Theo National Interest, những đóng góp nổi bật của USS Michigan thời gian qua cho thấy vai trò quan trọng của các tàu ngầm tấn công trong năng lực răn đe và triển khai sức mạnh của hải quân Mỹ, đặc biệt tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Ohio của Mỹ USS Michigan (SSGN 727) cập cảng Busan, Hàn Quốc hồi năm 2023 - Ảnh: Reuters
Tàu ngầm USS Michigan
Tàu ngầm là một trong những khí tài có người lái hiệu quả và linh hoạt nhất của hải quân Mỹ, song thường bị đánh giá thấp. Trong khi đó, số lượng tàu ngầm lại quá ít do vướng các vấn đề này nọ tại các xưởng đóng tàu, làm chậm tiến độ chế tạo những lớp tàu mới. Tình trạng này buộc số tàu ngầm hiện có phải hoạt động với tần suất cao và kéo dài thời gian triển khai.
Lớp tàu ngầm tên lửa dẫn đường Ohio (SSGN) là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả tác chiến cao trong điều kiện hoạt động lâu dài. Các tàu ngầm thuộc lớp này, trong đó USS Michigan, đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, kể cả những hoạt động đặc biệt và triển khai lực lượng trong môi trường phức tạp.
Từ năm 2022 - 2024, USS Michigan đã thực hiện một loạt nhiệm vụ đặc biệt, góp phần vào việc thực hiện nhiều mục tiêu chiến lược của Mỹ, đặc biệt tại Tây Thái Bình Dương. Nhờ thành tích này, tháng 12.2024, tàu đã được trao bằng khen đơn vị hải quân (Navy Unit Commendation - NUC), phần thưởng cao quý dành cho các đơn vị thể hiện năng lực vượt trội trong hoạt động quân sự.
Theo nhà báo Joseph Trevithick từ The War Zone, thủy thủ đoàn USS Michigan được ghi nhận nhờ “kế hoạch tác chiến và quản lý rủi ro xuất sắc, thực hiện các chiến thuật chính xác” trong 3 nhiệm vụ đặc biệt có tác động trực tiếp đến an ninh quốc gia. Các hoạt động này còn hỗ trợ nhiều chiến dịch có ưu tiên cao và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương.
Khả năng tác chiến linh hoạt
Một điểm nổi bật trong hoạt động của USS Michigan là khả năng tích hợp và triển khai phương tiện không người lái dưới nước (UUV). Trong môi trường hải quân hiện đại, việc kết hợp giữa tàu ngầm có người lái, các đơn vị tác chiến đặc biệt và máy bay không người lái mang lại lợi thế chiến thuật đáng kể, đặc biệt tại các vùng biển nhạy cảm như khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Việc sử dụng UUV cho phép các lực lượng Mỹ tiếp cận những khu vực khó thâm nhập bằng phương pháp truyền thống hoặc các vùng ảnh hưởng của các nhóm phi quốc gia. Sự linh hoạt này mang lại cho hải quân một công cụ tác chiến bí mật và hiệu quả cao trong những tình huống phức tạp.
"Hiệu suất của Michigan đã thúc đẩy các năng lực mới nổi trong chiến tranh đặc biệt trên biển và dưới nước, bao gồm cả việc sử dụng phương tiện không người lái dưới nước", văn bản NUC cho biết.
Tuy chi tiết các nhiệm vụ vẫn được bảo mật, nhưng có thể nhận định rằng sự kết hợp giữa UUV và lực lượng đặc biệt được triển khai từ các khoang đặc biệt trên tàu ngầm SSGN đã tạo nên một mô hình tác chiến linh hoạt, khó bị phát hiện và có khả năng thích ứng cao với môi trường xung đột hiện đại.
Không chỉ nổi bật về năng lực tác chiến, USS Michigan còn đóng vai trò trong nhiều sự kiện quan trọng gần đây. Năm 2017, con tàu từng tham gia vào một cuộc phô diễn sức mạnh ngoài khơi bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng với Bình Nhưỡng. Trước đó một năm, USS Michigan cũng đánh dấu cột mốc lịch sử khi đón nhận nữ thủy thủ đầu tiên của hải quân Mỹ đạt tiêu chuẩn phục vụ trên tàu ngầm.
Lịch sử và năng lực của tàu ngầm lớp Ohio
USS Michigan là một trong 4 tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường được chuyển đổi từ tàu ngầm tên lửa đạn đạo (SSBN) lớp Ohio. Tàu được đưa vào hoạt động từ năm 1982, ban đầu mang tới 24 tên lửa đạn đạo Trident II với đầu đạn hạt nhân, phục vụ mục tiêu răn đe chiến lược trong Chiến tranh lạnh.
Sau khi được cải hoán tại xưởng đóng tàu hải quân Puget Sound vào năm 2006, USS Michigan trở thành tàu SSGN, mang theo tới 154 tên lửa hành trình Tomahawk và được thiết kế để hỗ trợ các hoạt động tác chiến đặc biệt, bao gồm cả triển khai lực lượng SEAL thông qua các khoang trên boong khô. Điều này giúp tăng cường đáng kể tính linh hoạt của tàu ngầm trong các nhiệm vụ tác chiến hỗn hợp và bí mật.
Với cảng nhà tại Bangor, bang Washington, USS Michigan tiếp tục duy trì vai trò quan trọng trong chiến lược quân sự của Mỹ, đặc biệt là ở vùng châu Á - Thái Bình Dương, nơi cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đang ngày càng gay gắt.
Sự thành công của USS Michigan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư mạnh mẽ hơn vào lực lượng tàu ngầm của Mỹ. Trong bối cảnh các xưởng đóng tàu trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn về năng lực sản xuất và tiến độ giao hàng chậm, số lượng tàu ngầm sẵn sàng hoạt động đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với chính phủ và giới lãnh đạo quân sự Mỹ trong việc ưu tiên phát triển và duy trì một hạm đội tàu ngầm đủ mạnh để đáp ứng các thách thức chiến lược toàn cầu, đặc biệt khi các đối thủ đang mở rộng nhanh chóng hải quân và công nghệ chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD).
Hoàng Vũ