Lý do chọn TP. Đồng Hới làm trung tâm chính trị-hành chính của tỉnh Quảng Trị mới

Lý do chọn TP. Đồng Hới làm trung tâm chính trị-hành chính của tỉnh Quảng Trị mới
14 giờ trướcBài gốc
Yếu tố lịch sử
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vừa ký ban hành Đề án sắp xếp tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị, trong đó, nêu rõ lý do đặt tên tỉnh mới là Quảng Trị và chọn TP. Đồng Hới làm trung tâm chính trị-hành chính.
TP. Đồng Hới hội đủ các yếu tố lịch sử, văn hóa, hạ tầng đồng bộ... để được chọn làm trung tâm chính trị-hành chính mới.
Theo đó, Đề án nêu rõ: Việc đặt tên gọi tỉnh Quảng Trị và chọn TP. Đồng Hới làm trung tâm chính trị-hành chính sau khi sắp xếp đã được Trung ương nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa…
Đồng thời, cân nhắc giữa 1 tỉnh giữ tên gọi, 1 tỉnh đặt trung tâm chính trị-hành chính nhằm thống nhất nhận thức, đồng thuận của tầng lớp nhân dân địa phương khi sắp xếp 2 tỉnh.
Về quá trình lịch sử, thời nhà Nguyễn, Đồng Hới đã từng là trung tâm chính trị-hành chính của 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Cụ thể, năm 1831, vua Minh Mạng thực hiện cuộc cải cách hành chính, quyết định thành lập 31 tỉnh trong cả nước. Tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thời đó nằm dưới sự cai quản của một Tổng đốc, gọi là Tổng đốc Bình Trị, thủ phủ đặt tại Đồng Hới.
Tháng 5 năm 1890, Toàn Quyền Đông Dương là Jules Georges Piquet ra Nghị định Sắp xếp Quảng Bình và Quảng Trị, thành tỉnh Bình Trị, đặt thủ phủ tại Đồng Hới.
Đến năm 1937, Bộ Lại của triều đình nhà Nguyễn có tờ trình số 66 xin thành lập Đồng Hới làm phủ lỵ cai quản 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị và được triều đình phê chuẩn năm Bảo Đại thứ 12.
Vị trí trung tâm và hạ tầng đồng bộ
TP. Đồng Hới hiện là đô thị loại II, dân số 155.113 người, nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ, cách thành phố Vinh khoảng 200 km về phía Bắc và thành phố Huế khoảng 170 km về phía Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để trở thành điểm trung chuyển và liên kết mạnh mẽ cho toàn bộ khu vực.
TP. Đồng hới lợi thế về hạ tầng và không gian phát triển.
Sau khi nhập hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, Đồng Hới có vị trí trung tâm của tỉnh mới (cách huyện Tuyên Hóa 120 km phía Tây Bắc và huyện Hải Lăng khoảng 125 km về phía Nam); là trung tâm của các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế như: Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng cách 50 km; khu du lịch suối Bang cách 50 km; khu kinh tế Hòn La 60 km; khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cha Lo 160 km; khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo 160 km; TP. Đông Hà khoảng 95km.
TP. Đồng Hới hiện sở hữu hệ thống giao thông đồng bộ bao gồm sân bay Đồng Hới; ga tàu chính của tuyến đường sắt Bắc – Nam; hai tuyến quốc lộ chính Bắc-Nam (Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh); đường cao tốc Bắc-Nam đã cơ bản hoàn thành cùng ga đường sắt tốc độ cao dự kiến trong tương lai, đảm bảo kết nối nội địa và quốc tế hiệu quả.
Đồng Hới được công nhận là đô thị loại II từ năm 2014 (sớm hơn gần 10 năm so với các tỉnh lỵ của địa phương lân cận) và phấn đấu trở thành đô thị loại I vào năm 2035. Với hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ, đầy đủ các khu chức năng, có thể đáp ứng để sắp xếp và đưa trung tâm hành chính vào hoạt động ngay sau sáp nhập.
TP. Đồng Hới là đô thị ven biển, có khí hậu ôn hòa, quỹ đất rộng, địa hình tương đối bằng phẳng, có dòng sông Nhật Lệ chảy qua giữa lòng thành phố, có hệ thống sông, suối, hồ, rừng núi ở phía Tây tạo nên một Đồng Hới đầy tiềm năng để hình thành đô thị du lịch hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Cùng với các yếu tố lịch sử, lợi thế về địa lý, điều kiện tự nhiên xã hội, hạ tầng kỹ thuật hiện có, cũng như định hướng phát triển trong tương lai thì Đồng Hới là lựa chọn tối ưu cho một trung tâm chính trị-hành chính, văn hóa xã hội, dịch vụ du lịch, đầu mối giao thông, logistics của tỉnh mới sau sáp nhập.
Hoàng Nam
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/ly-do-chon-tp-dong-hoi-lam-trung-tam-chinh-tri-hanh-chinh-cua-tinh-quang-tri-moi-post1739105.tpo