Lý do Malaysia và Indonesia thúc đẩy quan hệ với Liên bang Nga

Lý do Malaysia và Indonesia thúc đẩy quan hệ với Liên bang Nga
8 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim gặp nhau tại Điệm Kremlin ngày 14/5/2025. Ảnh: Trang web của Tổng thống Liên bang Nga (en.kremlin.ru)
Theo Đài phát thanh Quốc tế DW (Đức) ngày 7/7, trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu đầy biến động, Malaysia và Indonesia – hai quốc gia Đông Nam Á có ảnh hưởng – đang ngày càng tăng cường quan hệ với Nga. Từ việc Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto bỏ qua hội nghị thượng đỉnh G7 để thăm Nga, đến việc Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim có tới ba chuyến thăm Nga trong hai năm (chuyến thăm Nga mới nhất của ông Ibrahim là vào tháng 5 vừa qua), rõ ràng có nhiều lý do đằng sau sự dịch chuyển này.
Khẳng định chính sách "không liên kết" và đa dạng hóa quan hệ
Ban đầu, cả Indonesia và Malaysia đều phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, họ đã duy trì lập trường trung lập về cuộc chiến và, đáng chú ý hơn, các tuyên bố công khai của hai nước dần trở nên ủng hộ Moskva rõ rệt hơn từ đầu năm 2024.
Ông Ian Storey, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng Tổng thống Prabowo và Thủ tướng Anwar "muốn củng cố chính sách không liên kết của mỗi quốc gia bằng cách theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng hơn, bao gồm quan hệ chặt chẽ hơn với cả Nga và Trung Quốc". Điều này cho thấy mong muốn đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại nhằm tránh bị cuốn vào sự cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc.
Sự dịch chuyển này càng được thúc đẩy bởi nhận định từ nhiều nhà lãnh đạo châu Á rằng họ không còn có thể hoàn toàn trông cậy vào sự hỗ trợ của Mỹ, đặc biệt sau những động thái của Washington đối với các thể chế quốc tế. Prashanth Parameswaran, người sáng lập bản tin ASEAN Wonk, nhấn mạnh: "Sự thay đổi gần đây trong chính quyền Mỹ và những cơ hội như tư cách thành viên BRICS đã tạo cho cả hai nước nhiều không gian hơn để hợp tác với Nga".
Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, thương mại song phương giữa Moskva và các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đạt mức cao kỷ lục 22 tỷ USD vào năm 2023, tăng hơn 14% so với năm trước đó. Xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục. Kuala Lumpur và Jakarta đang tích cực tìm kiếm những cách thức để mở rộng thương mại, bao gồm cả nhập khẩu vũ khí và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.
Năng lượng là một lĩnh vực hợp tác quan trọng. Indonesia, một quốc gia vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá, có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nga để đa dạng hóa nguồn năng lượng. Tháng 2 vừa qua, Triển lãm về Hợp tác ASEAN-Nga trong lĩnh vực Năng lượng và Công nghệ hạt nhân dân sự cũng đã được khai mạc tại trụ sở ASEAN ở Jakarta, cho thấy sự quan tâm chung của khu vực.
Ngoài ra, quỹ đầu tư quốc gia Danatara của Indonesia và Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga đã ký một thỏa thuận thành lập quỹ đầu tư trị giá 2 tỷ euro tại Diễn đàn quốc tế ở St. Petersburg, mở ra những cơ hội hợp tác tài chính đầy hứa hẹn.
BRICS: Một diễn đàn thay thế
Trong khi một số nước Đông Nam Á như Thái Lan tìm cách gia nhập các tổ chức đa phương do phương Tây dẫn dắt (ví dụ: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD), thì nhiều nước khác lại coi BRICS là một khối thay thế cho chính trị toàn cầu. Indonesia hiện đã là thành viên chính thức của BRICS, trong khi Malaysia, Thái Lan là các quốc gia đối tác. Sự tham gia vào BRICS giúp các quốc gia này có thêm một kênh ngoại giao và kinh tế độc lập, ít bị ảnh hưởng bởi áp lực từ các cường quốc phương Tây.
Việc Malaysia và Indonesia xích lại gần Nga không chỉ dừng lại ở những tính toán địa chính trị hay lợi ích kinh tế. Zachary Abuza, Giáo sư tại Học viện Chiến tranh Quốc gia ở Washington D.C., nhận định Nga cung cấp một "mô hình thú vị" cho Indonesia và Malaysia – vốn là quốc gia "có thể hành động độc lập, đối trọng với Mỹ và phương Tây, và tìm cách thiết lập một trật tự quốc tế mới".
Thêm vào đó, tâm lý bài phương Tây cũng đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt ở các quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi như Malaysia và Indonesia. Nhà phân tích chính trị Bridget Welsh, cộng tác viên nghiên cứu danh dự tại Viện nghiên cứu châu Á của Đại học Nottingham Malaysia (UoNARI-M) có trụ sở tại Kuala Lumpur, chỉ ra rằng việc Thủ tướng Anwar nhiều lần thăm Nga đã thúc đẩy mong muốn của chính phủ nước này nhằm đạt được vị thế nổi bật hơn trên trường thế giới. Bà cũng giải thích rằng Nga "nhận được sự ủng hộ của người dân Malaysia do có tư tưởng bài phương Tây, khi nhiều người Malaysia tin rằng Mỹ đã kích động cuộc chiến ở Ukraine".
Thực tế, kết quả khảo sát tình hình Đông Nam Á năm nay của Viện ISEAS-Yusof Ishak đã phát hiện ra rằng tâm lý bài phương Tây đang gia tăng ở Indonesia và Malaysia, phần lớn là do việc phương Tây ủng hộ Israel trong các cuộc xung đột ở Trung Đông.
Tóm lại, việc Malaysia và Indonesia thúc đẩy quan hệ với Nga là sự tổng hòa của nhiều yếu tố: mong muốn đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tìm kiếm cơ hội kinh tế và hợp tác chiến lược, tham gia các diễn đàn đa phương thay thế, và cả sự cộng hưởng với một mô hình quốc gia có thể hành động độc lập khỏi phương Tây,... Những động thái này cho thấy các quốc gia Đông Nam Á trên đang chủ động định hình vị thế của mình trong một trật tự thế giới đa cực, không bị ràng buộc bởi sự phân cực truyền thống.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ly-do-malaysia-va-indonesia-thuc-day-quan-he-voi-lien-bang-nga-20250708164218997.htm