Lối sống thiếu khoa học và thói quen ăn uống kém lành mạnh
- Thức khuya, thiếu ngủ, căng thẳng kéo dài: Áp lực học tập, công việc, cùng với thói quen sử dụng thiết bị điện tử muộn, khiến nhiều bạn trẻ thường xuyên thiếu ngủ. Tình trạng này gây căng thẳng cho cơ thể, ảnh hưởng đến chức năng thận về lâu dài.
- Uống ít nước, nhịn tiểu: Nhiều người trẻ do tính chất công việc hoặc đơn giản là lười biếng mà không uống đủ nước. Thậm chí, việc nhịn tiểu thường xuyên cũng tạo áp lực lớn lên bàng quang và thận, gây suy giảm chức năng bài tiết.
- Ăn mặn, nhiều muối: Thói quen ăn các món ăn nhanh, đồ chế biến sẵn, đồ ăn vặt chứa nhiều muối không chỉ làm tăng huyết áp mà còn gây áp lực lớn cho thận, dẫn đến tổn thương mao mạch thận.
- Ăn quá nhiều đạm: Việc tiêu thụ quá nhiều protein (thịt đỏ, thực phẩm bổ sung protein...) khiến thận phải làm việc vất vả hơn để đào thải các chất độc như ure, nitơ, lâu dần làm suy yếu chức năng thận.
- Lạm dụng đồ uống có ga, nước ngọt, bia rượu: Các loại đồ uống này chứa nhiều đường, hóa chất, tạo gánh nặng cho thận và có thể làm thay đổi nồng độ pH trong cơ thể, tăng nguy cơ suy thận.
Suy thận có xu hướng ngày càng “trẻ hóa”. Ảnh: Getty Images
Lạm dụng thuốc và hóa chất
- Thuốc giảm đau và kháng sinh: Việc lạm dụng các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như Ibuprofen, Naproxen, hoặc một số loại kháng sinh mạnh mà không có chỉ định của bác sĩ trong thời gian dài có thể gây độc cho thận. Nhiều người trẻ tự ý mua thuốc giảm đau để giảm các cơn đau thông thường, mà không lường trước được tác hại lâu dài.
- Thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc: Thị trường tràn ngập các loại thực phẩm chức năng, thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc, quảng cáo công dụng "thần kỳ". Nhiều sản phẩm này chứa các chất độc hại, kim loại nặng hoặc thành phần không được kiểm soát, gây gánh nặng cho thận khi phải đào thải, thậm chí gây tổn thương thận cấp tính.
- Hóa chất từ môi trường: Tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất công nghiệp, thuốc trừ sâu, hoặc các chất ô nhiễm trong môi trường sống và làm việc cũng có thể là yếu tố nguy cơ gây bệnh thận.
Thiếu kiến thức và chủ quan trong phòng bệnh
Điểm đáng lo ngại nhất là sự thiếu hụt kiến thức về sức khỏe thận và tâm lý chủ quan trong giới trẻ. Nhiều bạn trẻ không nhận thức được tầm quan trọng của thận, các yếu tố nguy cơ, hay các dấu hiệu ban đầu của bệnh. Họ thường bỏ qua những triệu chứng nhỏ như mệt mỏi, tiểu đêm, phù nhẹ, chỉ đến khi bệnh đã tiến triển nặng, với các biểu hiện rõ ràng hơn như buồn nôn, nôn mửa, khó thở… thì mới tìm đến bác sĩ, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều.
Suy thận ở người trẻ là một vấn đề sức khỏe đáng báo động. Việc nâng cao nhận thức về các nguyên nhân gây bệnh và chủ động thay đổi lối sống lành mạnh là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ "bộ lọc" quan trọng của cơ thể. Hãy lắng nghe cơ thể, ăn uống khoa học, rèn luyện thể dục thể thao, và thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề về thận.
CTV Thu Phương/VOV.VN (Biên dịch) Theo Felix Hospital và Kauvery Hospital Bangalore