong công vụ là loại đặc thù, không thể chỉ nhìn vào hồ sơ hay bằng cấp, mà cần đánh giá qua kết quả xử lý công việc thực tế. Theo bà Việt Nga, luật cần thiết kế lại hệ thống đánh giá cán bộ theo đầu ra, hiệu quả công vụ, thay vì chỉ dựa vào quy trình, thủ tục. Đại biểu Việt Nga nhấn mạnh: “Tôi đề xuất trao thêm quyền cho người đứng đầu trong việc phát hiện, đề xuất và sử dụng người tài, nhưng phải đi kèm cơ chế giám sát khách quan để tránh lạm dụng. Nếu không có cải cách thực chất thì chính sách trọng dụng nhân tài sẽ chỉ nằm trên giấy”.
Kiên quyết không để "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về" mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ
Bên cạnh việc thu hút người tài, các đại biểu cũng nhấn mạnh: cần loại khỏi bộ máy những cán bộ, công chức làm việc kém hiệu quả. Một yêu cầu cải cách lớn được đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Đồng Tháp) chỉ rõ là phải xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời”.
“Không thể chấp nhận việc 'sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về', làm việc cầm chừng nhưng vẫn được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ. Mà đã hoàn thành nhiệm vụ thì không thể buộc thôi việc được. Từ ngày 1/1/2026, chúng ta phải đánh giá theo mô hình KPI. Như vậy mới có thể hạn chế tình trạng làm việc không hiệu quả nhưng vẫn yên vị, thậm chí hàng năm vẫn được nâng lương", đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Theo các đại biểu Quốc hội, cùng với sửa đổi Luật, điều cấp thiết là cải tổ toàn diện bộ máy công vụ, từ khâu tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, đến chế độ đãi ngộ và đánh giá. Chính sách tiền lương chỉ là một mắt xích, nhưng nếu không đủ sức cạnh tranh thì mọi nỗ lực khác cũng khó đạt hiệu quả. Việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức lần này vì vậy không chỉ là điều chỉnh kỹ thuật, mà cần đặt nền móng cho một chiến lược phát triển nhân lực công vụ hiện đại, chuyên nghiệp để khu vực công đủ sức “giữ người” trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ khu vực tư nhân.
Trần Nam
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/luong-cong-chuc-nen-tuong-duong-khu-vuc-tu-nhan-329571.htm