Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục thúc đẩy tầm nhìn của mình về việc tiếp quản Greenland, một vùng lãnh thổ bán tự trị của Đan Mạch, lập luận rằng hòn đảo này là cần thiết để tăng cường an ninh và các nguồn tài nguyên chiến lược của Mỹ.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội vào đầu tháng này, ông Trump cho biết, Mỹ sẽ kiểm soát Greenland "bằng cách này hay cách khác". Và gần đây, Tổng thống Trump đã từ chối loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để đạt được mục đích.
Người dân Greenland khẳng định hòn đảo này "không phải để bán". Ảnh: Reuters.
Phó Tổng thống JD Vance và phu nhân Usha, đã đến Greenland hôm 28/3, với điểm dừng tại Căn cứ Không gian Pituffik do Mỹ điều hành trên bờ biển phía Tây Bắc của hòn đảo. Nhưng trước khi phái đoàn Mỹ đến, họ đã gặp phải sự phản đối rộng rãi đối với các kế hoạch sáp nhập của ông Trump.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Mỹ lại thể hiện sự quan tâm lớn đến Greenland trong bối cảnh vùng lãnh thổ này đang đấu tranh giành độc lập?
“Chúng ta phải có nó”
Trước chuyến đi của Phó Tổng thống Mỹ Vance tới Greenland, ông Trump khẳng định hòn đảo này cần thiết cho "an toàn và an ninh quốc tế".
"Chúng ta cần nó. Chúng ta phải có nó", ông nói với người dẫn chương trình podcast Vince Coglianese trong một cuộc phỏng vấn gần đây. "Tôi ghét phải nói theo cách đó, nhưng chúng ta sẽ phải có nó".
Một cuộc khảo sát gần đây của công ty thăm dò ý kiến Verian, được tờ báo Đan Mạch Berlingske và tờ Sermitsiaq của Greenland ủy quyền cho thấy, 85% người dân Greenland tham gia khảo sát không muốn trở thành một phần của Mỹ. Chỉ có 6% số người được hỏi cho biết họ muốn gia nhập Mỹ và 9% cho biết họ chưa có quyết định.
Đan Mạch đã trao cho Greenland và dân số khoảng 57.000 người của hòn đảo này quyền tự chủ rộng rãi vào năm 2009, bao gồm quyền tuyên bố độc lập khỏi Đan Mạch thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.
Trước khi ông Vance đến, lãnh đạo Greenland Mute Egede đã nói với Sermitsiaq rằng chuyến thăm này "rất gây hấn", đặc biệt là khi có sự hiện diện của cố vấn an ninh quốc gia Michael Waltz.
"Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ đang làm gì ở Greenland? Mục đích duy nhất là để chứng minh quyền lực đối với chúng tôi", ông Egede - người đã thúc đẩy nỗ lực giành độc lập cho Greenland, nói với Sermitsiaq. "Sự hiện diện của ông ấy ở Greenland chắc chắn sẽ thúc đẩy niềm tin của người Mỹ vào sứ mệnh của Trump - và áp lực sẽ tăng lên".
Cuộc đua giành các nguồn tài nguyên khoáng sản
Sau khi đến Greenland, ông Vance đã chỉ trích rằng Đan Mạch "chưa đầu tư đủ" cho người dân và cấu trúc an ninh của Greenland.
Phó Tổng thống Vance lập luận rằng Greenland sẽ được hưởng lợi khi nằm dưới "chiếc ô an ninh" của Mỹ thay vì Đan Mạch.
"Thông điệp của chúng tôi gửi đến Đan Mạch rất đơn giản - các vị đã không làm tốt công việc của người dân Greenland", ông Vance nói. "Các vị đã đầu tư không đủ cho người dân Greenland và không đầu tư đủ cho kiến trúc an ninh của vùng đất tuyệt đẹp và đáng kinh ngạc này".
Đan Mạch ngay lập tức đã bày tỏ không hài lòng đối với bình luận của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance. Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen khẳng định Copenhagen sẵn sàng lắng nghe những lời chỉ trích, song đây không phải là cách “nói chuyện với các đồng minh gần gũi”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh vẫn coi Đan Mạch và Mỹ là những đồng minh như vậy.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cũng lên tiếng phản đối phát biểu của Phó Tổng thống Vance, cho rằng phát biểu này “không chính xác”. Theo bà, việc Phó Tổng thống Mỹ đến thăm hòn đảo Bắc Cực này mà không được mời là “áp lực không thể chấp nhận được" đối với Greenland và Đan Mạch.
Hôm 29/3, hàng trăm người đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Copenhagen của Đan Mạch để phản đối kế hoạch của ông Trump. "Chúng tôi lo lắng cho gia đình đang sống ở Greenland. Chúng tôi cũng lo ngại về những gì sẽ xảy ra với họ nếu việc sáp nhập xảy ra", một người Greenland tham gia biểu tình cho hay.
Một người khác khẳng định: "Chúng tôi muốn cùng nhau nói rằng lời lẽ của Mỹ liên quan Greenland và Đan Mạch là không thể chấp nhận được".
Bất chấp những ý kiến phản đối, Tổng thống Trump đã nhìn thấy cơ hội rõ ràng và chắc chắn ông sẽ không dễ dàng buông tay.
Mỹ nhìn thấy khả năng trong tương lai, các cường quốc toàn cầu sẽ tìm cách tranh giành nguồn tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác của Greenland - đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt - vì phần lớn hòn đảo này nằm trong Vòng Bắc Cực. Với tình trạng băng tan đang biến đổi một số khu vực của hòn đảo, các tuyến vận chuyển chiến lược có thể được mở ra. Điều đó khiến Greenland trở thành mục tiêu chính trong chương trình nghị sự Nước Mỹ trên hết của Tổng thống Trump.
Hùng Cường/VOV.VN (biên dịch) Theo: Business Insider